Bộ phim Top Gun: Maverick của tài tử Tom Cruise hiện đang được công chiếu và gặt hái thành công vang dội. Nhưng đối với Lầu Năm Góc (Pentagon), những bom tấn như Top Gun có vai trò còn vượt xa một tác phẩm điện ảnh.
Tại sao Quân lực Hoa Kỳ lại sẵn sàng giao các trang thiết bị tối tân (máy bay, tàu chiến,…) trị giá hàng trăm hay cả tỷ USD, … cho những đoàn làm phim Hollywood mượn (hoặc thuê) để tạo nên các tác phẩm kinh điển. Bởi trong suy nghĩ của họ, phim ảnh chính là công cụ phục vụ tuyên truyền cực kỳ hiệu quả. Tất nhiên sự hợp tác này cũng đòi hỏi phải trả một cái giá nào đó, và không đơn giản chỉ là tiền.
Top Gun: Maverick phần 2 với phần diễn xuất tuyệt vời của tài tử không tuổi Tom Cruise đang càn quét các phòng vé.
Lầu Năm Góc luôn kiểm soát rất chặt hình ảnh của họ trên màn ảnh. Một số ý kiến cho rằng họ chính là nhà đồng sản xuất giấu tên của hàng ngàn bộ phim, biến Hollywood trở thành cỗ máy tuyên tuyền cho mình. Top Gun cũng không phải ngoại lệ – ra đời để quảng bá về sức mạnh, sự chuyên nghiệp và tinh thần [cao thượng] của quân lực Hoa Kỳ. Năm 1986, phần một của bộ phim đạt doanh thu cao nhất nước Mỹ và giúp Hải quân tuyển dụng được số tân binh đông gấp 5 lần.
Lầu Năm Góc thường từ chối hỗ trợ những bộ phim như Platoon (1986) của đạo diễn Oliver Stone về đề tài Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Cinetext/Mgm/Allstar
Trên thực tế, Lầu Năm Góc đã cộng tác cùng Hollywood trong suốt gần 100 năm qua. Tất cả các lực lượng, từ Hải, Lục, Không quân, Tình báo cho đến Tuần duyên Mỹ đều có văn phòng liên lạc tại Los Angeles. Lầu Năm Góc cũng duy trì riêng một văn phòng chuyên phụ trách vấn đề này.
Glen Roberts là người chịu trách nhiệm chính về mảng hợp tác với Hollywood tại Lầu Năm Góc với sứ mệnh “làm lan tỏa và bảo vệ hình ảnh của Quân lực Hoa Kỳ”. Năm 1986, khi Top Gun 1 ra mắt, ông mới chỉ 17 tuổi, sau đó phục vụ 25 năm trong Không lực và hiện có toàn quyền phê duyệt mọi kịch bản phim muốn hợp tác với Lầu Năm Góc. Mỗi năm Roberts thực hiện khoảng 130 dự án giải trí, bao gồm phim, show truyền hình, game,… “Các nhà sản xuất rất tôn trọng chúng tôi vì sự uy tín, đồng thời còn giúp họ tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể”, ông nói. Mặc dù vậy, chính Roberts cũng nhấn mạnh rằng sẽ có những điều kiện mà các nhà làm phim buộc phải tuân thủ. “Điều này nhằm đảm bảo các sản phẩm văn hóa nhận được sự hỗ trợ sẽ phù hợp với những giá trị cốt lõi của Quân lực Hoa Kỳ. Các đối tác tiềm năng cần gửi toàn bộ kịch bản tới để thẩm định và phải sẵn sàng chấp nhận nếu được yêu cầu điều chỉnh”, Roberts cho biết. Nhưng ngoài mục đích chuẩn hóa thông tin, ông phủ nhận việc Lầu Năm Góc cố gắng tạo dựng hình ảnh của mình trên phim ảnh. “Nhà làm phim chính là những người sáng tạo nội dung chứ không phải quân đội. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ họ, không phải can thiệp vào kịch bản”, Roberts nhấn mạnh.
Một cảnh trong phim Transformers: Revenge of the Fallen năm 2009 của Michael Bay. Ảnh: Paramount/Sportsphoto/Allstar
Rất nhiều đạo diễn và nhà sản xuất Hollywood đã gặt hái được thành công rực rỡ nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp với Lầu Năm Góc. Trong số này phải kể tới Jerry Bruckheimer – nhà sản xuất Top Gun và nhiều siêu phẩm khác như Black Hawk Down (Diều hâu gãy cánh), Armageddon (Ngày tận thế) và Pearl Habor (Trân Châu Cảng); hay Michael Bay – một cộng sự cũ của Bruckheimer – người còn tiến xa hơn khi lồng ghép hình ảnh của quân đội vào các bộ phim với chủ đề không liên quan đến quân sự, chẳng hạn Transformers,...
Mặc dù tuyên bố không can thiệp vào kịch bản song Lầu Năm Góc đôi khi sẽ đưa ra những gợi ý về các loại khí tài, trang thiết bị,… nên xuất hiện trên màn ảnh. Trong hầu hết mọi bộ phim đình đám, không khó để khán giả có thể nhận ra sự hiện diện của quân đội, có thể bằng cách này hay cách khác. Ngay cả các bộ phim viễn tưởng về chủ đề siêu anh hùng của Marvel cũng có sự hợp tác nhất định với Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Như trong một phần phim The Avengers, đạo diễn đã để quân đội phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào New York; nhưng khúc mắc sau đó đã được hàn gắn nhờ vào vai trò của Captain Marvel – nhân vật vốn xuất thân là một cựu nữ phi công Hoa Kỳ, sự hợp tác tốt đẹp đã khiến Không lực Mỹ mở hẳn một chương trình tuyển dụng dành cho phụ nữ với câu slogan: “Mỗi người hùng đều có câu chuyện của riêng họ”.
Theo ước tính, Lầu Năm Góc đã hợp tác với hơn 2.500 dự án phim trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đó không phải là sự tham gia hoàn toàn minh bạch như đã tuyên bố. Trong cuốn Operation Hollywood (Chiến dịch Hollywood) xuất bản năm 2004, tác giả David Robb đã cung cấp những chi tiết hết sức thú vị và gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn cách “Lầu Năm Góc nói với các nhà làm phim về những điều họ nên hoặc không nên truyền tải”; hay một số bộ phim khai thác đề tài chiến tranh, được cho là đã miêu tả đúng hiện thực trên chiến trường, thông qua trải nghiệm của các cựu binh, lại không bao giờ nhận được cái gật đầu của ban kiểm duyệt bởi nguyên tắc đơn giản song bất di bất dịch: “Không được bêu xấu hay làm tổn hại hình ảnh của Quân lực Hoa Kỳ.”
Sự hợp tác giữa Lầu Năm Góc và những nhà sản xuất Hollywood thường mang nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Tuy nhiên, một phần sự thật, bao gồm các vấn đề tội phạm chiến tranh, lạm dụng tình dục, tham nhũng, sức khỏe tâm thần cựu binh,… có lẽ sẽ không bao giờ được phản ánh hoàn toàn trung thực đến khán giả.
Theo The Guardian