Phát minh của Cornelius Swartwout, được cấp bằng sáng chế 150 năm trước, đã nuôi dưỡng niềm đam mê của người Mỹ đối với món waffle (bánh quế).
Chắc hẳn ai đã ăn waffle (loại bánh ngọt nhỏ giòn làm bằng bột nhão có hoa văn hình vuông trên bề mặt) cũng đều sẽ thích nó. Rưới lên chút xi-rô, ăn kèm với hoa quả, kem, hoặc thậm chí gà rán … ai mà lại không mê được cơ chứ? Nhất là tại Mỹ, cái nôi của món bánh này. Có thể thấy rõ điều đó qua công việc làm ăn phát đạt của chuỗi The Waffle House, được thành lập từ năm 1955, hiện đang bán khoảng 145 chiếc waffle mỗi phút/ngày tại 2.100 cửa hàng trên khắp 25 tiểu bang.
Khuôn waffle với hình dạng như ngày nay được Cornelius Swartwout phát minh ra từ 150 năm trước. Sau nhiều mày mò, ông đã cải tiến để phần nắp của khuôn trở nên dễ xoay hơn và ít nguy cơ làm bỏng tay người sử dụng. Mặc dù những phiên bản hiện đại đã biến đổi rất nhiều so với thiết kế ban đầu của Swartwout, nhưng nó thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng mang tên waffle. Để tưởng nhớ điều này, ngày 24/08 hằng năm đã được chọn là Ngày Waffle Quốc gia (National Waffle Day).
Nhiều loại khuôn hoặc công cụ làm bánh waffle thô sơ đã xuất hiện trước đó rất lâu, từ người Hy Lạp cổ đại (thế kỷ XII – IX TCN) cho đến người châu Âu thời Trung cổ (thế kỷ V – XV). Tuy nhiên, các dụng cụ được sử dụng khi ấy thường chỉ có cấu tạo đơn giản, bao gồm hai bản sắt với tay cầm bằng gỗ. Mỗi khi nướng bánh, người ta phải giữ chúng thật khéo trên bếp lửa hoặc lò sưởi để bánh không bị cháy. Yve Colby, một chuyên viên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ do Viện Smithsonian quản lý, đã nghiên cứu về sản phẩm này trong gần hai năm khi làm việc với chương trình Domestic Life Collection (bộ sưu tập các sản phẩm gắn với cuộc sống của người Mỹ quốc nội), trong đó có ít nhất 50 chiếc khuôn waffle với niên đại trong khoảng trên dưới 300 năm đổ lại.
Colby cho biết: “Những chiếc khuôn này có lịch sử khá phức tạp, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Chúng tôi may mắn vì đã sở hữu một bộ sưu tập khá đầy đủ, từ mẫu khuôn thô sơ nhất của đầu thế kỷ XVIII cho đến loại máy nướng bằng điện được ra mắt vào năm 1984.”
Trên những thế hệ khuôn waffle đầu tiên, các bản nướng thường được thiết kế tinh tế, gần giống như chạm khắc để in lại dấu ấn (hoa văn) trên sản phẩm. Sau đó, người ta bắt đầu thử nghiệm thêm nhiều loại topping để trang trí và ăn kèm bánh, dẫn tới việc bản nướng có hình dạng lưới giống như hôm nay – mục đích của các ô nhỏ trên mặt bánh là để rưới xi-rô, phủ trái cây và những loại topping khác.
Tuy nhiên, các khuôn waffle theo kiểu cũ thường rất khó sử dụng do nặng, cồng kềnh và dễ gây bỏng cho người thao tác. Ngoài ra, tay cầm bằng gỗ cũng có nguy cơ bắt lửa và cháy xém – nguy cơ tương tự đối với bánh, bên cạnh việc không thể kiểm tra xem bánh đã chín chưa mà thường phải dựa vào kinh nghiệm.
Để rồi vào cái ngày lịch sử ấy (24/08/1869), chính Swartwout đã tạo nên bước ngoặt đối với công việc nướng bánh quế. Chiếc khuôn của ông có thể được đặt trên bếp củi và có tay cầm dễ mở, đóng và xoay để bánh không bị cháy. Được đánh giá là “ đem lại sự cải tiếng đáng kể trong lịch sử hoàn thiện máy nướng bánh waffle”, phát minh của ông đã được Cục Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) vinh danh và cấp bằng phát minh mang số hiệu 94.043.
Trong hồ sơ xin bảo hộ sáng chế, Swartwout mô tả: “Thiết kế của tôi bao gồm các tấm nướng và một tay cầm – gắn liền với tấm nướng – để tránh gây trượt và bỏng tay người sử dụng. Bên cạnh đó, nó còn giúp phần phủ phía trên bánh nở cao hơn, để khi đổ bột vào hoặc lấy bánh ra, người thao tác sẽ không sợ bị trượt hay bỏng tay nữa.”
Sáng tạo của Swartwout đã giúp cho công việc nướng bánh waffle trở nên thuận tiện hơn rất nhiều mà không còn lo bị bỏng tay. Trong số những động lực thôi thúc ông nghiên cứu ra chiếc khuôn, không thể không nhắc tới gốc gác Hà Lan – nơi mà một phong trào văn hóa được hình thành từ thế kỷ XIV đã khởi đầu nên cơn sốt waffle. Có lẽ do từng nhiều lần chứng kiến các thành viên trong gia đình bị bỏng tay khi đang nướng bánh bằng những công cụ kiểu cũ, ông đã khao khát có thể làm gì đó giúp họ.
Chiếc khuôn sau đó đã nhanh chóng trở nên phổ biến khắp nước Mỹ. Năm 1911, công ty General Electric (do nhà phát minh Edison tham gia sáng lập) đã thiết kế và phát triển mẫu máy nướng waffle đầu tiên chạy bằng điện, nhưng phải mất 7 năm sau mới đưa được vào sản xuất đại trà. Hiện nay, nhiều trang web có rao bán một số mẫu khuôn waffle ra đời trong giai đoạn từ năm 1869 đến đầu thế kỷ XX, song có lẽ đa phần mọi người sẽ tìm mua các loại máy nướng điện – thứ đã và đang tiếp thêm niềm đam mê waffle cho nhiều thế hệ. Những chiếc bánh waffle giờ đây không còn chỉ xuất hiện trong bữa sáng, trưa, tối, mà còn cả bữa ăn nhẹ lúc nửa đêm trước khi đi ngủ (supper), và được biến tấu thành rất nhiều phiên bản: ngọt có, mặn có.
Bill Bowerman – xuất thân là một Huấn luyện viên thể dục tại Đại học Oregon – sáng tạo ra loại giày tập mới và đang cực kỳ thịnh hành trong văn hóa đại chúng: giày thể thao.
Năm 1972, Bill đã xin cấp bằng sáng chế cho đôi giày có đinh tán cao su tạo hình trên đế, giúp tối ưu lực kéo (đàn hồi). Tác giả đã dùng chiếc máy nướng bánh quế của vợ để tạo nên những rãnh hoa văn bên dưới đáy giày. Để rồi sau đó, Bowerman đã thành lập nên công ty Nike danh tiếng mà chúng ta biết ngày nay.
“Chúng tôi hiện đang lưu giữ đôi Nike Waffle gốc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ” - Colby tự hào.
|