Trái với suy nghĩ của nhiều người về loài vật chây lười, phàm ăn, bẩn thỉu, ô uế và ngu ngốc … trên thực tế, lợn lại là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, và thậm chí cả sự dũng cảm trong nhiều nền văn hóa.

Con vật may mắn

Tranh dân gian Đông Hồ Việt Nam thường vẽ lợn và hình ảnh “lợn đàn” để thể hiện sự sung túc, phồn thực, hạnh phúc. Theo quan niệm cổ truyền, lợn mang thông điệp chúc tụng cho một năm mới gặp nhiều may mắn, phúc lộc và con đàn cháu đống.

Đối với nhiều cư dân đảo vùng Đông Nam Á, lợn vừa là nguồn cung thực phẩm, vừa là biểu tượng của sự giàu có, quà cưới cho cô dâu, hay đôi khi lại còn là đơn vị hoặc phương tiện trao đổi hàng hóa quan trọng. Kapia – loài lợn không lông, khá phổ biến trên các quần đảo ngoài khơi Thái Bình Dương – còn có địa vị như con người khi được đặt cho danh xưng, mặc áo nghiêm chỉnh và trang điểm mặt. Một số bộ tộc da đỏ châu Mỹ cũng có tín ngưỡng tương tự và thường dùng lợn để tế thần vì tin chúng có linh hồn.

Tại châu Âu, người Hy Lạp cổ đại tin rằng lợn là con vật được nữ thần Demeter (chủ trị việc sinh sản) ưa thích, do đó nó chính là hiện thân của thịnh vượng và trù phú. Người Ailen xưa cũng hay nói “lợn là quý ông giúp trả tiền tô” khi xem nuôi lợn như là một trong những cách đảm bảo sinh kế cho gia đình; Ngoài ra, các trại lợn cũng thường tích trữ rất nhiều thức ăn.

Mỗi dịp năm mới, người Đức hay có phong tục làm đồ trang trí và thẻ bài chúc phúc gắn hình con lợn. Còn tại Bắc Âu, cứ vào tháng 12 hằng năm, cả ngàn chiếc kẹo Marzipan mang tạo hình những chú lợn xinh xắn – tượng trưng cho ước muốn may mắn, thịnh vượng – lại được bán ra. Cũng như từ
“Glccksschwein” trong tiếng Đức dùng để chỉ “chú lợn may mắn”, người NaUy cũng có thuật ngữ “heldiggris” mang nghĩa tương tự, giống như từ “tur gris” trong tiếng Thụy Điển, “heldig gris” (Đan Mạch) hay “heppinn svín” (Iceland).

Ở một số nơi, người dân cũng hay có thói quen đeo vòng cổ gắn hình con lợn như một loại bùa may mắn giúp thu hút tiền bạc. Trong khi lợn ống (piggybank) chính là một biểu tượng đặc trưng, mang ý nghĩa giữ gìn và bảo vệ tài chính gia đình bởi việc nhét tiền xu nuôi lợn cho thấy ý thức tiết kiệm và biết chăm lo tương lai.

Chưa hết, lợn cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong y học khi có tới hơn 40 loại thuốc (bao gồm insulin cho các bệnh nhân tiểu đường) … được bào chế từ lợn; hay van tim lợn còn được sử dụng trong phẫu thuật để thay thế cho người; mỡ lợn được dùng làm thuốc diệt cỏ, phấn bảng, mỹ phẩm, phấn màu và sáp …

Lợn trong thần thoại

Trong thần thoại Trung Quốc, lợn là con vật cuối cùng tới kịp để dự yến tiệc của Ngọc Hoàng trên thiên đình trước khi cổng trời đóng lại, và do đó nó cũng được đảm bảo một vị trí bất dịch trong 12 cung Hoàng đạo. Theo quan niệm âm dương ngũ hành, mỗi năm thường được gắn với một trong các yếu tố: kim (kim loại), mộc (cây cối), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Nhìn chung, người Trung Quốc xem lợn là biểu tượng của sự hòa đồng, phổ biến, đam mê và đáng tin cậy, mặc dù chúng cũng rất dễ nổi nóng (một dấu hiệu của sự âm tính). Trong cách chia Âm lịch thì cứ sau 12 năm lại xuất hiện một năm Hợi, chẳng hạn: 30/1/1911 – 18/2/1912 (Tân Hợi, Kim); 16/2/1923 - 5/2/1924 (Quý Hợi, Thủy); 4/2/1935 – 23/1/1936 (Ất Hợi, Hỏa); 22/1/1947 – 9/2/1948 (Đinh Hợi, Thổ); 8/2/1959 – 27/1/1960 (Kỷ Hợi, Mộc); 27/1/1971 – 14/2/1972 (Tân Hợi, Kim); 13/2/1983 – 1/2/1984 (Quý Hợi, Thủy); 31/1/1995 – 18/2/1996 (Ất Hợi, Hỏa); 18/2/2007 – 6/2/2008 (Đinh Hợi, Thổ); 5/2/2019 – 24/1/2020 (Kỷ Hợi, Mộc); 23/1/2031 – 10/2/2032 (Tân Hợi, Kim); 10/2/2043 – 29/1/2044 (Quý Hợi, Thủy) …

Trong thần thoại Bắc Âu, Freyr là một vị thần đặc biệt quan trọng, đẹp trai, tốt bụng, gắn liền với ánh sáng Mặt trời, chủ trị sự sinh sản, thịnh vượng và hòa bình; trong khi Freyja – em gái sinh đôi của Freyr lại là nữ thần của ma thuật, tình yêu, dục vọng, sắc đẹp và cái chết; Freyr có nuôi một con lợn biết bay tên là Gullinbursti và thường cưỡi nó để đi du hành trên bầu trời hay băng qua các đại dương. Truyền thuyết của người Vikings cũng có một con lợn phép nổi tiếng không kém là Saehrimnir – thường được hiến tế vào mỗi buổi tối để phục vụ bữa ăn cho các chiến binh tại lâu đài Valhalla của thần Ordin; người Vikings thường chinh chiến cả ngày, hy sinh không ít và thích tổ chức tiệc tùng vào ban đêm, do đó họ tin rằng Saehrimnir sẽ hồi sinh vào mỗi buổi sáng mang theo các chiến binh đã tử trận.

Chủ thần bảo vệ vũ trụ Vishnu trong thần thoại Ấn Độ (rất được người Hindu sùng bái) có tới mười hiện thân (avatar) sau mỗi lần tái sinh là: Matsya (cá), Kurma (rùa), Varaha (lợn rừng), Narasimha (nhân sư), Vamana (người lùn), thần Parsuram, Rama, Krishna, Đức Phật và Kalki. Trong lần tái sinh thứ ba, Vishnu mang hình hài đầu lợn và có bốn tay (Varaha) sẽ thực hiện một nhiệm vụ vô cùng gian khó: con quỷ Hiranyaksha xấu xa đã lôi Mẹ Trái đất xuống tận đáy đại dương, buộc Varaha phải tới giải cứu; sau một cuộc giao tranh dai dẳng, khốc liệt, Varaha cuối cùng cũng giết được con quỷ, nâng Mẹ Trái đất lên khỏi mặt biển rồi đặt trở về vị trí cũ, nhân loại được cứu và sự sống lại tiếp diễn.

Huy hiệu của vua Anh Richard III (1452 – 1485). Ảnh: Wikimedia.

Huy hiệu của vua Anh Richard III (1452 – 1485). Ảnh: Wikimedia.

Biểu tượng

Người dân châu Âu thường cho lợn rừng là loài hung dữ và cứng rắn nhất trong số các dã thú, mặc dù không hề có sừng; Lợn lòi có những cái nanh nhọn, cứng và có thể dễ dàng đâm xuyên vào cơ thể kẻ thù, cùng với một lớp da dày như áo giáp (do liên tục cọ xát vào thân cây). Vì thế, huy hiệu của một số vương triều châu Âu cũng hay cho khắc hình lợn như là biểu tượng của sự dũng cảm, mạnh mẽ. Chẳng hạn, vua Richard III của Anh đã cho làm huy hiệu có khắc hình hai chú lợn lòi bao quanh để bảo vệ tấm khiên; hay huy hiệu của gia tộc Campbell (Clan Campbell) ở Scotland cũng được thiết kế mang hình đầu lợn lòi, cho thấy phẩm chất nổi bật của loài vật này.

Uncle Sam là một người bán thịt lợn. Ảnh: Wikimedia.

Uncle Sam là một người bán thịt lợn. Ảnh: Wikimedia.

Trong giai đoạn chiến tranh Anh - Mỹ (1812), Samuel Wilson, một người bán thịt lợn (biệt danh Uncle Sam) đã tiếp tế hàng trăm thùng thịt lên tàu cho các quân đoàn Mỹ, trên mỗi thùng đều có dán nhãn “U.S”. Có lẽ vì thế mà sau này, U.S đã trở thành chữ cái tượng trưng cho Chú Sam (anh nuôi thịt lợn cho cả quân đội Hoa Kỳ); còn “Uncle Sam” là cái tên tục bình dân mà nhiều nước (kể cả ghét hay thích Mỹ) hay dùng để gọi bất kỳ người Mỹ nào (một phần cũng nhằm ám chỉ tính cách thực dụng, thích can dự và gây chiến tranh của dân tộc này).

Nguồn: goodlucksymbols.com