Trong xã hội ngày nay, các đồ vật làm bằng thủy tinh rất phổ biến và xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng trong thế giới cổ đại, chế tác thủy tinh là kiến thức đặc biệt chỉ được sở hữu bởi một số xã hội nhất định. Điều này khiến thủy tinh trở thành một loại mặt hàng khá xa xỉ.
Thủy tinh xuất hiện trên Trái đất kể từ thuở sơ khai. Nó hình thành khi một số loại đá tan chảy do nhiệt độ cao gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, sét đánh hoặc tác động của thiên thạch, sau đó nguội lại và hóa rắn một cách nhanh chóng. Thủy tinh tự nhiên, chẳng hạn như đá thủy tinh núi lửa obsidian, đã được con người sử dụng như một công cụ trong thời kỳ đồ đá. Tuy nhiên, thời điểm con người bắt đầu biết cách làm thủy tinh nhân tạo cho đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn đối với giới khoa học.
Pliny the Elder, một học giả người La Mã, cho rằng phương pháp tạo ra thủy tinh được người Phoenicia phát hiện một cách tình cờ, cụ thể là các thương nhân neo đậu trên sông Belus ở Syria. Vào khoảng năm 5.000 trước Công nguyên, họ thường xuyên vận chuyển hợp chất nitre (kali nitrat) trên tàu để buôn bán bằng đường biển. Trong lúc nghỉ ngơi và chuẩn bị bữa ăn trên bãi biển, các thương nhân này không tìm thấy những hòn đá thích hợp kê vạc nấu thức ăn. Do đó, họ quyết định lấy một số cục nitre trên tàu để thay thế. Sau khi chịu tác động bởi sức nóng dữ dội của ngọn lửa, nitre tan chảy trộn lẫn với cát trên bãi biển tạo ra một loại chất lỏng mờ đục, hay còn gọi là thủy tinh.
Nhưng theo một số nhà khảo cổ học, thủy tinh được sản xuất lần đầu tiên bởi người dân sống ở khu vực Lưỡng Hà hoặc Ai Cập cổ đại. Bằng chứng là các vật thể thủy tinh nhân tạo lâu đời nhất, chủ yếu là chuỗi hạt thủy tinh, được tìm thấy ở Ai Cập và phía Đông Lưỡng Hà. Chúng có niên đại giữa thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên.
Vào thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên, người dân Lưỡng Hà đã biết cách sử dụng thủy tinh để phủ bên ngoài các loại bình và chai lọ. Họ cho cát đá vôi (calciferous sand) và soda vào một lò nung nhiệt độ cao để tạo thành lớp men có màu sắc dày từ 0,15 – 0,4 mm trên các bình gốm, khiến bề mặt sản phẩm trở nên nhẵn bóng hơn. Các thương nhân và thủy thủ người Phoenicia nhanh chóng truyền bá kỹ thuật này ra khắp Địa Trung Hải.
Những mảnh vỡ lâu đời nhất của bình thủy tinh được tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà có niên đại vào thế kỷ 16 trước Công nguyên. Đây là bằng chứng sớm nhất về sự xuất hiện của các sản phẩm thủy tinh rỗng. Tuy nhiên, xưởng sản xuất thủy tinh lâu đời nhất không được phát hiện ở Lưỡng Hà mà ở Ai Cập. Xưởng thủy tinh này – có niên đại vào giữa thế kỷ 13 trước Công nguyên – nằm ở Qantir, thuộc khu vực phía Đông vùng đồng bằng châu thổ sông Nile. Nơi đây trước kia từng là thủ đô Piramesses của Ai Cập trong thời gian cai trị của Pharaoh Ramesses II.
Kỹ thuật chế tác thủy tinh cổ xưa
Một số công nghệ chế tác thủy tinh của người cổ đại bao gồm tạo hình lõi (core-forming) và tạo hình khuôn (mould-forming). Kỹ thuật tạo hình lõi được phát triển bởi các thợ thủ công Ai Cập. Đầu tiên họ tạo ra lõi cát ướt hoặc đất sét nén chặt có hình dạng của đồ vật muốn sản xuất, chẳng hạn như các bình hoặc chai lọ. Sau đó, họ nhúng lõi vào thủy tinh nóng chảy, xoay tròn để thủy tinh dính chặt vào nó. Khi thủy tinh vẫn còn mềm, thợ thủ công sẽ lăn khối thủy tinh trên một phiến đá để làm mịn hoặc trang trí thêm các họa tiết. Cuối cùng, họ loại bỏ phần lõi và tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Ví dụ nổi bật nhất về đồ thủy tinh Ai Cập được sản xuất theo phương pháp tạo hình lõi là ba chiếc bình mang tên của Pharaoh Thoutmosis III (1504 – 1450 trước Công nguyên), người đã đưa các thợ chế tác thủy tinh đến Ai Cập làm tù nhân sau một chiến dịch quân sự thành công ở châu Á.
Các đồ vật như bát và đĩa có miệng rộng hơn thường được sản xuất bằng phương pháp tạo hình khuôn. Thủy tinh nóng chảy được rót vào khuôn chịu nhiệt. Nó nhanh chóng lấp đầy phần rỗng trong khuôn do tác động của trọng lực. Khi thủy tinh nguội, thợ thủ công sẽ tháo dỡ khuôn và thu được đồ vật có hình dạng như mong muốn. Một biến thể khác của kỹ thuật này không cần dựa vào tác động của trọng lực là ép thủy tinh mềm giữa hai khuôn tạo hình. Các đồ vật thủy tinh thời cổ đại thường có màu xanh lá cây vì nguyên liệu cát sản xuất nó lẫn nhiều tạp chất sắt.
Những thay đổi lớn trong sản xuất thủy tinh
Trong giai đoạn từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 14 sau Công nguyên, công nghệ chế tạo thủy tinh đã trải qua một sự thay đổi lớn. Vào thời gian này, người ta đã khám phá ra kỹ thuật thổi thủy tinh. Nhờ kỹ thuật này, các thợ thủ công có thể tạo ra nhiều đồ vật rỗng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Các nhà sử học cho biết, kỹ thuật thổi thủy tinh có nguồn gốc từ các thợ thủ thông khéo léo người Phoenicia ở Syria, sau đó người La Mã nhanh chóng tiếp nhận và cải tiến nó. Hiện nay, các bằng chứng khảo cổ bao gồm nhiều bình và chai lọ tạo ra bằng phương pháp thổi thủy tinh đã được phát hiện trên khắp Tây Âu và khu vực Địa Trung Hải. Những bình thủy tinh La Mã với thiết kế tinh xảo, đẹp mắt thậm chí đã trở thành hàng hóa thương mại, đi theo Con đường tơ lụa sang tận Trung Quốc.
Ban đầu, các sản phẩm thủy tinh thời cổ đại là một mặt hàng hiếm, có giá trị cao. Nhưng khi kỹ thuật sản xuất thủy tinh lan truyền rộng rãi thông qua buôn bán thương mại, thủy tinh nhanh chóng trở thành loại vật liệu phổ biến dùng để chế tạo các đồ dùng hằng ngày cho người dân.
Theo Ancient Origins, một số tác phẩm thủy tinh đẹp nhất trong lịch sử có nguồn gốc từ các xưởng chế tác thủy tinh của người dân sống ở Venice, Ý. Từ năm 1500 đến năm 1700, họ sở hữu các kỹ thuật thổi thủy tinh bí mật, có thể tạo ra những mặt hàng thủy tinh xa xỉ để bán trên khắp châu Âu. Hiện nay, phương pháp thổi tinh vẫn được sử dụng rộng rãi bởi những thợ thủ công lành nghề sản xuất thủy tinh bằng tay.