Viên kim cương này đã nhiều lần mang lại bất hạnh tang thương cho chủ sở hữu của mình. Phải chăng, lời nguyền là có thật.
Bất kể thời đại nào, những viên kim cương lấp lánh luôn có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với loài người. Nhưng ẩn sau đó là biết bao câu chuyện kỳ bí về những điều may rủi mà nó đem lại.
Một trong những báu vật tuyệt đẹp nhất của thế giới chính là viên kim cương Hope (Hy vọng), nặng hơn 45 cara. Với kích cỡ được ví như trứng một con chim câu, giá của nó lên đến 250 triệu USD (khoảng 6.250 tỷ VND).
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng viên kim cương với cái tên tràn ngập màu hồng lại ẩn chứa một lời nguyền phải nói là... đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Báu vật có lịch sử đẫm máu
Nhiều học giả cho rằng, những câu chuyện về lời nguyền của viên kim cương là... chuyện bịa do chính chủ sở hữu thêu dệt ra với ý đồ tạo dựng cho nó một lý lịch ghê rợn nhằm bán được với giá cao hơn.
Tuy nhiên, lịch sử lại chứng minh điều ngược lại. Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân xấu số của lời nguyền sau khi sở hữu kim cương Hy vọng này.
Viên kim cương màu xanh mang tên "Hy vọng".
Truyền thuyết bắt đầu từ năm 1642 khi một nhà buôn đá quý kiêm nhà thám hiểm người Pháp tên là Jean Baptiste Taverniner đi du ngoạn khắp Ấn Độ và mua về một viên kim cương màu xanh.
Lời đồn đại nói rằng viên đá này được tìm thấy ở mỏ "Gani" Kollur thuộc vương quốc Golconda, Ấn Độ vào thế kỉ 17, sau đó được gắn trên bức tượng nữ thần Sita linh thiêng của người Hindu. Vì một lí do nào đó mà viên kim cương sẽ gây tai họa khi bị lấy ra khỏi bức tượng.
Bỏ ngoài tai tin đồn,vào năm 1668, Tavernier bán lại viên kim cương này cho vua Louis XIV cùng với 14 viên kim cương cỡ lớn và 1.122 viên nhỏ hơn.
Vua Louis XIV sai thợ kim hoàn cắt viên kim cương thành nhiều mảnh nhỏ khác nhau, chế tạo thành mặt dây chuyền và thường đem theo mình. Tuy vậy, vào năm 1792, cuộc Cách mạng Pháp nổ ra, lời nguyền dường như đã bắt đầu ứng nghiệm. Hai vợ chồng vị hoàng đế này đều mất đầu dưới máy chém của quân Cách mạng, viên kim cương thì bị đánh cắp.
Vua Louis XVI bị chém đầu.
Một mảnh cắt của viên kim cương này được mua lại bởi nhà tài phiệt người Anh - Henry Philip Hope vào năm 1839. Lord Francis Hope, người thừa kế mảnh kim cương sau này tuyên bố phá sản. Vợ ông bỏ nhà, sa vào vòng tay đối thủ của Hope. Còn Hope, ông chết trong nghèo đói.
Đến năm 1912, Evalyn Walsh Mclean - một quý bà nổi tiếng tại Washington (Mỹ) mua lại viên kim cương Hy vọng. Sau đó, con trai bà mất vì tai nạn xe hơi, con gái thì tự tử. Chồng Mclean bỏ bà theo một người phụ nữ khác, còn số phận bà kết thúc trong một nhà thương điên.
Evelyn Walsh cùng viên kim cương Hy Vọng.
Đến năm 1958, thợ kim hoàn Harry Winston đã mua lại mảnh kim cương và tặng cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian. Nhờ sở hữu báu vật quý giá này, bảo tàng thu hút thêm rất nhiều khách tham quan.
Tuy nhiên, James Todd - người vận chuyển mảnh kim cương lại không thoát khỏi lời nguyền: ông bị xe tải tông, vợ và con chó của ông chết không lâu sau đó và nhà ông lại gặp hỏa hoạn.
Cũng chỉ là trùng hợp mà thôi...
Vì nếu có lời nguyền thì chắc chắn ai cũng sẽ bị ám cả. Nhưng không! Trước khi McLean mua nó, viên kim cương đã thuộc về thợ kim hoàn Pierre Cartier, và ông hoàn toàn bình an.
Viên kim cương trong lịch sử cũng đã từng qua tay vô số người, nhưng thực sự thì nhiều người... không bị sao cả. Ngay như trường hợp của Harry Winston - là người trực tiếp mua và tặng nó cho bảo tàng Smithsonian cũng vậy.
Trên thực tế, tỷ lệ người gặp nạn trên thế giới mỗi ngày là không nhỏ. Hơn nữa, có những "bi kịch" xảy ra như một điều tất yếu, do đó là một phần trong chuỗi sự kiện diễn ra trong xã hội. Ví dụ như Simon Frankel, người mua viên kim cương lại từ nhà Hope sau đó đã ngập trong nợ nần và khánh kiệt. Nhưng thật ra, ông đã gặp phải thời kỳ kinh tế khó khăn mà những người cùng tuổi với ông lúc đó cũng trải qua.
Chưa kể, mặc dù đúng là có một vài chủ sở hữu của viên kim cương đã chết rất thương tâm, nhiều câu chuyện thảm kịch khác vẫn chưa từng được xác nhận và chỉ là lời đồn không hơn không kém.
Những nạn nhân khác như: nhà cắt kim cương Wilhelm Fals bị con trai giết, Francois Beaulieu mua lại viên kim cương rồi chết đói, hoàng tử Nga Kanitowski tặng viên kim cương cho diễn viên Lorens Ladue sau đó đã bắn cô ta chết rồi tự tử, hay Simon Montharides cùng gia đình bị dồn đến vực sâu… hầu như chỉ có một số là được lịch sử chứng thực, còn lại thì bị các nhà nghiên cứu nghi ngờ chỉ là hư cấu.
Ngoài ra, nếu lời nguyền giáng cái chết xuống chủ sở hữu một cách nhanh chóng thì thật là khó giải thích. Tuy nhiên, không chỉ có chết, nhiều người còn gặp các bất hạnh khác, trong đó có cả họ hàng của người sở hữu. Như vậy không phải đó chỉ là xác suất gặp rủi ro thường ngày của chúng ta sao?
Khách tham quan vây quanh viên kim cương.
Lời nguyền viên kim cương Hy vọng cũng giống như một câu chuyện ngụ ngôn về lòng tham của con người vậy. Kẻ đánh cắp nó ban đầu được cho là đã chết từ từ và đau đớn. Những người cố bán nó đi sau này lại gặp bất hạnh. Harry Winston, người hào phóng tặng nó cho bảo tàng có lẽ đã chấm dứt lời nguyền này.
Nhưng dù sao, cũng có thể lời nguyền là có thật. Bởi vì vẫn còn đó rất nhiều điều bí ẩn trong cuộc sống mà con người vẫn chưa thể nào lý giải được.