Một nghiên cứu mới đây của Đại học Lund (Thụy Điển) cho thấy: Giàu hay nghèo là do môi trường quyết định, không phải do gene.
Tục ngữ Việt Nam có câu “con vua thì lại làm vua”. Con cái của các gia đình có điều kiện thường đa phần khi lớn lên cũng đều trở nên giàu có, lắm tiền nhiều của. Điều này là đúng ở mọi xã hội, kể cả những nước đứng đầu thế giới về sự thịnh vượng và bình đẳng.
Tuy nhiên, điều gì là yếu tố quyết định khiến một người trở nên giàu có? Nếu bạn là người giàu và bố mẹ bạn cũng giàu thì tài sản của bạn là do thừa hưởng “gene giàu có” từ cha mẹ hay do đôi tay của bạn làm nên? Đây là những câu hỏi khiến các nhà khoa học “đau đầu” trong một thời gian dài.
Các nghiên cứu trước đó đã tốn rất nhiều công sức đi tìm một thứ DNA truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một nhóm gene quyết định sự giàu, nghèo cho người sở hữu nó.
Tuy nhiên mới đây, một nghiên cứu của Đại học Lund (Thụy Điển) đã có câu trả lời chính thức cho vấn đề: Giàu hay nghèo là do môi trường quyết định, không phải do gene.
Các nhà khoa học đã khảo sát 2.519 trẻ em Thụy Điển được nhận nuôi vào giai đoạn giữa những năm 1950-1970. Họ đối chiếu mức giàu có của những đứa trẻ đã được nhận nuôi - giờ đã thành người trưởng thành - với cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ của họ.
Kết quả cho thấy cha mẹ nuôi có hệ số ảnh hưởng cao gấp từ 1,7 đến 2,4 lần so với mức ảnh hưởng của cha mẹ đẻ - những người thường là trẻ hơn, nghèo hơn và trình độ học vấn thấp hơn cha mẹ nuôi.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu bình luận rằng xu hướng này sẽ càng tăng cao ở những xã hội mà sự bất bình đẳng kinh tế thể hiện rõ hơn.
Kaveh Majlesi - giáo sư của Đại học Lund - cho biết: “Con người giàu hay nghèo là do môi trường, yếu tố di truyền ảnh hưởng rất nhỏ. Cụ thể hơn, một người trưởng thành có mức độ giàu tương đương với cha mẹ nuôi, thay vì cha mẹ đẻ của họ”.
Lê Ngọc