Hầu hết trứng gà tại các trại nuôi đều không được ấp nở bởi gà mái mẹ, mà thay vào đó người ta thường dùng nhiệt nhân tạo (như của một lò điện lớn) để ấp hàng trăm hoặc cả ngàn quả cùng lúc. Lò ấp điện là một phát minh của thời hiện đại, nhưng phương pháp ấp trứng nhân tạo trên thực tế đã có từ hàng ngàn năm trước.

Trại sản xuất gà giống. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.
Trại sản xuất gà giống. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.

Người Ai Cập cổ đại có lẽ chính là những người đầu tiên áp dụng kỹ thuật ấp trứng gia cầm, thứ làm mê hoặc những người ngoại quốc bởi họ chưa từng nhìn thấy điều đó bao giờ. Không ít người đã thuật lại trong sự mơ hồ về một phương pháp kỳ lạ mà người Ai Cập sử dụng để có những chú gà con. Do hiếm khi được tiếp cận hoặc nghe kể chi tiết về hoạt động bên trong các trại giống, họ đã phải phỏng đoán và do đó thường dễ hiểu sai. Như một nhà văn từng quả quyết rằng trứng được ấp nở nhờ những người hầu ngồi trên chúng. Tác giả Friar Simon Fitzsimons (hoạt động vào khoảng những năm 1320), người từng du hành đến Ai Cập đã viết trong sự hoài nghi, rằng “họ đã tạo ra gà con bằng nhiệt từ chính quả trứng mà chẳng cần đến gà trống và gà mái”; nhưng ông đã không biết rằng: trứng vẫn được thụ tinh theo cách truyền thống (cần vai trò của gà trống), trước khi được đưa vào nhà ấp. Thậm chí đến cả Aristotle còn hiểu không đúng về các trại sản xuất gà giống, khi viết chúng được ấp nở bằng cách chôn những quả trứng trong đống phân.

Cuốn sách du hành được đông đảo người đọc, trong đó cung cấp những mô tả xác thực đầu tiên về lò ấp trứng của người Ai Cập là The Travels of Sir John Mandeville (Những chuyến du hành của ngài John Mandeville) xuất bản năm 1356, trong đó có đoạn: “Tại một ngôi nhà chung nằm trong thành phố, nơi có vô số lò sưởi cỡ nhỏ; và những người phụ nữ sẽ mang đến đây trứng gà, ngỗng, vịt, … Không gian bên trong nhà được giữ ấm nhờ sức nóng của phân ngựa, không cần đến gà, ngỗng, vịt mái hay bất kỳ loài chim nào khác. Cứ sau mỗi ba tuần hoặc một tháng, họ lại đến để lấy gà con, nâng niu chúng trên tay và đem về, để cả nước đều có chúng.”

Nhà tự nhiên học và côn trùng học người Pháp René Antoine Ferchault de Réaumur (1683 – 1757) đã đưa ra một bản mô tả chính xác đầu tiên về trại ấp giống vào năm 1750. Trước đó, ông đã du hành tới Ai Cập, thăm nhiều trại sản xuất giống và chăm chú quan sát những người chăn nuôi gia cầm.

Thiết kế lò ấp trứng theo mô tả của René Antoine Ferchault de Réaumur. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.
Thiết kế lò ấp trứng theo mô tả của René Antoine Ferchault de Réaumur. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.

Theo Réaumur, trại ấp trứng điển hình của người Ai Cập thường là một cấu trúc bằng gạch cao khoảng 9 feet (2,7 m), với một hành lang dài trung tâm và các buồng được sắp đặt tại hai bên thành hai tầng. Các tầng có cùng kích cỡ và được bố trí một lỗ mở, vừa đủ lớn để cho một người bò vào. Những quả trứng được đặt ở tầng trệt, chính xác hơn là được xếp trên một ổ lót làm bằng sợi lanh hoặc rơm. Còn các buồng bên trên sẽ được sử dụng để đốt lửa, dùng phân bò hoặc lạc đà phơi khô trộn với rơm. Cách làm như vậy sẽ giúp tạo ra ngọn lửa cháy chậm và được kiểm soát.

Người ta thường đốt lửa khoảng hai lần một ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, và trứng được quay đều để tất cả các mặt đều được sưởi ấm như nhau. Quy trình này sẽ diễn ra liên tiếp trong khoảng hai tuần, sau đó lửa được dập tắt. Tại thời điểm này, các cơ quan của phôi đã hình thành, phôi cũng sản sinh đủ lượng nhiệt bên trong để trứng tiếp tục tự ấp, và phải mất khoảng một tuần nữa để hoàn tất. Trứng cuối cùng sẽ nở vào ngày thứ hai mươi mốt.

Khi quay trở về Pháp, Réaumur đã cố gắng xây dựng một trại sản xuất gà giống bằng phương pháp ấp học được từ người Ai Cập, nhưng vì khí hậu của châu Âu lạnh hơn nhiều so với Trung Đông, ông đã không thật sự thành công. Sau khi Réaumur mất, một số người đã tiếp nối ý tưởng của ông để phát triển các thế hệ lò ấp như Abbé JeanAntoine Nollet (1700 – 1770) và sau này là Abbé Copineau (không rõ năm sinh, năm mất) – người đã cải tiến thiết kế của Réaumur bằng cách sử dụng đèn cồn để sưởi ấm cho trứng. Đến cuối thế kỷ 19, máy ấp trứng thương mại đầu tiên được hoàn tất và đi vào phục vụ.

Một trại sản xuất gà giống theo truyền thống của Ai Cập, sử dụng đèn dầu để sưởi ấm trứng. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.
Một trại sản xuất gà giống theo truyền thống của Ai Cập, sử dụng đèn dầu để sưởi ấm trứng. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.

Công nhân làm việc trong trại sản xuất gà giống truyền thống Ai Cập. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.
Công nhân làm việc trong trại sản xuất gà giống truyền thống Ai Cập. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura.

Ngày nay tại Ai Cập, hàng trăm trại sản xuất gà giống vẫn đang sử dụng phương pháp ấp nở truyền thống từ cả ngàn năm trước, mặc dù phân bò (hoặc lạc đà) đã được thay thế bằng đèn dầu và lò sưởi điện. Người chăn nuôi nơi đây vẫn không chịu sử dụng các thiết bị hiện đại như nhiệt kế hoặc máy điều nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ trong trại cho phù hợp. Nhờ kinh nghiệm, một lao động lành nghề tại trại giống hoàn toàn có thể đánh giá mức nhiệt lượng bằng cách áp trứng sát mí mắt và để nhãn cầu cảm nhận sức nóng. Nếu phát hiện trứng đang ở trạng thái quá nóng, họ sẽ phun nước để hạ bớt nhiệt. Bên cạnh đó, để kiểm tra xem trứng có phát triển bình thường hay không, người nuôi chỉ cần soi nó trước một nguồn sáng như ánh đèn, đủ để hiển thị phần bên trong lớp vỏ mờ. Các kỹ năng này sẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ thuộc một số gia đình nhất định. Đó là bí quyết nghề nghiệp và thường được giữ tuyệt mật.

Tuy nhiên, các trại sản xuất gà giống truyền thống của Ai Cập có thể sẽ sớm biến mất. Một khảo sát do FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc) thực hiện năm 2009 cho thấy, phần lớn chủ trại được hỏi đều bày tỏ mong muốn nâng cấp công nghệ bằng những phương pháp ấp nở mới hiện đại, cho tỷ lệ thành công và hiệu suất cao hơn.