Tròn 70 năm kể từ chuyến đi hoàn toàn bí mật của đoàn 21 cán bộ được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về sự kiện và những con người ấy.
Vào thời điểm năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, việc cử đoàn cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch trong việc chuẩn bị nhân sự cho việc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến kết thúc.
Vì yêu cầu bí mật của chuyến đi nên cho đến nay trong các cơ quan lưu trữ Việt Nam vẫn chưa tìm thấy văn bản nào có liên quan.
Thập niên 90, bắt đầu xuất hiện thông tin về đoàn du học này nhưng ít được chú ý. Đó là những thông tin lẻ tẻ qua bài viết của một số thành viên trong đoàn đi học năm xưa, như Lê Duy Thước, Phạm Như Vưu. Vì vậy có những nhà nghiên cứu lịch sử và người làm công tác lưu trữ học còn nhầm tưởng rằng đến năm 1953 mới có đoàn lưu học sinh Việt Nam đầu tiên được chính thức cử sang Liên Xô học tập. Điều ấy càng chứng tỏ tính chất bí mật của chuyến đi cũng như sự khuyết thiếu trong nghiên cứu lịch sử về sự kiện quan trọng này trong cuộc trường kỳ kháng chiến 1945-1954.
Ảnh Bác Hồ ghim trong cuốn sổ ghi chép của GS.TS Trần Linh Sơn, 1951. Ảnh: TGCC
Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề nói trên vào năm 2010, tức là chỉ hơn một năm sau khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ra đời. Khi ấy, chúng tôi được tiếp cận bức thư của GS. Nguyễn Trọng Nhân (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong đó đề cập đến 21 người đi học ở Liên Xô năm 1951. Ngay từ đó, nhận thấy phải có trách nhiệm gì đó đối với khoảng trống lịch sử này, chúng tôi khẩn trương tìm kiếm danh sách 21 người. Và dù biết chỉ còn hai người trong số họ: Thiếu tướng Phạm Như Vưu và Thiếu tướng - PGS. Lê Văn Chiểu đang còn sống, nhưng như thế vẫn là may mắn.
Một kế hoạch sưu tầm ký ức cùng tài liệu, hiện vật của họ được lập ra. Chúng tôi hào hứng cố gắng tìm kiếm những nhân chứng và tài liệu có liên quan đến đoàn 21 người đi học ở Liên Xô năm 1951, quy ước gọi đây là đoàn LX51. Nhờ tiếp cận được một số tài liệu lưu trữ ở Nga có đề cập đến những trao đổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, chúng tôi càng khẳng định thêm niềm tin về tầm quan trọng của sự kiện này trong mối quan hệ về giáo dục và ngoại giao giữa hai nhà nước. Đã có hàng trăm cuộc gặp gỡ giữa cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với hai nhân chứng là ông Phạm Như Vưu và ông Lê Văn Chiểu. Mỗi khi phát hiện được thông tin về gia đình của các thành viên đoàn LX51 là chúng tôi tìm đến ngay, dù ở TP Hồ Chí Minh hay Cao Bằng, Quảng Ninh…
Cuốn sách dày 224 trang, do Nxb Khoa học xã hội ấn hành, vừa ra mắt vào ngày 4/1/2022. Ảnh: TGCC
Có rất nhiều khó khăn khi nghiên cứu về đoàn LX51, vì chỉ hai người còn sống. Có những người mất rất sớm, từ thập niên 60-70-80 của thế kỷ trước. Tài liệu còn lại không đáng là bao, thậm chí có những người không có bất kỳ tài liệu nào. Trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, Thiếu tướng Phạm Như Vưu khi đó đã ở tuổi 90, chúng tôi càng thấy tấm lòng, sự tâm huyết của họ đối với đất nước. Ký ức dần được đánh thức, khiến cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều thấy hạnh phúc. Phố Phan Đình Phùng và phố Đào Tấn - nơi hai vị tướng về hưu ở đã trở nên thân thuộc đối với chúng tôi. Các ông mong chúng tôi và chúng tôi mong được gặp các ông. Nhiều vấn đề lịch sử về đoàn LX51 dần được mở ra. Những ghi chép năm xưa của họ về chuyến đi, về những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh… vẫn được lưu giữ, như những báu vật mà họ không thể lìa xa, dù lịch sử có trải qua biết bao thăng trầm.
Với chúng tôi, mỗi trang ghi chép, mỗi dòng nhật ký, mỗi bức ảnh đều là những tư liệu quý, những vật chứng quan trọng để kể câu chuyện về họ, về những vấn đề lịch sử liên quan đến họ. Ký ức của hai vị tướng già thật sống động, nhiều chuyện như vừa mới diễn ra. Cứ như thế, dần dần cho phép chúng tôi tạo lập hồ sơ về 21 thành viên đoàn LX51 trong chừng mực có thể được, đồng thời làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử: họ là ai? tại sao họ lại được cử đi học? họ đã học như thế nào? khi trở về nước họ đã đóng góp ra sao?… Tuy nhiên, như đã nói, việc nghiên cứu về 21 thành viên đoàn LX51 gặp rất nhiều khó khăn, do không thể có đầy đủ thông tin về từng người. Vì thế, bạn đọc dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối lượng thông tin về họ trong ấn phẩm này. Điều đó khiến chúng tôi cũng không hài lòng, nhưng đành vậy. Hy vọng qua cuốn sách này những người thân, người quen biết các vị tiền nhân này sẽ cung cấp bổ sung thêm thông tin hiện còn thiếu.
Để hình thành nên hồ sơ về 21 thành viên đoàn LX51, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Thiếu tướng Phạm Như Vưu và Thiếu tướng Lê Văn Chiểu cùng gia đình của những người khác. Thật đáng tiếc, khi cuốn sách này còn chưa hoàn thành thì hai vị tướng đó - hai người cuối cùng cũng lần lượt về với trời xanh, với các đồng chí, đồng nghiệp của mình. Chúng tôi coi cuốn sách này là sự tri ân của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đối với tất cả 21 người và gia đình của họ. Mặt khác, đây cũng là trách nhiệm của Trung tâm trong việc sưu tầm, nghiên cứu và giữ gìn những di sản của các nhà khoa học.
Mặc dù các tác giả đã rất cố gắng, nhưng chắc hẳn cuốn sách còn có những thiếu sót hoặc chưa thỏa mãn mong muốn của bạn đọc. Hy vọng rằng với sự góp ý của độc giả, cuốn sách sẽ tiếp tục được bổ sung tư liệu, hoàn thiện hơn.