Paul Johnson đã thành công trong việc trình bày Lịch sử Do Thái thành một vài chủ đề chính nhưng bên cạnh thành công đó, cuốn sách của ông chứa đựng rất nhiều vấn đề cần được chất vấn hoặc hoài nghi.

Bản tiếng Việt của cuốn sách do Đặng Việt Vinh dịch, Võ Minh Tuấn hiệu đính; NXB Dân Trí và Công ty Cổ phần Sách Omega+ ấn hành.
Bản tiếng Việt của cuốn sách do Đặng Việt Vinh dịch, Võ Minh Tuấn hiệu đính; NXB Dân Trí và Công ty Cổ phần Sách Omega+ ấn hành.

Kể từ khi xuất bản lần đầu tiên bằng Tiếng Anh vào năm 1987, “History of the Jews” của Paul Johnson đã được đánh giá cao bởi phần lớn đại chúng, những người mong muốn tìm hiểu khái quát và sơ lược về lịch sử dân tộc Do Thái. Mới đây, cuốn sách được xuất bản bằng Tiếng Việt với nhan đề “Lịch sử Do Thái” và nhanh chóng được tái bản chỉ trong một thời gian ngắn. Phải chăng, phong trào khởi nghiệp rầm rộ trong những năm gần đây đã dẫn đến sự đón nhận nồng nhiệt của một bộ phận người đọc về lịch sử và đặc điểm của cư dân Do Thái, những người thường được nhớ đến với sự thông minh, sắc sảo và tinh thần “quốc gia khởi nghiệp”?

Nếu chỉ đọc để tìm kiếm thông tin, cuốn sách dường như không có gì để chê trách. Việc tác giả gói gọn được bốn thiên niên kỷ và các vấn đề liên quan trong một dung lượng 826 trang toàn văn, theo tôi, đó là một trong những thành công quan trọng của cuốn sách. Và nhờ vào việc cố gắng định hướng nội dung thành một số chủ đề chính lặp đi lặp lại, tác giả đã phần nào khắc họa chính xác các quan điểm lịch sử của người dân Do Thái. Nói cách khác, Paul Johnson đã thành công trong việc biến lịch sử Do Thái thành một vài chủ đề chính trong câu chuyện của mình.

Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu về lịch sử Do Thái một cách nghiêm túc, người đọc dễ dàng nhận thấy cuốn sách chứa đựng rất nhiều vấn đề cần được chất vấn hoặc hoài nghi.

Thứ nhất là cách dùng khái niệm “lịch sử” trên tiêu đề cuốn sách. Liệu tính “lịch sử” của cuốn sách có được đảm bảo không khi nó được viết dựa trên sự giải thích nghĩa đen các sự kiện được nhắc đến trong Kinh Thánh, trong khi thiếu vắng các bằng chứng khảo cổ học và thậm chí, tác giả còn sẵn sàng mang Kinh Thánh ra làm bằng chứng thay thế cho các chứng cớ đối lập? Đó chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm những vấn đề phải nhìn nhận về cuốn sách này.

Cuốn sách dường như được viết bằng sự kết hợp các quan điểm diễn giải theo nghĩa đen của Kinh Thánh, bởi sự cuồng tín trong đức tin Kitô giáo. Tôi không cho rằng, Kinh Thánh có thể được xem là nguồn tham khảo chính khi viết về lịch sử một dân tộc. Và nếu đọc một cách tập trung, hoàn toàn có thể thấy được, mạch truyện của cuốn sách dường như giả định mọi điều trong Kinh Thánh đều có sự thực, và cố gắng bác bỏ mọi quan điểm cho rằng đó chỉ là những huyền thoại. Vậy thực tế tác giả có thể phân biệt được đâu là sự thực lịch sử, sự huyền ảo và cả những yếu tố hoang đường không?

Tác giả người Anh Paul Johnson (1928). Nguồn: newstatesman.com
Tác giả người Anh Paul Johnson (1928). Nguồn: newstatesman.com

Thứ hai, trong khi chỉ trích “các sử gia hiếm khi khách quan như họ mong muốn” (trang 22), thì chính Paul Johnson lại vướng vào điều này. Đọc xuyên suốt tác phẩm, chúng ta dường như có thể nhận thấy một tinh thần Đông phương luận (Orientalism) mạnh mẽ của thế kỷ XX, với niềm tin về việc những ai không theo đức tin Do Thái-Kitô giáo đều chỉ là những kẻ man rợ, bán khai. Tác giả xem Hồi giáo – một trong ba tôn giáo độc thần Abraham - chỉ là một dị thuyết Do Thái vô văn hóa và biến dị. Thậm chí, Paul Johnson còn giả định một cách mù quáng về tính ưu việt và đúng đắn của đức tin độc thần trong tương quan với đức tin đa thần. Và dường như, ông không chỉ duy trì cái nhìn về sự thượng đẳng của dân da trắng theo Kitô giáo đối với những tín đồ không phải Kitô giáo, mà ngay cả chính đối tượng trọng tâm của cuốn sách cũng không thoát khỏi sự trịch thượng đó. Người Do Thái có thể được xem như tiền nhân của người da trắng, nhưng không được xếp ngang hàng với họ. Dân Do Thái dù không phải là những kẻ man rợ, thì cũng khó có thể được coi là những người châu Âu thực sự văn minh.

Thứ ba, phải chăng tác giả đã đặt vị trí của người Do Thái như là những nạn nhân của lịch sử, những người chủ nhân chân chính của khu vực Judea (Palestine và Israel ngày nay), và cố gắng thao túng quan điểm của công chúng về tính hợp pháp cho sự chiếm đóng của người Do Thái ở các vùng lãnh thổ vốn thuộc về người Palestine? Rõ ràng, cuốn sách này – mà chỉ cần nhìn các ý chính của mục lục –sẽ cho chúng ta thấy đó chẳng qua là gần như bốn thiên niên kỷ của sự bức hại mà nhân loại dành cho dân tộc được Chúa chọn. Từ các sự kiện năm 70 CN, cho đến các cuộc bức hại thời Justinian, Trung Cổ, Tòa án Dị giáo và những năm tháng sống dưới sự “bảo trợ” của đạo Hồi - dường như đó là bốn thiên kỷ đầy mất mát của người Do Thái. Sự đàn áp người Do Thái dưới thời của các Sa hoàng và tồi tệ hơn cả, chế độ - Phát xít của Hitler, được xem như giọt nước làm tràn ly, dường như là nguyên nhân để bao biện cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa Zion (phục quốc Do Thái) – một phong trào phản kháng mạnh mẽ của người Do Thái sau hàng ngàn năm để khẳng định tính chính danh và quyền sở hữu khu vực Judea (Palestine và Israel).

Nên nhớ, vào thời điểm cuốn sách ra mắt, rất nhiều các học giả như Noam Chomsky, Edward Said, và Norman Finkelstein đã luôn chỉ trích tính xác thực về quyền sở hữu vùng đất của người Do Thái (nếu có đi chăng nữa thì cũng vốn bị tước đoạt mất khoảng hai thiên niên kỷ) so với những người Ả Rập đã chiếm hữu vùng đất đó hàng thế kỷ lâu dài. Dường như tác giả muốn cổ động cho việc cái tên Palestine chỉ là kết quả chia chác đất đai của chủ nghĩa đế quốc thực dân, còn cái tên Israel mới là “thực sự” của vùng đất này, bất chấp trong lịch sử, “Palestine” đã được nhắc đến như là tên của vùng đất từ thời Đế chế La Mã, tỉnh Palaestina. Và với nhiều cách chuyển ngữ khác nhau, nó đã liên tục tồn tại và được nhắc đến cho tới tận Hiệp ước Sykes–Picot (1916) nhằm phân chia các lãnh thổ của đế chế Ottoman bại trận. Việc đề cao nhà nước Israel của tác giả có thể thấy rất rõ trong hơn chục trang cuối cùng của phần Bảy: “Zion”, bằng việc luôn nhấn mạnh nhà nước Israel có trọng trách, sứ mạng lịch sử, và bào chữa cho chủ nghĩa Zion, trong khi coi các phong trào đấu tranh của người Palestine là hoạt động khủng bố không hơn không kém.

Thứ tư, kết cấu của cuốn sách bằng việc chia chủ đề nội dung thay vì chia chương, ban đầu có thể khiến người đọc cảm thấy hứng thú, thì càng về sau càng khiến họ bị rối và khó nắm chắc nội dung. Một hàng dài các mốc thời gian, con số được liệt kê; và vô số chi tiết về “người Do Thái”, “người không theo Do Thái”, hay “người Do Thái không theo Do Thái giáo” nối tiếp nhau chỉ khiến người đọc trở nên mất tập trung bởi.

Nói tóm lại, cuốn sách của Paul Johnson có thể cung cấp phần nào thông tin khái quát cho người đọc, nhưng đồng thời, nó ẩn chứa rất nhiều vấn đề cần được người đọc tiếp nhận với khả năng suy luận, đánh giá độc lập và cả sự hoài nghi.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử Do Thái, người đọc có thể tham khảo những cuốn sách như: Bernard Lewis, Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây (bản dịch tiếng Việt của NXB Tri thức, 2008). Với các sách tiếng Anh, đáng chú ý có cuốn sách của GS. Martin Goodman, A History of Judaism [Một lịch sử Do thái giáo] (Princeton University Press, 2007) và bộ sách mang tên A Story of the Jews [Một câu chuyện dân tộc Do Thái] của GS. Simon Schama, dự kiến ba tập (NXB Ecco, 2017).