Đề cao tự học, chú trọng tư duy bằng khái niệm - những ý tưởng của nhà tâm lý học giáo dục người Thụy Sĩ Jean Piaget còn có thể khai thác rất nhiều trong thực tiễn đào tạo ngày hôm nay.

Nhà tâm lý học giáo dục Jean Piaget (1896-1980).
Nhà tâm lý học giáo dục Jean Piaget (1896-1980).

Không thể đem trẻ vứt ra giữa dòng và hy vọng nó biết bơi

Jean Piaget là một nhà tư tưởng quan trọng, ai làm giáo dục đều phải học ông. Tôi không phải ngoại lệ. Nhưng là một người thực hành (practictioner) giáo dục đào tạo, lại chủ yếu đào tạo người lớn, vì thế khi tiếp cận Piaget, điều tôi quan tâm nhất là tính hữu ích trong các kết quả nghiên cứu và ý tưởng của ông.

Piaget đọng lại trước hết trong tôi là hai từ khóa: Constructivism và Learning-by-doing.

Tôi hiểu Constructivism (thuyết kiến tạo, mà Piaget chính là một trong những cha đẻ) đơn giản là ai muốn học lấy chữ thì phải tự học, không ai nhét chữ vào đầu hộ mình được. Và vì thế, xuất phát điểm của giáo dục, dù cho trẻ em hay người lớn, bắt buộc hay tự chọn, đều phải khơi dậy cho được cái ham muốn học hỏi ở con người trước đã.

Như tôi thấy, nhiều chương trình đào tạo thành công là bởi tính tới sự sẵn sàng của người học. Người học có muốn học không, có thu xếp thời gian để học không, có cam kết với việc học để nếu gặp khó thì không bỏ cuộc không.

Theo thống kê, các khóa học trực tuyến trên các cổng MOOC lớn nhất hiện nay, bất kể là từ Harvard, MIT hay Berkeley, chỉ có chưa đầy 10% số người học hoàn thành bài cuối cùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do người học tự do quá, không có chọn lọc.

Ngược lại, trong chương trình đào tạo trực tuyến cho nhà quản lí do chuyên gia Seth Godin thiết kế, hơn 95% số người học hoàn thành khóa học. Bí quyết của Seth Godin rất đơn giản: chọn người muốn học và phù hợp để học.

Nhưng có được điểm xuất phát đó rồi thì làm thế nào để người học học được? Gợi ý từ Piaget là: Learning by doing (Học qua việc làm).

Thế nào là learning by doing? Nhiều nhà đào tạo nghĩ ra một vài bài tập thảo luận nhóm rồi để học viên tự “xoay xở”; hoặc nghĩ ra một hai đề bài, dán cho cái tên “dự án” rồi yêu cầu người học tự làm và nộp kết quả và gọi đó là “learning by doing”. Theo tôi, đó là một kiểu “learning by doing” dễ dãi, “đem trẻ vứt ra giữa dòng và hy vọng nó biết bơi” chứ không phải là một cách tiếp cận đào tạo nghiêm túc. Kết quả, sau những bài giảng có thể rất cuốn hút, hay ho, đổi lại chỉ là một lớp học nom có vẻ vui vui nhưng chẳng đọng lại gì trong đầu người học.

Tôi cho rằng, “learning by doing” đúng nghĩa phải thiết kế được chuỗi việc làm, để người học tự trải qua những thao tác có ý nghĩa, lĩnh hội được khái niệm và kĩ năng cần thiết.

Ví dụ, để đào tạo ra một lập trình viên thì anh học việc nên được dẫn dắt qua những thao tác quan trọng của một nhà lập trình, từ đọc và hiểu yêu cầu, thiết kế thuật toán, cài đặt đã lệnh; thực hành kiểm thử kết quả; đóng gói và chuyển giao tới người sử dụng. Việc thiết kế các chương trình đào tạo này không khác gì cho người học đi lại con đường người trước đã đi. Learning by doing vì thế đòi hỏi kỉ luật chặt chẽ trong thiết kế và tổ chức học tập. Và nó luôn đi kèm một giải pháp kĩ thuật chứ không phải là thả ra cho người học thích làm gì thì làm.

Như tôi quan sát thấy, trong cách đào tạo chính quy tại các trường cao đẳng, đại học cũng như trong đào tạo phi chính quy tại doanh nghiệp, các khóa học gắn mác “learning by doing” thường thiếu một giải pháp kĩ thuật như vậy. Cho nên, kể cả khi nó gắn một cái mác tiến bộ, thì kết quả cũng chưa thay đổi gì nhiều.

Tư duy bằng khái niệm giúp học nhanh hơn và tiến xa hơn

Tiếp đến, từ Piaget, tôi thấy mình cần phải chú trọng hơn tới các khái niệm.

Piaget cho chúng ta biết trẻ con từ cấp một đã có thể tư duy bằng khái niệm. Lớn lên, ngoài chuyện trải nghiệm thì năng lực tư duy bằng khái niệm, bằng lí thuyết sẽ giúp ta học nhanh hơn và tiến xa hơn. Học tập trình độ cao không phải là học tập theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải bằng hệ thống khái niệm, có sự kiểm chứng và đối chiếu với thực tiễn.

Điều đáng tiếc là ở Việt Nam lại có hiện tượng “khinh lí thuyết”. Trong lần ra mắt tủ sách Tâm lí học giáo dục Cánh Buồm, dịch giả Hoàng Hưng thậm chí còn nói Việt Nam ta mắc căn bệnh sợ lí thuyết. Nhiều người khi đi học thường than “cái này hàn lâm quá”, sau đó thẳng tay vứt lí thuyết vào một xó. Một số người học khác chỉ chăm chăm nhặt lấy vài cái tip/trick mang về dùng ngay. Có thể gọi đây là sự thực dụng sát mặt đất.

Một lí thuyết tốt có thể dùng trong nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm, và dùng để tạo ra hàng loạt tri thức mới. Quá trình tạo-dụng (từ này được GS Hồ Tú Bảo dùng để ghép hai từ tạo ra và sử dụng) tri thức liên tục đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn và lâu dài cho cá nhân, tổ chức và cả quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay.

Nhà lý luận giáo dục David Kolb, người theo đường lối constructivism, có xây dựng một mô hình học tập qua trải nghiệm gồm bốn bước: Trải nghiệm tích cực > Quan sát có phản tư > Khái niệm hóa > Kiểm thử khái niệm. Trong đó, nói là học qua trải nghiệm, qua việc làm, nhưng phải đọng lại khái niệm nào đó.

Còn nhà tư tưởng của lĩnh vực quản trị dựa trên tri thức Ikujiro Nonaka, người chịu ảnh hưởng của cả Piaget lẫn Vygotsky, đã xây dựng mô hình SECI gồm bốn bước tạo-dụng tri thức trong doanh nghiệp: Socialization, Externalization, Combination, Internalization. Trong đó, Combination (Tổ hợp) chính là một thao tác khái niệm hóa. Theo ông, tri thức, sau khi được bóc tách từ kinh nghiệm cá nhân qua quá trình Ngoại hóa (Externalization), cần được tổ chức lại thành know-how mới, thành concept về sản phẩm. Nó biến kinh nghiệm thực tiễn thành mô hình, thành khái niệm để mang lại nhiều giá trị hơn.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới đang biến mình thành các tổ chức học tập, thành những tổ chức tạo-dụng tri thức liên tục, SECI chính là một trong những khung lý thuyết có ảnh hưởng bậc nhất.

Thử lấy ví dụ thế này, trong lĩnh vực khởi nghiệp hiện nay, có một khoảng cách lớn về trình độ giữa những người ở Hà Nội và Sillicon Valley.

Nếu như ở Silicon Valley, nhà khởi nghiệp công nghệ có thể dễ dàng tư duy bằng các khái niệm căn bản trong khởi nghiệp như tạo lập mô hình kinh doanh (business model generation), phát triển khách hàng (customer development), phù hợp sản phẩm-thị trường (product-market fit), vòng phản hồi Xây dựng-Đo đạc-Học hỏi (Build-Measure-Learn), sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP - Minimum Viable Product), phát triển sản phẩm linh hoạt (Agile Product Development)… để từ đó đưa ra những chương trình hành động có kiểm soát, có phương pháp và nhanh chóng học hỏi được từ thị trường. Tất cả những thứ đó ta gọi là sự bài bản.

Còn ở Hà Nội, chúng ta có thể thấy nhiều startup bắt đầu doanh nghiệp của mình bằng cách bắt chước cái người ta đã làm thành công ở chỗ khác. Họ đề cao tinh thần “cứ làm đi”, và đặc biệt là “đừng đọc sách, làm luôn đi”. Rất nhiều dự án khởi nghiệp nặng tính hên-xui với hàng tỉ đồng được đổ ra sông ra bể, trong khi có thể không nhất thiết phải trả chi phí đó nếu có phương pháp tốt dẫn đường. Chúng ta cũng bắt gặp nhiều nhà khởi nghiệp thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu tư duy về khởi nghiệp.

Có thể nói hiện tượng này là biểu hiện của sự học hành không đến nơi đến chốn. Sợ lý thuyết, hay khinh lí thuyết đều dẫn đến sự lùn hóa trong tư duy và có thể cản trở sự phát triển trong dài hạn.

Dông dài như vậy, tôi mong muốn chia sẻ một điều rằng, những ý tưởng của Piaget còn có thể khai thác rất nhiều trong thực tiễn hiện nay. Ít nhất, đối với các nhà thực hành giáo dục, nó có thể mang lại định hướng đúng đắn, có tác dụng lâu dài.

Một số tác phẩm của Jean Piaget đã được xuất bản ở Việt Nam:

* Bộ ba: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em; Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em; Sự xây dựng cái thực ở trẻ em - Hoàng Hưng và Nguyễn Xuân Khánh dịch, NXB Tri thức ấn hành từ năm 2016-2018

* Tiểu luận Jean Piaget (Tiểu sử tự thuật và các bài viết dành cho đại chúng) - Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức ấn hành tháng 8/2019.