Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, có rất nhiều loại ấn tín khác nhau, trong đó không thể không nhắc đến những ấn tín có xuất xứ khá đặc biệt.


Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, nhà Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến trước đó đều coi ấn tín biểu thị cho quyền lực tối cao, là báu vật của quốc gia và tượng trưng cho đế quyền. Có rất nhiều loại ấn tín khác nhau từ hình dáng đến họa tiết, chất liệu… và không thể không nhắc đến những ấn tín có xuất xứ khá đặc biệt.

Vua Minh Mạng và những chiếc ấn ngọc tình cờ có được

Điển hình nhất, có giá trị cao nhất là loại ấn tín của hoàng đế được gọi chung là Kim ngọc Bảo tỉ. Kim Ngọc Bảo tỉ là những ấn của nhà vua dùng trong trường hợp danh nghĩa quốc gia trọng đại hay được đóng trên các văn bản quan trọng. Những loại ấn này nếu được làm bằng ngọc gọi là “Ngọc tỉ”, được đúc bằng vàng gọi là “Kim Bảo tỉ”.

Vua Minh Mạng trong thời gian ở ngôi đã cho làm nhiều loại ấn tín bằng các chất liệu khác nhau với mục đích sử dụng cụ thể. Ngoài ra trong số ấn tín của vua lại có những chiếc ấn có được một cách tình cờ, sách Minh Mạng chính yếu cho biết vào năm Mậu Tý (1828) “có người ở Quảng Trị là Nguyễn Đăng Khoa, được viên ngọc tỷ đem vào dâng vua, trong có khắc bốn chữ: “Vạn thọ vô cương” bằng lối chữ triện.

He lo nhung chiec an dac biet cua vua chua Viet
Ngọc tỷ khắc chữ “Vạn Thọ vô cương” của vua Minh Mạng. Ảnh:www.doanhdoanh.org.

Nhà vua đem việc ấy mà dụ các quan rằng: “Khi trẫm mới lên ngôi, người ở Long triều đã từng dâng ngọc tỷ khắc bốn chữ: “Trung hòa vị dục”, nay lại được ngọc tỷ này, xem nghĩa bốn chữ ấy thì có lẽ là bảo vật của triều trước di truyền, để lâu ngày mờ ám nên chưa biết rõ”.
Các quan đều tâu mừng rằng: “Đây là điềm đức Hoàng thượng thọ khảo và phúc quốc gia vô cương vậy!”

Nhà vua dụ rằng: “Gần đây nhân dân chưa được hết thảy đầy đủ, lúa mùa chưa được phong đăng, trăm quan chưa phải đều là hiền lương, thuộc lại chưa hay giữ đúng pháp luật. Lại như mùa thu năm ngoái ở Nghệ An biên vụ Bắc thành bị nước lụt, trẫm ngày đêm héo hon lo nghĩ không yên. Năm nay chưa tới bốn mươi tuổi mà răng đã có cái rụng, tóc đã điểm bạc, phỏng được trời đất tôn tổ phù hộ cho. Từ nay về sau, mọi nơi đều được ninh thiếp, thường báo thư về. Trong được nhiều tôi trung tận tụy, ngoài nhiều quan lại hiền năng, sông nước thuận dòng, cõi bờ yên ổn, lúc ấy trẫm mới được thư tâm, bớt chút nhọc mệt, thì chẳng có ngọc tỷ này, cũng đủ biết sẽ được tuổi thọ dài lâu vậy. Bằng cứ lấy đấy làm điềm lành, thời chưa dám vậy.”

Về sau người ở Đông Trì, tỉnh Thừa Thiên là Hoàng Nghĩa Thắng đào được một ngọc tỷ đem dâng, trong có khắc bốn chữ nổi là: “Phong cương vạn thổ”.

Sách Quốc sử di biên cũng cho biết như sau: “Lấy được ấn ngọc ở Quảng Bình. Tôn Thất Sưởng bắt được ở xã Nhan Biều, trấn Quảng Bình, ấn có bốn chữ “Vạn thọ vô cương”. Chiếu cho dùng ấn ngọc này đóng vào tờ ấn chiếu tiết Vạn Thọ. Trước có 6 ấn ngọc như “Quốc gia tín bảo”, “Trị lịch minh thời”.v.v…, đến đây, tăng thêm 6 ấn ngọc nữa là “Hoàng đế chi tỷ”, “Tôn nhân chi tỷ”, “Khâm văn”, “Duệ vũ”, “Sắc chánh vạn dân” và “Thảo tội an dân”, cộng với 6 ấn cũ thành 12 ấn ngọc, đều tùy việc mà dùng”.

Chiếc ấn báu của vua Thiệu Trị được làm từ một viên ngọc quý

Theo sử sách ghi lại, vào năm Bính Ngọ niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846) có người dân trong khi tìm vàng và đá quý ở núi Ngọc, huyện Hòa Điền, vùng đất Quảng Nam đã đào được một viên ngọc cực lớn, ánh sắc rực rỡ vô cùng bèn dâng vua. Thấy đây là viên ngọc quý hiếm, vua Thiệu Trị rất mừng cho là điềm may mắn liền sai quan Hữu tư mang đi mài dũa, chế tác làm thành quả ấn.

Sau thời gian một năm trời bỏ công sức, trổ hết tài năng, thợ khắc đã chế tác xong chiếc ấn dâng lên, vua Thiệu Trị xem thấy ngọc tỉ cứng rắn, đẹp đẽ, ôn nhuận sáng sủa, trên núm ấn là hình rồng uốn khúc, cao hơn 4 tấc; mặt hình dấu khắc theo hình vuông, kích thước 3,1x3,1cm. Nhà vua cũng quyết định chọn thời điểm đẹp, ngày tốt là ngày 15 tháng 3 năm Đinh Mùi (1847), tổ chức việc khắc chữ triện vào Ngọc tỉ đúng theo nghi lễ.

Hôm đó vua Thiệu Trị đích thân làm lễ Đại tự, thỉnh mệnh trời đất, kính yết Tổ khảo giúp vận nước lâu dài, và khắc lên mặt ấn ngọc 9 chữ Triện: “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỉ” (Ngọc Tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời). Trên lưng ấn, bên trái khắc dòng chữ Hán “Đắc thượng cát lễ thành phụng chỉ cung tuyên” và bên phải là dòng chữ “Thiệu Trị thất niên tam nguyệt thập ngũ nhật”. Đặc biệt, trước đầu rồng còn khắc dòng chữ “Nam Giao đại lễ để cáo”.

He lo nhung chiec an dac biet cua vua chua Viet-Hinh-2
Ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”. Ảnh: www.doanhdoanh.org.

Sau đó gặp tiết Vạn thọ, ấn ngọc đã chế xong, đến ngày 1 tháng 6 vua sai chuẩn bị lễ văn, Thiệu Trị thân bưng ngọc tỉ, kính cáo miếu linh thánh. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” trong buổi lễ vua nói rằng: “Nay gặp tiết Vạn thọ, ngọc tỷ đã làm xong, kính lấy mồng 1 tháng này sắm sửa lễ nghi ta thân nâng ngọc tỷ kính cáo tổ miếu, rồi kính để ở cung Càn Thành, cùng ấn truyền quốc đều long trọng, kéo dài cơ nghiệp mở mang khó nhọc, giữ gìn cũng không phải là dễ. Phải nghĩ lo theo, cố công tiếp nối. Phải cẩn thận từ trước để trọn vẹn về sau, nên giữ đầy đặn mà được yên ổn, may ra sự nghiệp lớn lao giữ được mãi mãi, mà truyền cho con cháu muôn đời thì tốt lắm!”.

Nghi lễ xong xuôi, vua lệnh cho các cung giám phụng mang cất giữ cẩn thận ở điện Trung Hòa trong Càn Thành. Với bảo ấn đó, vua Thiệu Trị cho dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các nước như chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ và nó được coi trọng bảo vệ như Kim bảo “Nam Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn tri bảo” được đúc theo lệnh của chúa của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu và truyền lại sử dụng trong thời gian cầm quyền của các chúa Nguyễn sau đó.

Vua Đồng Khánh và chiếc ấn làm từ thiên thạch

Để tỏ ý thân thiện hữu hảo với vua Đồng Khánh, chính phủ Pháp một món quà rất đặc biệt. “Đối với một vị con Trời như vua Đồng Khánh, không gì hay hơn là nên tặng vua một bảo vật đến từ trời. Vậy, tôi xin yêu cầu chính phủ xứ ta hãy cố tìm cho ra một thiên thạch, sau đó hãy khắc và tiện nó ra thành một cái ấn qúy”, Stanislas Meunier - nhà địa chất học, khoáng vật học, nhà báo khoa học- đã cố vấn cho Tổng thống Pháp và nhận trọng trách đi tìm báu vật.
Stanislas Meunier đã phải khắp các nơi để tìm một thiên thạch vừa ý, cuối cùng, tại thành phố Vienne (Áo), ông mới mua được một khối đá đã rơi xuống trái đất vào ngày 30/1/1868 tại Pultusk (Ba Lan). Thiên thạch này không bị nứt nẻ, có dáng đẹp mắt, kích thước thích hợp. Ông mừng quá và mang về giao cho thợ kim hoàn chế tạo. Mặt ấn bằng vàng ròng, có khắc chữ: “Le gouvernement de la République Française à S. M. Dong-Khanh, roi d'Annam” (Chính phủ cộng hoà Pháp tặng vua Đồng Khánh, quốc vương xứ An Nam).

He lo nhung chiec an dac biet cua vua chua Viet-Hinh-3
Chiếc ấn của chính phủ Pháp tặng vua Đồng Khánh và mặt ấn. Ảnh: Sachxua.net.

Theo sách “Đồng Khánh chính yếu”, món quà này được gửi tới vua Đồng Khánh vào tháng 12 năm Đinh Hợi (1887). Khi nhận được chiếc ấn ngọc được gọi là Kim tinh hắc hỏa, vua đã viết thư cảm ơn chính phủ Pháp sau đó ban hành tờ cáo dụ cho toàn dân được biết, trong đó có đoạn viết: “Quan Khâm sứ đại thần Hách Tô (Hector) hiện đóng ở kinh đô vâng mệnh mang tới tặng cho một chiếc ấn ngọc do các công khanh trong triều đình quý quốc chế tạo ra, trên có khắc bốn chữ Triều đình lập tín (Triều đình đặt ra để làm tín), lại bảo rằng của đại Hoàng đế nước Đại Pháp gửi tặng, vốn là ngọc ở trong tảng đá do trời ứng điềm lành giáng xuống, nước Đại Pháp tìm thấy đem bổ ra lấy nguyên khối chế tác thành ấn. Đó thực là một báu vật hiếm thấy, từ phôi thô mài giũa thành khí quả là vô cùng khó. Nay đem sang tặng cho để từ nay nếu có việc gì cần phải thông báo với triều đình Đại Pháp thì dùng ấn ấy để làm tin”.