Sự ra đời của máy rút tiền tự động (ATM) đã làm thay đổi phương thức hoạt động của các ngân hàng trên toàn thế giới. Với khả năng giao dịch tự động, nó giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.
Máy rút tiền tự động, gọi tắt là ATM (automated teller machine), là một hệ thống phức tạp gồm nhiều công nghệ khác nhau và nó không phải do một người duy nhất chế tạo. Thay vào đó, các máy ATM mà chúng ta sử dụng ngày nay là sự pha trộn của một số phát minh. Nhiều loại máy ATM thế hệ đầu tiên chỉ cho rút tiền mặt nhưng không chấp nhận tiền gửi, trong khi một số khác lại chấp nhận tiền gửi và không cho rút tiền mặt. Ngày nay, ATM là những cỗ máy tinh vi có thể làm hầu hết mọi việc giống như một giao dịch viên ngân hàng. Nó đã mở ra kỷ nguyên mới của hình thức tự phục vụ trong ngành ngân hàng.
Những ngày đầu của ngân hàng tự động
Một số chuyên gia tin rằng, cỗ máy ngân hàng tự động đầu tiên là thành quả sáng tạo của Luther Simjian, một nhà phát minh và doanh nhân người Mỹ. Simjian có bằng sáng chế về nhiều loại máy móc khác nhau bao gồm: thiết bị mô phỏng chuyến bay của quân đội, máy chụp X-quang màu, máy ảnh lấy nét tự động, xe đạp tập thể dục và máy nhắc chữ (teleprompter). Nhưng Simjian được biết đến nhiều nhất khi chế tạo Bankograph, một cỗ máy có thể nhận tiền mặt hoặc kiểm tra tiền gửi trong một tài khoản ngân hàng vào bất kỳ giờ nào trong ngày.
Năm 1960, Simjian đã thuyết phục thành công một ngân hàng tại thành phố New York (Mỹ) mua một số máy gửi tiền tự động của mình. Để khách hàng tin tưởng hơn, một chiếc camera bên trong Bankograph sẽ chụp ảnh nhanh mọi khoản tiền gửi đưa vào máy. Khách hàng sẽ nhận lại bản sao của các bức ảnh giống như giấy biên nhận.
Tuy nhiên, Bankograph không được mọi người ưa chuộng. “Những người duy nhất sử dụng cỗ máy này là gái mại dâm và những người đánh bạc, bởi vì họ không muốn gặp mặt trực tiếp các giao dịch viên trong ngân hàng”, Simjian giải thích. “Ngoài ra, số lượng máy Bankograph không có đủ nhiều để khiến nó trở thành một khoản đầu tư đáng giá.”
Sự ra đời của các máy ATM
Vào cuối thập niên 1960, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi phần lớn người dân thoải mái hơn với ý tưởng tự phục vụ và tin tưởng vào các công nghệ mới. Do đó, họ sẵn lòng sử dụng ngân hàng tự động.
Năm 1967, một nhà phát minh người Scotland tên là John Shepherd-Barron đang ngồi trong bồn tắm thì ông chợt lóe lên một ý tưởng thiên tài: “Nếu máy bán hàng tự động có thể phân phối các thanh chocolate, tại sao chúng không thể phân phối tiền mặt”. Ngân hàng Barclays có trụ sở tại London (Anh) rất thích thú với ý tưởng này, và cỗ máy ATM đầu tiên của Shepherd-Barron đã được lắp đặt tại một chi nhánh của ngân hàng trên đường Enfield High Street không lâu sau đó.
Không giống các máy ATM hiện đại, sản phẩm của Shepherd-Barron không sử dụng thẻ nhựa. Thay vào đó, nó dùng các hóa đơn giấy được in bằng mực phóng xạ để máy có thể đọc chúng. Khách hàng sẽ nhập một mã nhận dạng và rút tiền mặt với số tiền tối đa là 10 bảng Anh cho mỗi lần rút.
Máy rút tiền tự động đầu tiên tại Mỹ được phát minh bởi Donald Wetzel, một kỹ sư sống ở thành phố Dallas đồng thời là một cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Máy ATM của Wetzel sử dụng thẻ nhựa, tương tự như loại thẻ mà chúng ta dùng ngày nay. Thay vì hoạt động nhờ mực phóng xạ, thẻ lưu trữ thông tin tài khoản trên các dải từ tính. Vào tháng 9 năm 1969, một chi nhánh ngân hàng Chemical Bank trên đảo Long Island đã lắp đặt chiếc máy đầu tiên của Wetzel.
Các máy ATM trở nên phổ biến
Năm 1970, hàng chục ngân hàng tại Mỹ đã chuyển sang sử dụng máy ATM. Để giới thiệu loại máy mới này đến người tiêu dùng, các ngân hàng đã áp dụng gần như tất cả các loại thủ thuật quảng cáo. Ví dụ, để thu hút sự chú ý của khách hàng nữ, một ngân hàng tại Columbus, bang Ohio (Mỹ) đã tài trợ cho một bộ phim dài 6 tiếng được phát trên kênh truyền hình địa phương. Cứ sau 25 phút trong bộ phim, quảng cáo của ngân hàng lại nói về những ưu điểm của máy rút tiền mới.
Tuy nhiên, quá trình máy ATM chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bắt nguồn từ phi vụ đầu tư mạo hiểm của ngân hàng Citibank và một trận bão tuyết lớn. Cụ thể, chủ tịch Citibank đã chi hơn 100 triệu USD để lắp đặt các máy ATM trên khắp thành phố New York vào năm 1977. Nỗ lực này được đền đáp vào tháng 1 năm 1978 sau khi New York hứng chịu một trận bão tuyết, khiến thành phố bị ngập trong tuyết gần nửa mét. Các ngân hàng đóng cửa trong nhiều ngày, trong khi đó việc sử dụng máy ATM tăng lên 20%.
Chỉ trong vài ngày, Citibank đã phát động chiến dịch quảng cáo “The Citi Never Sleeps”, tạm dịch là “Citi không bao giờ ngủ”. Khẩu hiệu này hàm ý dịch vụ của Citibank luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng 24/24 giờ. Các áp phích và và bảng quảng cáo cho thấy khách hàng lê bước qua tuyết để đến với ATM của Citibank. Sau đó, gần như tất cả các ngân hàng tại Mỹ đều noi theo tấm gương của Citibank. Họ lắp đặt máy ATM ở khắp mọi nơi và chúng dần trở nên phổ biến với người dân.
Theo Hiệp hội Công nghiệp ATM (ATMIA), hiện nay có hơn 3 triệu máy ATM được lắp đặt trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4 triệu máy ATM vào năm 2021. Một máy ATM hiện đại có thể thực hiện khoảng 80% các nhiệm vụ mà chi nhánh ngân hàng thực hiện. Đây là lý do tại sao ngày càng có nhiều ngân hàng đầu tư vào dịch vụ ngân hàng điện tử, thay vì mở chi nhánh vật lý.
Trong hai thập kỷ qua, công nghệ không dây đã tạo điều kiện cho việc lắp đặt máy ATM ở các vùng nông thôn trên toàn thế giới, cũng như tại những địa điểm có tính chất tạm thời như nơi tổ chức buổi hòa nhạc, lễ hội, thậm chí cả tàu du lịch.