Trong tác phẩm "Những huyền thoại vỡ: Mối nguy hại của màn hình kỹ thuật số đối với trẻ em", Tiến sỹ Tâm lý học thần kinh Michel Desmurget rất giận dữ và gay gắt phê phán những sự tuyên truyền thổi phồng, sai lạc và việc lạm dụng thiết bị màn hình kỹ thuật số, đặc biệt là đối với trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học.

Các bác sỹ chuyên khoa tâm thần kinh, bác sỹ nhi khoa, nhà xã hội học, chuyên gia tư vấn, nhà báo… không ngừng đưa ra những khẳng định nhằm trấn an, vỗ về các bậc phụ huynh và công chúng. Thời đại đã đổi thay, họ bảo thế, và thế giới nay thuộc về thế hệ được gán cho cái tên “con người kỹ thuật số” (digital natives). Hiển nhiên, chính não bộ của thế hệ hậu-kỹ thuật số đã được cải biến cho tốt hơn. Chúng ta bị thuyết phục rằng, bộ não của họ trở nên nhanh hơn, phản ứng mau lẹ hơn, phù hợp hơn cho việc xử lý đa tác vụ, tổng hợp những luồng thông tin khổng lồ tốt hơn, và thích ứng hơn với làm việc tập thể. Những sự phát triển này thể hiện một cơ hội phi thường cho các trường học. Người ta khẳng định chắc nịch rằng chúng đem lại cơ hội độc nhất vô nhị để đại tu tổng thể nền giáo dục, kích thích động cơ thúc đẩy học sinh, bồi dưỡng khả năng sáng tạo của chúng, khắc phục thất bại giáo dục và đập tan những bức tường ngăn cách của mọi bất bình đẳng xã hội.

Trong cuốn sách Những huyền thoại vỡ: Mối nguy hại của màn hình kỹ thuật số đối với trẻ em, Tiến sỹ Tâm lý học thần kinh Michel Desmurget chỉ ra, màn hình kỹ thuật số đã biến chuyển tận gốc rễ chức năng tư duy và quan hệ với thế giới của người trẻ. Ông cho biết, một số nghiên cứu chụp chiếu hình ảnh não bộ đã trình bày hết sức thuyết phục rằng não bộ của các game thủ quả thật có những khu biệt bất tương đương về mặt hình thái so với não của người bình thường khác…, “chơi video game có thể làm tăng khối lượng não bộ”, “người chơi video game có nhiều chất xám hơn, có liên kết não bộ tốt hơn”, “mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa chơi game và một trí não mạnh mẽ”, “video game có thể tăng kích cỡ và liên kết não” (tr.39)…

Cuốn sách do Nxb Hồng Đức ấn hành mới đây. Nguồn: SB
Cuốn sách do Nxb Hồng Đức ấn hành mới đây. Nguồn: SB

Bởi thế mà “Hiển nhiên đã đến lúc phải bước sang một dạng thức sư phạm khác khả dĩ nhìn nhận những thay đổi trong xã hội” vì “giáo dục của ngày hôm qua sẽ không cho phép ta đào tạo được những tài năng của ngày mai” (tr.24). Và trong bối cảnh này, tốt hơn hết hãy trao cho những thiên tài phi thường thời kỹ thuật số của chúng ta chìa khóa mở toang toàn bộ hệ thống giáo dục, một cách trọn vẹn. Được giải phóng khỏi cơ chế mô phạm của thế giới cũ, đó sẽ là nguồn hướng dẫn quan trọng duy nhất, biến trường học của chúng thành nơi học tập hiệu quả, thích hợp.

Chà, Cách mạng công nghệ số mới thần diệu làm sao! Chả thế mà Michel Desmurget đã nói đại ý rằng chưa có một cuộc cách mạng nào lại được gần như cả thế giới, một cách hữu thức và vô thức, tích cực tham gia đến thế.

Thế nhưng, bức tranh về cuộc cách mạng công nghệ số không chỉ toàn màu hồng.

Nghiên cứu mới do Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp công bố ngày 6/12/2022, đã trích dẫn ý kiến của nhà sử học và nhà báo người Pháp Maxime Tandonnet trong một bài báo viết cho Le Figaro: Học sinh Pháp mắc lỗi chính tả nhiều gấp đôi so với các bạn cùng lứa trong những năm 1980. Sau khi phân tích dữ liệu có sẵn, ông đi đến kết luận rằng trong vài thập kỷ nữa, chỉ số IQ của một người có thể ở mức 62 điểm, mà theo phân loại hiện đại tương ứng với mức độ chậm phát triển trí tuệ.

Nghiên cứu cho thấy, kể từ đầu những năm 2000, năm bùng nổ công nghệ số, chỉ số IQ tăng trưởng chậm lại, dừng lại hoặc thậm chí giảm sút. Mức IQ của những người trẻ tuổi đang giảm dần và một số nhà nghiên cứu tin rằng quá trình này đã không thể đảo ngược.

Michel Desmurget cũng cho biết, ở Mỹ, đa số các nhân vật lừng lẫy trong ngành công nghiệp số, bao gồm Steve Jobs – ông chủ huyền thoại của hãng Apple nay đã quá cố, dường như ra sức bảo vệ con cái mình khỏi vô vàn “công cụ kỹ thuật số” mà chính họ chào bán khắp nơi. Thậm chí, như tờ New York Times đưa tin, dường như “Ở chính Thung lũng Sillicon người ta ngấm ngầm nhất trí với nhau về chuyện con cái và màn hình điện tử”. (tr.14-15)

Tác giả Michel Desmurget hiện là giám đốc nghiên cứu về khoa học thần kinh nhận thức tại Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia của Pháp (Inserm). Nguồn: lepoint.fr
Tác giả Michel Desmurget hiện là giám đốc nghiên cứu về khoa học thần kinh nhận thức tại Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia của Pháp (Inserm). Nguồn: lepoint.fr

Sự nhất trí ấy rõ ràng phải mạnh đến mức lan ra cả bên ngoài; chính những bố tổ sư về công nghệ lại nhất quyết cho con mình vào học ở các trường tư thục đắt đỏ, nơi cấm tiệt mọi thứ màn hình đồ kỹ thuật số. Như Chris Anderson, cựu biên tập tạp chí Wired và nay là CEO một công ty robotics, chia sẻ: “Chúng tôi đều thấy được những mối nguy hiểm của công nghệ từ trong cốt tủy cả rồi. Tôi thấy ở ngay chính bản thân mình, nên không muốn con cái lại đi theo vết xe đổ của bố chúng.” Chris nhìn nhận, “theo thang bậc tính từ kẹo ngọt đến ma túy, thì (công nghệ) gần ma túy hơn nhiều”. Guillaume Erner – tiến sỹ xã hội học, nhà báo Pháp, quả quyết: “Bài học rút ra là, bạn cứ việc cho con mình ngồi trước màn hình, còn mấy thằng cha làm ra màn hình ấy, chúng sẽ để con cái ngồi trước cuốn sách”. (tr.15)

Bằng những số liệu từ các báo cáo nghiên cứu khoa học, cùng những phân tích, lập luận của mình, Michel Desmurget đã rất giận dữ và gay gắt phê phán những sự tuyên truyền thổi phồng, sai lạc và việc lạm dụng thiết bị màn hình kỹ thuật số, đặc biệt là đối với trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Vì thế mà Đài rfi.fr đã nói: “Được xuất bản vào mùa hè năm 2019, cuốn sách Những huyền thoại vỡ: Mối nguy hại của màn hình kỹ thuật số đối với trẻ em của Tiến sỹ Tâm lý học thần kinh Michel Desmurget đã trở thành sách bán chạy nhất ở Pháp và là sách tham khảo cho phụ huynh có con học tiểu học”.

Phải chăng có thể nói: Cách mạng công nghệ số ư, hãy cảnh giác và sáng suốt!