|
Các chuyên gia của NASA cho biết Nam Cực đang dần biến mất. Ảnh: CNN. |
Báo cáo mới nhất của Đại học Massachusetts Amherst đăng tải trên tạp chí khoa học Nature cho biết băng tan ở Nam cực là nguyên nhân chính nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Chỉ riêng lượng băng tại đây đã khiến cho nước biển dâng thêm 1m vào cuối thế kỷ này. Còn lại, băng ở các khu vực khác sẽ làm tăng thêm 1m nữa, tổng cộng là 2m.
Đáng chú ý, dự báo trên đưa ra kết quả nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo năm 2013 của Liên hợp quốc. Robert DeConto, một trong những tác giả của báo cáo này cho biết, mỗi năm mực nước biển đang tăng lên đáng kể.
Ở khoảng thời gian xa hơn, mực nước biển được Đại học Massachusetts Amherst dự báo tăng lên 15m vào năm 2500. "Khi đó, bản đồ thế giới sẽ bị vẽ lại đáng kể so với hiện nay", Robert DeConto cảnh báo.
Tháng 9 năm ngoái, NASA cũng đưa ra cảnh báo mực nước biển toàn cầu sẽ tăng ít nhất 1m, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đây. "Ngay cả khi mức dự báo này giảm bớt đi thì những thành phố ven biển vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ nhấn chìm nghiêm trọng", Carlos Del Castillo, giám đốc phòng thí nghiệm sinh thái học đại dương của NASA, tỏ ý lo ngại.
Vấn đề còn lại hiện nay là các chính sách về môi trường, chẳng hạn lượng khí thải công nghiệp, hiệu ứng nhà kính được cắt giảm như thế nào. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không có chính sách phù hợp và nhanh chóng, cả thế giới sẽ lĩnh hậu quả nghiêm trọng nhanh hơn chúng ta tưởng.