Từ đầu thế kỷ 20 cho đến những năm 1970 là kỷ nguyên của ảnh đen trắng ở Việt Nam. Ảnh tô màu đã thịnh hành trong giai đoạn này như một cách thức để đem lại sức sống mới cho bức ảnh chỉ có hai tông màu đen trắng. Ảnh trong bài chụp lại từ Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội).
Kỹ thuật tô màu cho ảnh nghe qua khá đơn giản, chỉ là sử dụng màu nước để tô chồng lên những bức ảnh đen trắng sẵn có.
Tuy nhiên, đây thực sự là một công việc đòi hỏi óc thẩm mỹ cao, khả năng quan sát tinh tế cùng bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.
Để trở thành một thợ tô màu ảnh có trình độ cao, được mệnh danh "bàn tay vàng" là cả một chặng đường gian nan mà không phải ai cũng có thể đạt được.
Ông Phạm Đăng Hưng, hiệu ảnh Mỹ Lai, kể lại: "Trong hiệu ảnh không ai dạy bài bản cả. Có nhiều cách học lắm. Vào rạp xem phim để học cách cắt cúp, bố cục ảnh trên phim, nhất là phim màu của Mỹ...".
"...Tự quan sát thiên nhiên, nhất là màu sắc thiên nhiên. Đi nhiều lần, ngắm nhiều lần để nhớ màu sắc và áp dụng vào việc chấm sửa ảnh. Đó là bí quyết của tôi".
Những người thợ tô màu ảnh cũng luôn tìm tòi những phương pháp mới để ảnh tô màu của mình đạt chất lượng cao, bền vững cùng thời gian.
"...Khách rất thích ảnh tô màu nhưng tôi thấy ảnh không giữ được bền, lâu. Thấy sơn dầu của mấy ông họa sĩ rất bền, tranh sơn dầu để được hàng trăm năm, tôi làm thử và thành công" - Ông Nguyễn Hữu Quý, hiệu ảnh Văn Hoa hồi tưởng.
Khi ảnh màu trở nên phổ biến, nghề tô màu ảnh cho ảnh đen trắng dần mai một, chỉ còn giới hạn trong lĩnh vực phục chế ảnh cũ. Việc tô màu ảnh thời nay cũng đơn giản hơn nhiều khi được thực hiện bằng phầm mềm đồ họa trên máy tính.
Điều này khiến cho những bức ảnh tô màu theo lối thủ công được lưu giữ từ xa xưa trở thành những tác phẩm độc đáo và hiếm có.
Những bức ảnh này là sự kết hợp thú vị giữa nhiếp ảnh và hội họa, là một trang quan trọng trong lịch sử phát triển của bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam cũng như thế giới.