Không chủ đích hướng vào một nội dung cụ thể, Nguyên Ngọc lựa chọn sự đa dạng trong những bận tâm lớn, suy tư và trăn trở thường trực của chính mình làm đối tượng để viết.

Cuộc viết của Nguyên Ngọc, vì thế, là sự hội tụ thật sự trọn vẹn, bền bỉ và vô cùng sáng láng, hấp dẫn những gì ông đã đọc và nghĩ, đi và quan sát, sống trải và tận hiến vô tư, miệt mài, hiệu quả cho các hoạt động văn hóa, giáo dục, dịch thuật,…

“Dọc đường” dành nhiều bài viết xoay quanh chủ đề giao thoa văn hóa Pháp-Việt đầu thế kỉ XX. Sinh năm 1932, Nguyên Ngọc thuộc thế hệ cuối cùng được trải qua một ít nền giáo dục Pháp ở Việt Nam mà chúng ta vẫn hay gọi là giáo dục thuộc địa. “Vì hoàn cảnh riêng - ông nhấn mạnh, tôi cũng chỉ tiếp nhận được nó dở dang thôi, vậy mà nó vẫn kịp tạo cho tôi một cái nền và cái đà để rồi tiếp tục tự học suốt đời”.

đ
Cuốn sách của nhà văn Nguyên Ngọc vừa được xuất bản năm 2022. Ảnh: MAT

Chia sẻ chân thành của Nguyên Ngọc cho thấy một trong những căn nguyên tạo nên bước ngoặt lớn của xã hội Việt Nam khi tiếp xúc với Pháp là nằm ở giáo dục. Chính hệ thống giáo dục Pháp thuộc địa, mà thực tế đã có rất nhiều người nghiên cứu như Trịnh Văn Thảo, Trần Thị Phương Hoa, Nguyễn Trọng Báu hay gần đây là Nguyễn Thụy Phương, đã góp phần hình thành nên tầng lớp trí thức hiện đại, tân học và nhờ đó, từng bước thẩy đẩy xã hội hòa nhập quĩ đạo hiện đại của thế giới.

Thoát dần truyền thống Hán học, lớp trí thức đầu thế kỉ XX tiếp thu văn hóa Pháp, văn minh phương Tây, kéo theo một loạt các loại hình công việc mới, sự thay đổi về lối sống, nhận thức lẫn tâm thế, nên chúng ta mới có đô thị hiện đại, báo chí, in ấn, văn chương quốc ngữ; mới có tự do hôn nhân, nam nữ bình quyền; thậm chí, mới có bóng điện trên đường phố… Với sức mạnh của cái mới, giáo dục và văn hóa Pháp đương nhiên làm lung lay tận gốc những thành trì hủ tục lạc hậu và giúp dân chúng vỡ lẽ những ý niệm có thể nói rất mới nhưng cần kíp về quyền cá nhân, pháp luật, tòa án và còn điều này nữa, như hôm nay chúng ta đang cố gắng tạo dựng, là về cải cách, duy tân, đổi mới xã hội.

Sẽ không trọn vẹn và hấp dẫn nếu tìm hiểu cuộc tiếp xúc văn hóa Pháp Việt đầu thế kỉ XX mà bỏ qua những tên tuổi lớn, những nhân vật chính của thời đại. Nguyên Ngọc gọi họ là “những người khổng lồ”. Ông đầy cảm hứng và suy tư về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,… rồi đặt câu hỏi: “tại sao hồi đầu thế kỉ XX, chúng ta lại có được một thế hệ những người khổng lồ như vậy, trong văn hóa, tức là ở cái nền tảng cơ bản nhất của tất cả”? Trả lời băn khoăn này, Nguyên Ngọc cho rằng thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt, là “thế hệ đa văn hóa”. Họ chuyển từ Hán học sang Tây học, tức là “từ đỉnh cao này họ nhìn ngắm đỉnh cao kia, từ đỉnh cao này họ đến với đỉnh cao kia”, trong họ là “sự kết nối hai nền văn hóa lớn nhất của nhân loại”.

Lý giải khá xác đáng của Nguyên Ngọc đã chỉ ra những “bùng nổ” sâu xa trong nhận thức, hành động của các tên tuổi lớn đó: phải cập nhật và không ngừng hoàn thiện mình trong mô hình người trí thức hiện đại, không phô diễn, khoe mẽ kiến văn như các bậc túc nho thất bại, mà dùng hiểu biết, vốn kiến thức kim cổ nhuần nhuyễn của mình để dấn thân vào sự nghiệp văn hóa, cải cách xã hội.

Điểm chung khá rõ của những nhân vật được nhắc đến ở trên, theo tôi, là hành động không ngừng nghỉ, liên tục và hiệu quả trong mục tiêu xuyên suốt là “khai dân trí, chấn dân khí”. Họ viết báo, viết văn, dịch thuật; họ mở trường dạy học, bàn kế sách và kiên trì theo đuổi kế sách duy tân; họ đối thoại bằng tiếng Pháp với người Pháp, khuyên nhủ và thức tỉnh đồng bào bằng chữ quốc ngữ, bằng thứ tiếng Việt dễ hiểu cho mọi công chúng. Nhưng thực hiện công cuộc cải cách, chấn hưng văn hóa đòi hỏi thời gian lâu dài và không dễ để kiểm kê ngay thành tựu tức thì. Cho nên bản thân “những người khổng lồ” cũng gặp phải những lúng túng, dở dang hoặc đôi khi, phải dựa vào chính thực lực người Pháp để hoàn tất các dự định của mình. Đánh giá, nhìn nhận họ không hề đơn giản và nhìn chung, cần đến cái nhìn tổng thể, kĩ lưỡng, đa chiều.

Mà một khi càng đi sâu tìm hiểu theo hướng đó, như Nguyên Ngọc chỉ ra, sẽ làm chúng ta không thôi ngạc nhiên, thảng thốt và cảm phục trước trí lực, tâm huyết của họ, sẽ càng giật mình vì thời cuộc khó khăn, nan giải đầu thế kỉ XX không cản nổi những tầm nhìn viễn kiến, có nghĩa thời sự đến tận hôm nay. Theo Nguyên Ngọc, muốn tiếp nối được họ, ngày hôm nay “nhất thiết phải đa văn hóa. Phải tìm mọi cách để, như cha ông ta cách đây đúng một thế kỉ, làm chủ được những đỉnh cao của văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây”.

Cố nhiên, để các đề đạt sáng suốt này không nằm yên trên giấy, bản thân Nguyên Ngọc cũng tham gia khởi xướng và thực hiện nhiều công việc cần kíp như dịch thuật các tác phẩm tinh hoa, các trước tác dân tộc học về Tây Nguyên, hay công trình lí luận văn chương.

Về dịch thuật tác phẩm tinh hoa, Nguyên Ngọc cho rằng: “sẽ là phiến diện và thậm chí nguy hiểm, nếu trong chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước không thật sự có kế hoạch toàn diện, nghiêm túc, có hệ thống, và cả bức bách nữa, dịch thuật tinh hoa tri thức thế giới như một trong những chiến lược then chốt của phát triển, hoặc cũng có thể nói cách khác, trong sự nghiệp phục hưng dân tộc”. Trên thực tế, những cuốn sách trong dự án dịch thuật tinh hoa tri thức thế giới đó (chủ yếu được in ấn bởi NXB Tri Thức) đã tạo nên nhiều lực đẩy quan trọng trong sự đọc, tiếp nhận của độc giả Việt, và hơn nữa, so với mặt bằng tri thức chưa hẳn đã bài bản, qui củ, thì dòng sách này luôn khích lệ chúng ta nỗ lực xây dựng xã hội hiếu tri, có tinh thần tự chủ, tự do hiểu biết.

Nguyên Ngọc thường xuyên nêu đề đạt và điểm độc đáo thống nhất trong toàn bộ suy tư của ông là luôn gắn những vỡ lẽ, nhận thức với thực tế xã hội, văn hóa hôm nay. Ông viết về những nhân vật quá khứ, viết về những học giả lớn như Leopold Cadière, hay Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, về những gương mặt văn chương như Lê Đạt, Trang Thế Hy, Tolstoy,… thì bao giờ cũng “kéo” họ về thời điểm hiện nay, nơi xã hội có thể học hỏi, lắng nghe họ được những gì, và cần làm gì đích đáng tiếp theo để tư tưởng của họ không bị mai một. Bởi thế, đọc Nguyên Ngọc thì cũng đồng nghĩa nhận ra con người hành động, con người ít khi chấp nhận nửa vời ý tưởng và lưng chừng phát ngôn, ẩn sau những câu văn tầng tầng lớp lớp của ông.

“Dọc đường”, như tên gọi, còn có nhiều bài viết ghi lại những chuyến đi dày đặc trong cuộc đời dài của Nguyên Ngọc. Những kí ức, cảm xúc và câu chuyện kì khôi, những con người kì lạ trong loạt tùy bút “Trở lại Mèo Vạc”, “Lan man miền Tây”, “Châu công tử, quí tộc Hội An thời vang bóng”, “Những người chị của tôi ở phố Hội”, xin nói ngay, cuốn hút đến từng dòng từng trang. Không phải ai đi nhiều, ham đi hay như mốt thời thượng bây giờ là quẳng mình trong muôn vàn cuộc tụ bạ, cũng có thể viết được và viết ra đúng chất địa văn hóa, địa nhân văn mỗi nơi đến, mỗi người gặp. Nhưng Nguyên Ngọc, ngạc nhiên và may mắn thay chúng ta vẫn có ông, luôn viết thật ngon lành, sâu sắc và tài hoa những gì mình mắt thấy tai nghe, cảm nhận và khám phá. Có lẽ, chính bởi, Nguyên Ngọc chưa bao giờ ngừng một giây suy tư.