Tôi lần đầu gặp Hoàng Tụy khoảng 16 năm trước; là năm thứ tư tôi sống ở Việt Nam; sau vài lần gặp gỡ tại văn phòng của anh tại tầng hầm Viện Toán học, chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn bè, cùng chia sẻ các quan điểm về việc cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, những thách thức mà yêu cầu đó đặt ra, và giải pháp tiếp cận vấn đề này.

Giáo sư Hoàng Tụy và giáo sư Pierre tại buổi mừng sinh nhật lần thứ 85 của GS. Hoàng Tụy do Tia Sáng tổ chức.
Giáo sư Hoàng Tụy và giáo sư Pierre tại buổi mừng sinh nhật lần thứ 85 của GS. Hoàng Tụy do Tia Sáng tổ chức.

Kể từ đó, tình bạn của chúng tôi chưa bao giờ phai nhạt.

Tôi trẻ hơn anh Tụy mười tuổi; không quá nhiều để có thể hiểu nhau sâu sắc; không quá ít để tôi có thể lắng nghe anh với sự kính trọng dành cho một người bạn hơn tuổi. Khi tôi mới tròn tám tuổi, còn đang thụ hưởng nền hòa bình chớm nở của nước Pháp sau khi bị phát xít Đức chiếm đóng, thì anh Tụy đã 18 tuổi, phải bỏ dở việc học đại học ở Hà Nội do chiến tranh với Pháp, rồi phải di chuyển vào miền Nam; anh bắt đầu dạy toán ở trung học và từ đó trải qua bốn thập kỷ chiến tranh, đói kém, những nỗi đau và khổ ải mà đất nước Việt Nam phải gánh chịu.

Không lâu sau khi quen biết, anh Tụy giới thiệu tôi với anh Việt Phương. Ba người chúng tôi nhanh chóng có thói quen thỉnh thoảng gặp gỡ ăn trưa cùng nhau. Những lời tâm tình chia sẻ của họ về những gì đã trải qua sau 70 năm đã khiến tôi yêu quý Việt Nam đến mức sâu đậm. Những bữa trưa là dịp để chúng tôi trao đổi suy nghĩ về tình thế chung của đất nước, trong đó cụ thể là lĩnh vực giáo dục và khoa học. Chúng tôi cùng chung quan điểm về coi trọng các giá trị tri thức và đạo đức. Cũng từ đó tôi được họ giới thiệu tiếp cận những người bạn trí thức khác, được biết về những thảo luận và nỗ lực của họ nhằm giúp đất nước phát triển tiến bộ nhanh hơn, cho một tương lai tốt đẹp mà họ vẫn luôn hướng đến. Qua đấy, tôi nhận thấy tiếng nói của họ không dễ được lắng nghe và thấu hiểu, không dễ để họ thuyết phục những thái độ trì trệ bảo thủ và giữ vững tinh thần cách mạng của mình, vốn luôn đòi hỏi tinh thần không ngừng quyết liệt thay đổi vì sự tiến bộ của đất nước nhằm thích ứng với thế giới cũng đang không ngừng thay đổi. Tôi vẫn không hiểu vì sao có những nhìn nhận tiêu cực về những người trí thức đã dành trọn cuộc đời vì tình yêu, sự tiến bộ và phát triển đất nước; họ thấu hiểu sâu sắc về lịch sử đất nước mà chính họ từng tham gia với vai trò là người trong cuộc, họ hiểu rất rõ đâu là cái đích tiếp theo cần hướng đến, con đường nào cần đi theo; họ có mục tiêu, kiến thức và trí tuệ để đưa ra những phân tích, tầm nhìn rất có giá trị, đáng được nghiêm túc xem xét. Luôn giữ vững những lý tưởng về độc lập, tự do và công bằng từ thuở lập quốc, họ hiểu rằng thế giới đang thay đổi: hiểu rằng thay vì áp đặt những giáo điều của ngày hôm qua vào ngày hôm nay, các quốc gia cần phải thích nghi với môi trường xã hội và địa chính trị, đồng thời tôn trọng và bảo tồn những giá trị tinh thần và đạo đức nền tảng. Năm 2007, tôi có vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông bày tỏ tha thiết mong muốn nền giáo dục nước nhà phát triển và nâng cao chất lượng. Tôi đã nghe ông chia sẻ về đề xuất thay đổi phương thức giáo dục đại học; nắm tay tôi ông nói hãy tiếp tục đấu tranh. Với tôi, Hoàng Tụy và những người bạn trí thức của ông chính là những người kế thừa niềm mong mỏi ấy của Đại tướng.

Ít ngày trước, nói chuyện với anh Tụy về những điều tôi muốn viết ở đây, anh bảo tôi rằng điều anh tự hào là chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm nói và viết ra những suy nghĩ của mình. Anh nói thêm rằng sự thẳng thắn đôi khi khiến anh gặp rắc rối, nhưng chưa bao giờ anh ân hận vì điều đó. Với tôi, điều ấy thể hiện một nhân phẩm hết sức đáng kính trọng: tôi nhìn nhận Hoàng Tụy như một hình mẫu để hướng đến, song hành với tình bạn và sự yêu quý đối với anh.

Tôi dành sự ngưỡng mộ to lớn dành cho anh Tụy và những con người cùng thế hệ của anh, đã cống hiến khi đất nước Việt Nam còn non trẻ. Hy vọng của họ khi còn thanh niên về một tương lai sáng lạn, ngày nay có thể còn chưa hoàn toàn như ý nguyện, tuy nhiên cũng đã có rất nhiều kết quả tốt đẹp. Có những góc nhìn hạn chế từ ngoại quốc, bao gồm cả những Việt kiều, cũng có cả những người Việt trẻ tuổi ngày nay không thực sự hiểu về lịch sử đất nước: họ nhìn quá hẹp, chỉ thấy những gì sát với thời gian và không gian của bản thân, thiếu tầm nhìn rộng mở để có thể hiểu đất nước đủ sâu sắc. Bài học từ anh Tụy và thế hệ của anh đã dạy cho chúng ta là bài học về sự khiêm tốn và thái độ lạc quan; khích lệ chúng ta luôn nhìn về trước một cách tích cực và mang tính xây dựng, thay vì chỉ than phiền về nhiều khiếm khuyết cần sửa đổi; khích lệ chúng ta theo đuổi điều mà họ từng đấu tranh không biết mệt mỏi khi luôn giữ vững những giá trị căn bản về trí thức và đạo đức, điều làm nên nhân phẩm con người.

Khi tôi nghĩ về Hoàng Tụy, Việt Phương, Đặng Văn Việt, và số phận của họ, tôi thường nhớ đến một tiểu thuyết nổi tiếng của Tomasi di Lampedusa: Il Gattopardo, The Leopard bằng tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết từng nổi tiếng vào thập kỷ 1960, khi Luchino Visconti chuyển thể thành một trong những bộ phim đẹp đẽ nhất của thế kỷ trước, mà Burt Lancaster, Claudia Cardinale và Alain Delon đóng vai chính. Don Fabrizio, một vị hoàng tử thuộc tầng lớp quý tộc ở đảo Sicily, chứng kiến cuộc khởi nghĩa của những người mặc áo sơ mi đỏ do Garibaldi phát động; ông dành ánh mắt yêu thương và độ lượng cho người cháu ruột tham gia khởi nghĩa mang theo mơ ước về một ngày mai tươi đẹp hơn; ông đau buồn nhận thấy xu thế hèn kém và ích kỷ của những kẻ trọc phú, dần thay thế những phẩm giá cao quý, sự tự trọng trong truyền thống xã hội mà ông vẫn luôn tôn thờ; ông vừa bất lực, vừa phần nào hi vọng khi cháu trai mình hứa hôn với cô con gái tuyệt vời của Sedara, kẻ thối nát nắm giữ quyền lực và đầy tham vọng trong chính quyền mới; ông mê man giữa những hoài niệm, sự vỡ mộng, và sầu muộn trước vòng lặp vô tận của lịch sử; tất cả dường như thay đổi nhưng thực ra tất cả vẫn y nguyên.

Năm 2005, tôi mời anh Tụy đến thăm nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn trẻ tuổi của chúng tôi tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân. Những trao đổi giữa anh và các nhà vật lý trẻ trong nhóm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong họ, và họ bày tỏ mong muốn được học hỏi nhiều hơn nữa từ anh. Khi ấy, anh Tụy nói rằng muốn tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề khoa học và giáo dục. Chúng tôi được nghe những phân tích sâu sắc của anh về những nhược điểm trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam cùng những khuyến nghị hợp lý để có thể khắc phục rất nhiều những tồn tại vướng mắc. Chúng tôi đề nghị anh trả lời phỏng vấn đăng trên Bản tin của chúng tôi, và ngay lập tức anh lịch thiệp đồng ý. Tôi đọc lại nội dung bài báo ấy trước khi viết những dòng này mà không tránh khỏi cảm thấy ấn tượng về sự sắc sảo trong tầm nhìn của anh về những vấn đề cần giải quyết, tính hợp lý trong các ý kiến và sự đúng đắn trong các phân tích anh đưa ra. Đồng thời, tôi phải thú thực mình cảm thấy buồn khi đọc những tài liệu ấy, nhận ra chúng ta đạt được không nhiều tiến bộ sau 13 năm qua.

Bảy năm trước, chúng tôi đã mời Hoàng Tụy và Việt Phương cùng ăn trưa ở một nhà hàng gần nơi làm việc. Trong những ghi chép của Nguyễn Thị Thảo, một nhà nghiên cứu trẻ trong nhóm về chuyến thăm của anh Tụy và anh Việt Phương, Thảo đã tóm lược ấn tượng chung về chuyến thăm của anh Tụy và anh Việt Phương: ‘Sức trẻ trong ngôn từ và trong trái tim của họ, sự sáng rõ trong cách nhìn nhận về thế giới xung quanh thật tương phản với tuổi tác của họ. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên thông điệp mà họ gửi gắm: liêm chính, sáng tạo, tự do, dân chủ’.

Quả thực anh Tụy luôn giữ trong mình năng lực hòa đồng cùng trẻ thơ, điều mà nhiều người lớn trong chúng ta đã mất đi; anh luôn giữ sự tươi mới trong tình cảm và sự sáng suốt trong cách nhìn nhận, vốn là những ưu điểm thường chỉ có ở người trẻ tuổi. Khi những phẩm chất ấy hòa trộn cùng trí tuệ tích lũy qua tuổi tác, những trải nghiệm từ một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam mà anh được chứng kiến qua nhiều năm, tất cả đã tạo nên ở anh một con người hết mực đáng yêu quý.

Một ánh sao Kim

GS Takahito Kuno (người Nhật) ví GS Hoàng Tụy như Santa Claus đến từ một nước phương Nam. Một hình tượng hay quá, đến mức khó chọn được hình ảnh nào hay hơn nữa. Nhưng tôi vẫn mạo muội liên tưởng đến hình ảnh của một ánh sao Kim. Vì sao Kim rất “đa diện”. Lúc bình minh thì lung linh với tên gọi sao Mai. Khi hoàng hôn lại rực rỡ trong tư cách sao Hôm. Và lúc nào cũng đẹp nên còn được mệnh danh là Venus (tên thần Vệ Nữ). Với mắt trần thì sao Kim là thiên thể sáng thứ ba trên bầu trời, chỉ kém Mặt trời và Mặt trăng. Vậy mà mỗi khi tỉnh dậy, hối hả bước vào ngày mới, thì chẳng mấy ai để ý. Để rồi đến lúc màn đêm buông xuống, lại ngỡ ngàng trước ánh hào quang. Hoàng Tụy mà mọi người dễ nhận ra và hay ca ngợi trên báo chí mới chỉ như một ánh sao Hôm – một người yêu nước, yêu dân thiết tha, luôn trăn trở bàn cách chống lại cái nghèo, cái dốt. Hoàng Tụy mà mọi người còn ít biết đến như một ánh sao Mai – một nhà khoa học xuất sắc, rất sáng trên bầu trời khoa học nước nhà.

GS Hoàng Xuân Phú