Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Economics Letters (số ra tháng 10) của hai học giả Canada đã tiết lộ rằng chúng ta có thể đổ lỗi cho trời ít mưa.
Luận điểm của Cornelius Christian (giáo sư trợ lý ngành kinh tế học tại Đại học Brock ở Ontario) và Liam Elbourne (nghiên cứu sinh Đại học Thánh Francis Xavier ở bang Nova Scotia) được phát biểu như sau: “Khi mưa ít, nông dân không có đủ nước tưới cây, dẫn tới mùa màng thất bát. Hệ quả là các binh sĩ trong quân đội La Mã – những người phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm của nông dân – sẽ bị bỏ đói, đẩy họ tới chỗ mất niềm tin vào hoàng đế, thậm chí hành động vượt giới hạn và nguy cơ nổi loạn là rất lớn”. Một khi không còn duy trì được sự ủng hộ của quân đội, hoàng đế rất dễ trở thành mục tiêu bị lật đổ và giết hại.
Là người đặc biệt yêu thích lịch sử kinh tế, GS Christian đã phát hiện thấy điểm thú vị này khi tham khảo dữ liệu khí hậu thời La Mã cổ đại từ một công bố trên Science (năm 2011). Trong nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã phân tích cả ngàn vòng sinh trưởng trên các mẫu cây hóa thạch ở Đức và Pháp để tính toán lượng mưa mùa xuân (đơn vị milimet) tại đó trong suốt 2.500 năm qua. Khu vực này đã từng là biên giới Tây Bắc của La Mã, nơi rất đông binh lính đồn trú.
Tiếp đó, Christian đã thu thập dữ liệu liên quan đến các biến cố nổi loạn quân sự và giết hại hoàng đế của Đế chế La Mã. Từ suy nghĩ rằng “đây thực sự là một câu hỏi mang tính ghép nối của những mẩu thông tin khác nhau”, ông đã gắn các số liệu vào cùng một công thức và nhận thấy rằng “lượng mưa thấp có mối tương quan lớn, cho thấy xác suất hoàng đế bị giết hại là rất cao, bởi mưa ít đồng nghĩa với khan hiếm thức ăn.”
Lấy ví dụ, Hoàng đế Vitellius bị giết chết vào năm 69 SCN – năm mà lượng mưa tại biên giới La Mã (nơi đóng quân) thấp ở mức kỷ lục. “Vitellius vốn nổi tiếng vì khả năng chỉ huy và xây dựng được mội đội quân hùng mạnh. Nhưng thật không may là năm đó trời lại hạn hán, quân đội nổi dậy khiến ông hoàn toàn bất ngờ và cuối cùng bị giết tại Roma” – Christian nói.
Hoàng đế Commodus chuyên quyền và bạo ngược, người đã gần như làm phá sản đế chế La Mã vì chi tiêu quá nhiều cho những trò tiêu khiển như đấu trường. Ảnh: Listverse
Tuy nhiên, chắc chắn là còn rất nhiều yếu tố khác có thể dẫn tới những cuộc chính biến. Chẳng hạn, Hoàng đế Commodus bị lật đổ và sát hại vào năm 192 SCN (năm có lượng mưa tương đối), một phần là do quân đội đã quá chán ngán với thói hành xử bạo ngược đứng trên cả luật pháp của ông ta, trong đó có việc cố tình ép các đấu sĩ phải giả thua mình tại Đấu trường La Mã. Dữ liệu thời tiết cho thấy, không phải mưa ít là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Commodus, tuy nhiên thời tiết của năm trước cũng lại rất khô hạn – Christian nói. “Khi dẫn chứng như vậy, chúng tôi không hề cố ý áp đặt quan điểm rằng lượng mưa chính là sự lý giải duy nhất, mà chỉ coi đó như một nhân tố tiềm năng có thể làm bộc phát các biến cố dẫn tới những kết quả như vậy”.
Phát hiện của Christian và Elbourne có thể được xếp vào một lĩnh vực mới nổi, đi tìm mối liên hệ giữa điều kiện thời tiết và tác động tới các xã hội cổ đại – Joseph Manning, giáo sư ngành cổ học (văn chương Hy – La) và lịch sử tại Đại học Yale, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nhận định. Vào mùa thu năm ngoái (2017), Manning và các cộng sự cũng có một công bố trên Nature, chỉ ra hoạt động của núi lửa và khí hậu khô hạn đã tàn phá triều đại Ptolemaic ở Ai Cập cổ đại (tồn tại trong giai đoạn 305 - 30 TCN) như thế nào.
Tuy nhiên, mặc dù “nền tảng” cho giả thuyết về mối liên hệ giữa lượng mưa với việc hoàng đế bị giết hại đã được các tác giả xây dựng rất tốt, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về độ chính xác của ý tưởng này. “Các số liệu đã được xử lý hoàn hảo bằng phương pháp thống kê, vì thế không quá khó khăn để tìm ra một mối liên hệ nào đó, nhưng làm sao để họ biết được rằng đó là cơ chế đúng?” – theo Manning. Nói cách khác, xuất hiện mối tương quan không đồng nghĩa với đó là quan hệ nhân quả. Dẫu vậy, những hứa hẹn của một nghiên cứu mang tính mở đầu như trên cũng rất đáng để chúng ta tìm hiểu thêm về giả thuyết để xác định, xem liệu có đúng điều kiện thời tiết đã dẫn tới những cuộc binh biến giết chết phần lớn các hoàng đế của Đế chế La Mã hay không - ông nói.
Luận điểm trên nghe “có vẻ khá hợp lý” - Jonathan Conant, giáo sư lịch sử tại Đại học Brown, người không tham gia nghiên cứu, nhận xét. Nhưng trong khi lượng mưa thấp có thể đã đóng một vai trò, thì các yếu tố khác cũng nên được tính đến. Cụ thể là phần lớn những cuộc nổi loạn khiến các hoàng đế La Mã bị giết chết đều xảy ra trong Thế kỷ 3 SCN, khi ấy cả Đế chế đang bị tàn phá bởi tình trạng lạm phát, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh liên miên với những thế lực bên ngoài - tất cả đều ảnh hưởng tới sự ổn định của Đế quốc.
“Đối với cá nhân tôi, giả thuyết của Christian và Elbourne đã mang tới thêm một cái nhìn phức tạp và giàu sắc thái đối với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử chính trị của Đế chế La Mã, đặc biệt là Thế kỷ thứ 3,” Conant nói.