Di sản Hoàng thành Thăng Long đáng nhẽ đã bị phá bỏ từ 15 năm trước nếu không có nỗ lực từ những nhà khảo cổ.
Cho đến cuối những năm 90, vị trí của Hoàng thành Thăng Long vẫn là một trong những bí ẩn gây tranh cãi đặc biệt trong giới nghiên cứu lịch sử. Toàn bộ các hiểu biết về lịch sử Thăng Long cổ chỉ dừng lại ở các suy đoán qua những dấu tích của Thành Hà Nội thời Nguyễn còn sót lại. Khó khăn lớn nhất là việc trung tâm thành Hà Nội thời Nguyễn trước nay vẫn thuộc khu vực quân sự, không được tiếp cận với bên ngoài. Mọi mong muốn khảo sát đều bị khước từ với lý do di tích không tồn tại.
Theo PGS.TS. Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học): “Chúng tôi là các nhà khảo cổ học mà cũng không ai được vào trong cái trục trung tâm [Hoàng Thành] cả. Các bên quản lý thì bảo: ‘Không có đâu, đào nửa thế kỷ từ năm ‘55 rồi, không có gì cả.’”
Năm 1998, trước thềm kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà nước lần đầu giao lại cho thành phố Hà Nội 3 điểm di tích trong thành cổ - Bắc Môn, Đoan Môn và Hậu Lâu - theo kiến nghị của các nhà sử học. Trong cùng năm, các nhà khảo cổ bắt đầu được tiếp cận khai quật ở ba khu vực này lần lượt tìm được nhiều di vật và dấu tích kiến trúc, tăng cường giả thuyết của các nhà nghiên cứu về dấu tích Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần. Đến năm 2000-2002, thông tin đến tai các nhà khảo cổ học về một dự án xây dựng Nhà Quốc hội mới ở khu đất 18 Hoàng Diệu, vốn là khu ở của sĩ quan quân đội. Chiểu theo luật Di sản Văn hóa 2001, một cuộc họp giữa các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu sử học với Bộ Xây dựng được tổ chức nhằm lên phương án khai quật giải cứu cho khu vực.
Mục đích của một cuộc khai quật giải cứu là nhằm nhằm lấy toàn bộ di vật dưới lòng đất để chuẩn bị cho thi công, đặc biệt với loại di tích đô thị cổ (như Hoàng thành Thăng Long) thì cần thiết phải khai quật toàn bộ diện tích. Trong thời điểm đó, đây là một đòi hỏi quá lớn. Nhóm khảo cổ của PGS. Tín chịu sức ép rất lớn từ phía thi công công trình, như khi đó có ý kiến là chỉ đào một vài hố thám sát mẫu rồi các nhà khảo cổ “đi sau máy ủi mà nhặt hiện vật”. Nhưng đó là một cách hiểu nhầm lẫn, theo PGS. Tín, bởi vì như ông nói: “Nếu chỉ thám sát thông thường từ 1m2 đến 4m2 thì sẽ không thể nắm được thực trạng của di tích và thực tế sẽ không đào được vì tầng văn hóa ở khu vực này rất dày, trong khi nước ngầm ở đây rất mạnh.”
Dựa vào lý do nói trên, đoàn khảo cổ đề xuất xin phép khai quật bước đầu trên diện tích 2000m2 trong tổng 48000m2 của khu đất, diện tích các hố rộng từ 50m2 đến 100m2. Nhiều nhà khảo cổ khi đó hi vọng một khi tìm được các dấu tích kiến trúc cổ, có thể từng bước khai quật rộng hơn nữa.
Cuộc khai quật giải cứu
Đề xuất thăm dò khảo cổ học khu vực 18 Hoàng Diệu được Chính phủ đồng ý. Sau khi tham khảo cố GS. Trần Quốc Vượng, cuộc khai quật sau đó chính thức bắt đầu vào ngày 17/12/2002. PGS. Tín và các đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học tham gia quá trình khai quật.
Những ngày khai quật đầu tiên là những ngày cực kỳ khó khăn. Thời tiết mùa đông lạnh, cùng với nước ngầm làm ngập khắp khu khai quật, khiến nhiều người tham gia không chịu được phải bỏ về. TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) cũng là một thành viên của đoàn khai quật, cũng nhớ lại: “Chưa bao giờ nhà khảo cổ học lại chán khai quật cả, thế mà lúc đấy tôi thấy chán! Nó bề bộn, bẩn thỉu, vất vả. Chẳng thấy gì cả ngoài mấy hiện vật mới bật lên.”
Một số hiện vật thời Lý - Trần như gạch, ngói… bắt đầu xuất lộ, nhưng chúng chỉ là hiện vật đơn lẻ, không nằm trong dấu tích kiến trúc nên không thể kết luận có di tích kiến trúc được. Nỗi lo của các nhà khảo cổ lúc này là khai quật di tích kiến trúc mà không thấy dấu hiệu nào của các nền móng “thì coi như thất bại”.
Gần đến Tết năm 2003, dấu vết của di tích bắt đầu xuất lộ. TS. Đông là một trong những người phát hiện những vết tích kiến trúc đầu tiên: “Hố khai quật đầy nước, tay tôi sờ thấy gần chục viên gạch xếp liền nhau. Một vệt gạch 6-7m2 lộ ra bên cạnh một cái trụ đá cây cột thì tôi nghĩ rằng là chúng ta đã thành công rồi.”
Trong năm đó, các hố khai quật dần xuất hiện từng tầng lớp kiến trúc cổ, từ thời Lê, Trần, Lý đến tận vết tích Đại La thời Đường, gây bất ngờ tột độ với các nhà khảo cổ. Các dấu tích hành lang, trụ sỏi với các tảng kê chân cột có khoảng cách trên 5,75m gợi ý về các công trình kiến trúc có quy mô cực lớn. Hàng vạn hiện vật gạch, ngói, gỗ, gốm, sứ ở các thời kỳ trải rộng khắp hơn 10.000m2 khai quật, trong đó được nhớ đến là các đầu trang trí mái thời Lý hình rồng, phượng tạo tác công phu ở tình trạng gần như hoàn hảo.
Phía sau bờ tường 18 Hoàng Diệu
Đến cuối năm 2003, thông tin về các phát hiện chấn động đó bắt đầu lan truyền khắp nơi. Nhiều người hiếu kỳ tìm cách quan sát khu khai quật. TS. Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ) chia sẻ: “Hàng tuần trên đường lên Hồ Tây, tôi để ý thấy một vài cặp đôi trẻ vẫn thường hẹn hò nhau trên đường Thanh Niên, giờ họ đã dựng xe bên cạnh bức tường cao trên phố Hoàng Diệu, đứng trên xe gắn máy của mình ngó vào bên trong khu khảo cổ. Họ, cũng như nhiều người hiếu kỳ khác, tò mò tự hỏi có gì trong một đại công trường lớn đến như vậy?”
“Tôi đã lên kế hoạch đến thăm địa điểm này vào đầu năm 2004. Cánh cổng mở ra, và bên phải tôi là một hố [khai quật] sâu hun hút, rộng đến hàng trăm mét. Chỗ nào cũng thấy người, phần lớn họ đều tấp nập di chuyển, một vài trong số đó đang ngồi, chăm chú vẽ. Anh Nguyễn Tiến Đông đứng dưới hố, thuyết minh về địa điểm khai quật qua một chiếc loa phóng thanh.”
TS. Đông lúc đó là một trong những người được giao cho việc tiếp đón và thuyết trình các đoàn tham quan: “Người ta cứ đứng hết lên yên xe máy để ngó qua cái tường vào xem chúng tôi làm gì. Các lãnh đạo, các cơ quan và đặc biệt là các đoàn đại biểu quốc hội họp ở ngay đấy - từng đoàn phải lần lượt đăng ký đến thăm quan di tích.”
Nhận được những câu hỏi đôi khi rất ngô nghê từ các đoàn khách thăm quan, các nhà khảo cổ đã phải dùng tất cả những kiến thức về lịch sử, về khảo cổ học, để giải thích tại sao di tích này lại quý giá như thế. “Nhưng qua đó thì tôi cũng nhận ra rất nhiều vấn đề, nhiều người có biết [lịch sử] là gì đâu”, TS. Đông kể lại: “Như thế tôi thấy rằng chuyện tuyên truyền, đưa kiến thức này vào trong cộng đồng là rất quan trọng”.
“Chúng ta trước đây chỉ biết về Hoàng thành qua sử sách, qua một vài cổ vật trong giới sưu tầm. Nhưng nay là bằng xương bằng thịt, hiển hiện trước mắt ta. Rất có tội nếu chúng ta phá hủy đi.”
Kho báu không thể di dời
Sau khi được khai quật mở rộng đến 19.000m2, thì tháng 3/2004, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tạm dừng khai quật để tiến hành xem xét và đánh giá khu di tích. Lúc này có hai luồng quan điểm: một là dỡ bỏ để xây dựng Nhà Quốc hội và Trung tâm Hội nghị Quốc gia mới, hai là phải giữ lại di sản này để bảo tồn.
TS. Đông nói: “Mấy ông bên xây dựng mang máy xúc, máy ủi tập trung sau lưng chúng tôi. Họ cứ ngồi giám sát: ‘Các ông nhặt bới nhanh lên để chúng tôi đưa xe xúc.’ Tôi bảo: ‘Có luật Văn hóa rồi, tôi đố các ông xúc đấy!’ Tôi ngồi cứ lấy cái chổi phẩy phẩy, thế là các ông ấy cũng phải chịu.”
PGS. Tín cũng kể lại: “Tôi rất buồn, tuần sau toàn bộ di sản này sẽ được máy xúc vào ủi chuyển đi. Anh Đông bảo tôi: ‘Ngày đó, bác cho em ở nhà, em không thể nhìn được đâu’. Mấy anh em và cả thầy Vượng đều thương bọn tôi, thương di sản”.
Cùng thời điểm đó, ở phía sau các nhà khảo cổ, các cuộc tranh luận quyết liệt nổ ra về số phận của khu 18 Hoàng Diệu. Có ý kiến lấy lí do khó khăn tài chính, khả năng quản lý và trình độ bảo tồn để ủng hộ việc chỉ giữ lại 1 phần nhỏ, lấy chỗ xây công trình mới. Một hội đồng tư vấn di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thành lập. Ngay từ những bước đầu khai quật, PGS. Tín đã nung nấu ý nghĩ là phải giữ toàn bộ di tích. Một ngày trước khi họp hội đồng, PGS. Tín lần đầu nói với cố GS. Phan Huy Lê (lúc đó là một thành viên hội đồng) về ý tưởng: “[...] nhà khảo cổ học nào cũng tham di tích, vậy nên tôi muốn kiến nghị giữ tất, không chừa khu nào cả.” Bất ngờ, ý tưởng này được thầy Lê khuyến khích trình bày trước hội đồng, và càng bất ngờ hơn khi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của hầu như toàn bộ hội đồng.
Các ý kiến của các GS. Đỗ Văn Ninh, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Văn Huy... tỏ ý ủng hộ kiến nghị của PGS. Tín. Sau cùng, GS. Lê kết luận: “Những ai mà không đề nghị giữ Hoàng thành Thăng Long là có tội với dân tộc và con cháu mai sau.”
Kết luận đó của GS. Phan Huy Lê đã giúp thống nhất quan điểm của hội đồng, rồi toàn bộ các ý kiến trên đã được chuyển lên Đảng và Chính phủ xem xét. Sau một loạt các hội thảo và khuyến nghị của giới khoa học trong và ngoài nước trong năm 2004, quyết định cuối cùng đã được đưa ra: giữ lại khu vực 18 Hoàng Diệu để bảo tồn hợp nhất với khu di sản trung tâm Hoàng thành. Đến năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, UNESCO chính thức trao bằng công nhận khu di sản Hoàng thành Thăng Long là Di sản Thế giới.
Dù đến nay, mới chỉ có 6% Hoàng thành Thăng Long được phát lộ, nhưng câu chuyện về cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long đến đây có thể coi là một kết thúc có hậu. Với các nhà khảo cổ tham gia cuộc khai quật, đó là cả một chương kỷ niệm mà đến nay họ vẫn tự hào. “Có thể nói rằng các nhà khảo cổ trong quá trình khai quật đã sống trong giá lạnh, chân ngập dưới bùn, sống trong cái nắng chang chang của mùa hè để lặn lội tìm ra từng di vật, Thăng Long là cả một câu chuyện lịch sử về những tầng văn hóa khác nhau vô cùng quý giá mà các nhà khảo cổ đã chia sẻ cho chúng ta,” TS. Andrew Hardy bình luận.
Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long – Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” do Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông chủ biên, Viện Viễn Đông Bác cổ và Viện Khảo cổ học thực hiện, vừa được NXB Thế giới phát hành trong tháng 12/2018. |