Các nhà khoa học của Đại học Reading (Anh) vừa có khám phá đáng kinh ngạc về các công cụ bằng đá thời kỷ băng hà tại vùng Rubha Port an t-Seilich(Scotland) nhờ sự giúp đỡ của các chú lợn.
Những con vật này đã đào được một số đồ tạo tác đá trong khi đi kiếm thức ăn ở bờ biển Islay. Các vật dụng này được một nhân viên kiểm lâm thu thập và đưa đến cho nhóm các nhà khoa học dẫn đầu là tiến sĩ Karen Wicks và giáo sư Steve Mithen.
Cuộc khai quật thực hiện ngay sau đó phát hiện được các đồ tạo tác bằng đá từ Kỷ băng hà bao gồm dụng cụ cạo và lột da có niên đại khoảng 12.000 năm tuổi bị chôn vùi dưới các lớp tro bụi núi lửa.
Phát hiện này đẩy mốc thời gian những người tiền sử xuất hiện ở Scotland sớm hơn 2.000 năm và trên đảo Islay sớm hơn khoảng 3.000 năm so với những nghiên cứu trước. Tức là khoảng 12.000 năm trước, một nhóm người tiền sử đã tìm đến và trú ẩn trên đảo Islay ở Scotland.
Tiến sĩ Wicks cho hay: “Các công cụ thời Kỷ băng hà chứng minh con người xuất hiện tại Scotland sớm hơn 3.000 năm so với ước tính trước đây. Điều này sẽ khiến những câu chuyện về lịch sử Islay hoàn toàn thay đổi, từ thời đại đồ đá giữa về thời đại đồ đá cũ.”
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng người tiền sử săn bắt trong những tháng mùa hè và vượt qua sông bằng thuyền da và chỉ trú ngụ trên đảo Islay trong thời gian ngắn.
Tiến sĩ Wicks thừa nhận rằng chính các chú lợn đã phát hiện ra tất cả và là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc nghiên cứu này. Ông cho biết việc chuẩn bị và nghiên cứu cẩn thận là yếu tố rất quan trọng trong việc phát hiện các hiện vật bằng đá. Tuy nhiên, đôi lúc họ cũng cần cả sự may mắn.
TT