Nhiều người không còn ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ các bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý; nhưng vẫn còn những hạn chế trong việc điều trị, trị liệu cho họ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tại tọa đàm ra mắt sách Có lẽ bạn nên gặp 'bác sĩ tâm lý' của tác giả Mỹ Lori Gottlieb chiều 10/7, hai diễn giả cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa tiến hành nhiều khảo sát và nghiên cứu diện rộng về sức khỏe tâm thần của người dân. Nhưng thông qua một số nghiên cứu đã được công bố và từ thực tế tham gia hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân trong hai năm qua, hai diễn giả đều khẳng định, số người Việt gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải là ít.

Người Việt cũng gặp đủ loại bệnh lý về tâm thần như ở các nước khác – rối loạn tâm thần sau những bệnh lý cơ thể; rối loạn tâm thần liên quan căng thẳng, trầm cảm; rối loạn lưỡng cực; rối loạn giấc ngủ; rối loạn nhân cách; rối loạn sau sinh… Trẻ em thì gặp các rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn cảm xúc, hành vi… Đặc biệt, do sự phát triển và biến động của xã hội, tỷ lệ rối loạn liên quan trầm cảm lo âu ngày càng tăng, chủ yếu ở người trưởng thành, đang trong độ tuổi lao động, và vị thành niên.

fdfdg
ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh tại webinar ra mắt sách do thương hiệu MedInsights xuất bản. Ảnh: VH

Dịch bệnh Covid-19 càng làm cho vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên phức tạp hơn. ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - dẫn khảo sát do Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Thủ Đức, TPHCM) tiến hành vào năm 2021 cho biết, 53,3% số bệnh nhân điều trị tại đây gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Cũng theo hai diễn giả, ở các nước phát triển, sức khỏe tâm thần được coi trọng tương đương sức khỏe thể chất và khi gặp đề về sức khỏe tâm thần, đa phần người dân sẵn sàng tìm đến sự trợ giúp từ những người có chuyên môn. Mức độ hiểu biết của người dân về sức khỏe tâm thần ở những nước này khá cao và lực lượng nhân sự chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng được chú ý đào tạo. Như TS Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương - giảng viên khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, ở Đức, trong một nhóm hỗ trợ bệnh nhân/thân chủ luôn có sự tham gia của 6 lực lượng, gồm: bác sĩ chuyên khoa, nhà trị liệu tâm lý, nhà tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhà vật lý trị liệu, giáo viên giáo dục đặc biệt.

sfff
TS Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương tại webinar chiều 10/7. Ảnh: VH

Một dấu hiệu đáng mừng là tại Việt Nam, trải qua đại dịch Covid-19, khi gặp những dấu hiệu khác lạ về thể chất, cảm xúc, hành vi, gây ra nhiều cản trở trong sinh hoạt, học tập, và làm việc; nhiều người đã không ngần ngại tìm kiếm thông tin và sự trợ giúp từ các bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, người Việt vẫn cần được nâng cao hiểu biết hơn nữa để có thể nhận diện những dấu hiệu về sức khỏe tâm thần và biết cách tìm cho mình sự trợ giúp cần thiết, TS Mai Hương nói.

BS Vân Anh cũng đồng ý quan điểm này. Từ thực tế làm trị liệu, chị cho biết, vẫn tồn tại những thách thức khi bệnh nhân tìm đến sự trợ giúp của những người có chuyên môn: hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng; định kiến xã hội; và đặc biệt là nhận thức của bản thân người bệnh. “Ngay cả khi cơ thể báo động bằng các biểu hiện lo âu, ăn không ngon miệng, ngủ không ngủ được, mất tập trung…; nhiều bệnh nhân vẫn từ chối đi gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần,” – BS Vân Anh kể. “Có những bệnh nhân từ các Khoa Tiêu hóa, Tim mạch… được chuyển đến Viện Sức khỏe tâm thần vẫn khăng khăng bản thân hoàn toàn bình thường… Chỉ đến khi được giải thích tâm thần là một nửa khía cạnh sức khỏe của con người, cộng với hiệu quả điều trị, thì họ mới chấp nhận mình đang có bệnh lý và cần được can thiệp, hỗ trợ tích cực.”

Việc không phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho các cá nhân và xã hội - BS Vân Anh nhấn mạnh. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, não bộ hoạt động không tốt có thể làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc làm một số bệnh liên quan đến nội tiết, tiêu hóa, tim mạch trở nên nặng hơn, ảnh hưởng đến đời sống và năng lực làm việc của mỗi cá nhân.

Trong bối cảnh nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân Việt Nam đang cần được nâng cao, hai diễn giả cho rằng, cuốn sách Có lẽ bạn nên gặp ‘bác sĩ tâm lý’ của nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb có thể giúp người đọc nắm bắt các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, cũng như quá trình trị liệu tâm lý, để họ cởi mở và sẵn sàng hơn khi cần tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia. “Cuốn sách sẽ giúp độc giả nhận thấy những vấn đề sức khỏe tâm thần họ gặp phải không phải là cá biệt; và việc trị liệu tâm lý rất quan trọng nhưng không có gì trầm trọng, từ đó giúp họ sẵn sàng tiếp cận việc điều trị, tìm đến sự giúp đỡ khi cần thiết,” BS Vân Anh nói.