Ngày 26/12/1783, tại khu vực bên ngoài đài quan sát thiên văn ở thành phố Montpellier – miền Nam nước Pháp, bên bờ Địa Trung Hải, rất đông người đã tụ tập để chiêm ngưỡng màn nhảy dù đầu tiên trên thế giới.
Đài quan sát được đặt bên trong tòa tháp Tour de la Babotte có từ thời Trung Cổ (476 – 1492) cao 26 m, một trong hai tòa tháp cao duy nhất còn tồn tại khi Montpellier bị bao vây bởi thành lũy, thường được dùng để phục vụ nghiên cứu các hiện tượng thiên thể như nhật thực trong suốt một thời gian dài. Nhưng mục đích sử dụng của nó trong buổi chiều tháng 12 hôm ấy lại hoàn toàn mang tính “trần thế”.
Louis-Sébastien Lenormand (1757 – 1837), con trai của một người thợ làm đồng hồ đã thực hiện buổi trình diễn. Anh đã thiết kế và chế tạo một dụng cụ có thể tức thời cho phép mọi người thực hiện cú nhảy khỏi các tòa nhà đang cháy và tiếp đất an toàn. Thiết bị của anh có cấu tạo bao gồm hai chiếc ô (dù) được gắn với một khung cứng làm bằng gỗ. Trước đó, Lenormand đã tập luyện rất nhiều, nhảy từ những độ cao thấp hơn, chẳng hạn các nhánh trên cùng của một cây du (elm) cổ thụ. Anh cũng phải thực hiện thí nghiệm trên động vật trước khi đủ tự tin để tự mình mạo hiểm.
Vào đúng ngày chỉ định, Lenormand xuất hiện trên đỉnh tháp và vẫy tay chào đám đông đang háo hức, trông ngóng từng phút. Rất nhanh chóng, khi được người khác ra hiệu, anh bắt đầu nắm lấy tay cầm của chiếc dù khổng lồ và tung người lên cao.
Trên thực tế, Lenormand không phải là cha đẻ của thiết bị nhảy dù, mà chỉ là người đầu tiên chủ động trao sinh mạng của mình cho một ý tưởng vốn đã tồn tại cả hàng ngàn năm. Một số giai thoại xuất hiện từ sớm đã ghi chép về điều này, mặc dù phần lớn chỉ là hư cấu. Như sử gia Tư Mã Thiên (145 – 86 TCN) thời Tây Hán (206 TCN – 9) đã kể lại câu chuyện vua Thuấn – vị hoàng đế trong truyền thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế – chạy trốn khỏi người cha đang đuổi giết mình bằng cách treo lên nóc của một kho thóc cao và nhảy tới vị trí an toàn nhờ nắm lấy hai chiếc nón tre.
Tại châu Âu, những mô tả cổ xưa nhất về một dụng cụ giống như chiếc dù cũng xuất hiện trong một bản thảo vô danh (không rõ tác giả) từ những năm 1470 ở Ý, trong đó có vẽ một người đàn ông đang ở tư thế treo lơ lửng, tay nắm chặt vào thanh ngang gắn với một chiếc lều hình nón. Khoảng một thập kỷ sau đó, thiết kế của một chiếc dù tinh vi hơn cũng được Leonardo da Vinci (1452 – 1519) phác thảo, khi ông cố ý giữ lều mở bằng một khung gỗ vuông, thay cho hình dạng nón. Bản phác thảo còn kèm theo mô tả chi tiết: “Nếu một người có chiếc lều làm bằng vải lanh với các khẩu độ (khe hở) được bịt lại, có chiều dài khoảng 12 braccia (đơn vị đo chiều dài thời đó, tương đương 23 feet bây giờ) và rộng 12 braccia, anh ta có thể thả mình xuống từ bất kỳ độ cao lớn nào mà không sợ bị thương tích.”
Nhiều thập niên sau đó, nhà phát minh Dalmatian Fausto Veranzio (1551 – 1617) đã mày mò và tìm cách cải tiến bản thiết kế của da Vinci, vẫn giữ lại khung gỗ vuông nhưng thay thế lều bằng một tấm vải lớn có hình dạng giống như cánh buồm phồng lên – phương án mà ông phát hiện ra rằng sẽ rất hiệu quả trong việc giúp làm giảm tốc độ rơi. Trong bản mô tả khá nổi tiếng về thiết kế chiếc dù của mình, mang tựa Homo Volans (người bay), Veranzio đã vẽ cảnh một người đàn ông nhảy dù xuống từ trên đỉnh tháp – có lẽ đó là gác chuông nhà thờ St Mark ở Venice (Ý). Theo lập luận của nhiều nhà sử học, Veranzio khi đó đã 65 tuổi và bị bệnh nặng, nhưng vẫn muốn tự thử nghiệm thiết kế của mình theo cách mạo hiểm như vậy. Tuy nhiên, do vẫn thiếu các bằng chứng bằng văn bản, cho nên không ai dám khẳng định việc đó đã thực sự xảy ra hay chỉ là tưởng tượng.
Hai năm sau màn biểu diễn của mình ở Montpellier, Lenormand đã tự sáng tạo ra từ “parachute” (dù), kết hợp tiền tố “ para” trong tiếng Ý mang nghĩa là “chống lại” với hậu tố “chute” trong tiếng Pháp nghĩa là “rơi”, để diễn giải chức năng thực sự của thiết bị. Những nghiên cứu nhằm cải tiến thiết kế của chiếc dù cũng đã đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng sau đó. Năm 1785, cùng năm với sự ra đời của từ “parachute”, nhà phát minh Jean-Pierre Blanchard (1753 – 1809) đã thử nghiệm trên một chú chó, cho thấy chiếc dù có thể đóng vai trò như một phương tiện giúp người sử dụng nhảy xuống an toàn từ khinh khí cầu. Năm 1793, bản thân Blanchard cũng có cơ hội để kiểm tra độ tin cậy của chiếc dù khi khí cầu của ông bị vỡ. Sau đó, ông còn bắt đầu chế tạo những chiếc dù có thể thu gọn lại từ lụa gấp, thay vì sử dụng vải lanh trải dài trên khung gỗ. Đến năm 1797, một nhà phát minh và dân chơi khí cầu khác là André Garnerin (1769 – 1823) đã tạo ra mẫu thiết kế nguyên thủy của chiếc dù không cần khung và được phủ bằng lụa. Nơi ông đáp đất đã được đánh dấu lại bằng một thẻ bài và trở thành di tích lịch sử.
Tuy nhiên, đã không có nhiều cải tiến đáng kể trong khoảng một trăm năm nay sau đó, mãi đến khi Charles Broadwick (1870 – 1943) cho trình làng hai tiến bộ quan trọng trên chiếc dù vào đầu thế kỷ XX. Ông đã gấp dù của mình lại thành gói đeo vừa trên lưng và được kéo ra [khỏi gói] nhờ một dây mở dù tự động gắn với khí cầu. Khi Broadwick thực hiện cú nhảy từ khinh khí cầu, dây mở dù bị kéo căng, lôi chiếc dù ra khỏi gói và sau đó bật tung. Cơ chế đóng gói tích hợp, mở tự động và vừa vặn đeo trên lưng của ông, về sau đã trở thành tiêu chuẩn trên tất cả các thiết bị nhảy dù hiện đại, như của những lữ đoàn lính dù.