Một cây cột có vẻ ngoài kỳ lạ, cao khoảng 6m, mọc lên ngay giữa giao lộ hai tuyến phố lớn ở London … ra đời vì mục đích ngăn ngừa tai nạn, nhưng sau đó lại làm phát sinh vô số vấn đề.
Ngày 9/12/1868, London trở thành đô thị đầu tiên trên thế giới lắp đặt và sử dụng đèn hiệu giao thông. Thiết bị do một nhà quản lý đường sắt lâu năm thiết kế, được Quốc hội phê chuẩn và các kỹ sư dựng lên nhằm bảo vệ an toàn cho người đi bộ trước lưu lượng xe ngựa quá đông đúc và giữ cho đường phố bên ngoài tòa nhà quốc hội (House of Parliament) khỏi cảnh tắc nghẽn.
Mặc dù có thiết kế hơi “lòe loẹt”, nhưng so với các phiên bản hiện đại thì cột đèn hiệu giao thông đầu tiên thực sự là một kỳ quan kiến trúc. Trong cuốn “London’s Teeming Streets: 1830-1914” (Đường phố lúc nhúc ở London, thời kỳ 1830 – 1914), tác giả James Winter đã mô tả về cột đèn như sau: “…làm từ gang đúc rỗng, tấm ốp bệ đỡ mang phong cách gothic, sơn màu xanh lá điểm thêm các chi tiết mạ vàng càng làm toát lên vẻ thanh thoát, phần đầu cột được bọc bằng kim loại dày bo tròn, ngay bên trên là hộp đèn hình bát giác với phần mái được trang trí bằng những họa tiết hình lá (acanthus) và kết thúc bởi một hình chạm quả dứa tại phần chóp.”
Lúc mới ra mắt, cây cột đã lập tức trở thành hiện tượng, thu hút sự quan tâm của báo chí với những dự báo lạc quan về khả năng phổ biến trên khắp các tuyến phố; nhưng chỉ sau một tháng, tất cả sự phấn khích ấy lại nhanh chóng giảm đi khi người ta phát hiện thấy một lỗ hổng chết người trong thiết kế của nó.
London của thế kỷ 19 quả là một nơi đầy rẫy nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Từ thời Trung cổ, thành phố đã được quy hoạch theo hướng dọc sông Thames, bao gồm cả đường xá; rồi cuộc Cách mạng Công nghiệp (cuối thế kỷ 18) nổ ra đã mang tới thêm nhiều công nhân cùng xe ngựa hơn bao giờ hết, và nhét họ vào những cung đường chật hẹp.
Năm 1803, khi một cỗ xe ngựa thuê (hackney) bị hỏng, gây tắc nghẽn ở Strand (một tuyến phố đông người), hai người đàn ông và một phụ nữ đã bị mắc kẹt giữa những cỗ xe chở than, rồi thiệt mạng do bị nghiến nát. Thời điểm năm 1811, mỗi ngày, khu vực cầu London Bridge tiếp nhận khoảng gần 90.000 người đi bộ, 5.500 cỗ xe và 764 người di chuyển bằng ngựa. Và lượng người vẫn tiếp tục tăng lên, tính đến năm 1850, trung bình mỗi ngày có khoảng 27.000 người di chuyển từ ngoại ô vào thành phố, phần lớn là đi bộ hoặc chen chúc trên các toa xe lớn do ngựa kéo (omnibus) – tuy nhiên con số này cũng mới chỉ chiếm gần một phần mười tổng số công nhân.
“Giao thông ở London đã làm choáng váng những du khách tới thăm thành phố”, tác giả Jerry White đã viết như vậy trong cuốn “London in the Nineteenth Century” (London thế kỷ 19) với nhiều chi tiết đáng chú ý như: “Louis Simond (du khách người Mỹ gốc Pháp) đã dần quen thuộc với sự huyên náo ở khu phía Tây thành phố, những âm thanh theo kiểu ken két và rung lắc, vang lên đều đặn, khá giống với trải nghiệm (nghiền, sàng) trong nhà xay lúa”; quan sát của một du khách khác về đống hỗn tạp của những phương tiện đi lại dán đầy hình ảnh quảng cáo, xe hackney, xe lừa kéo, và cả một sạp bán thịt mèo; hay đoạn miêu tả các viên triều thần ngồi trong xe ngựa, ăn mặc cầu kỳ và gặm nhấm bánh quy trong thời gian chờ đợi kết thúc chặng di chuyển dài.
Trong cuốn “The Victorian City: Everyday Life in Dickens’ London” (Thành phố thời Victoria: Cuộc sống thường nhật ở London của Dicken), nhà sử học Judith Flanders cho biết, mặc dù rất nhiều kế hoạch nhằm cải thiện tình trạng giao thông đã được thành phố cho triển khai, từ năm này sang năm khác, nhưng trung bình mỗi tuần vẫn có khoảng ba hoặc bốn người chết vì những sự cố ở trên đường.
Chính sự thiếu vắng các quy định (hay luật lệ) thống nhất đã làm trầm trọng thêm vấn đề khi mỗi tuyến phố khác nhau lại thường được áp dụng những quy tắc hành xử khác nhau, nhưng ngay cả như vậy thì người tham gia giao thông cũng ít khi tuân thủ. Vì thế mà nhà quản lý đường sắt John Peake Knight đã vô cùng trăn trở để đi tìm một giải pháp khả thi. Bản thân Knight cũng từng ghi dấu ấn trong lĩnh vực chuyên môn của mình khi ông là người đầu tiên chỉ thị thắp sáng các toa tàu khách bằng điện, cũng như ủng hộ việc lắp đặt chuông kéo để hành khách có thể cảnh báo trưởng tàu khi gặp sự cố.
Năm 1865, Knight đã đề xuất phương án sử dụng cờ hiệu (semaphore) trên đường phố London, dựa trên một số nguyên tắc và kinh nghiệm trong ngành đường sắt. Theo thiết kế, thành phần quan trọng nhất của cột tín hiệu sẽ là 2 cần gạt màu đỏ, khi hạ xuống tức là có thể tự do di chuyển, còn nếu giơ lên thì là để cảnh báo xà ích (người điều khiển xe ngựa) dừng lại cho khách bộ hành băng qua. Ý tưởng trên của Knight đã lan truyền nhanh chóng, được trình từ Sở cảnh sát đô thành (Metropolitan Police) lên Quốc hội để phê duyệt ngay trong năm 1868. Richard Mayne (cục trưởng cảnh sát London) đã cho in 10.000 tờ rơi và rải khắp các khu vực để thông báo về sự thay đổi mới. Khi hoạt động, cột đèn sẽ sử dụng cần gạt hình bán nguyệt vào ban ngày, và đèn khí (bao gồm 2 màu xanh, đỏ) vào ban đêm – tất cả sẽ do một sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục điều khiển, mặc dù khi ấy, việc cảnh sát có quyền giới hạn hoạt động của người trên đường hay không vẫn còn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi – Flanders lưu ý.
Khi mới được triển khai, có vẻ như các xà ích và khách bộ hành đã nghiêm túc tuân thủ chỉ dẫn của cột đèn một cách đáng kinh ngạc – theo ghi nhận của thời báo Illustrated Times đầu năm 1869. Trong cuốn Biên niên sử The South London Chronicle, các tác giả cũng viết: “nếu nhà phát minh lường trước được sự phức tạp ở những khúc giao cắt khó khăn và có nhận thức đầy đủ hơn đối với một số vấn đề, thì không nghi ngờ gì, các cây cột như vậy sẽ nhanh chóng mọc lên ở khắp nơi”.
Bản thân Kight đã sướng ngất ngây khi trở thành người mang đèn hiệu giao thông đến với London, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng nó sẽ sớm xuất hiện trên phố Fleet Street cùng nhiều nút giao thông trọng điểm khác – song có lẽ ông đã vui mừng quá sớm. Tháng 1/1869, sự cố rò rỉ đường ống gas bên dưới vỉa hè đã bơm đầy khí vào bên trong cột đèn (vốn rỗng ruột), khiến nó phát nổ và thiêu rụt khuôn mặt của người cảnh sát vận hành (nhiều báo cáo cho biết ông này đã thiệt mạng). Ngay sau vụ việc, cây cột bị tháo dỡ và không bao giờ được lắp đặt lại, một phần do sức ép chính trị hoặc cũng bởi cục trưởng Mayne đã về hưu – Winter viết.
Nhiều thập niên sau đó, London lại tiếp tục phải vận lộn với mật độ giao thông quá dày đặc. Năm 1871, một chuyên luận nhằm tìm kiểm giải pháp cải thiện tình hình đã chỉ ra, ngay cả khi các quy tắc được áp đặt thì cũng sẽ chẳng có mấy ai tuân thủ. Và phải mất hơn một nửa thế kỷ để đèn hiệu giao thông quay trở lại với London, khi thành phố đã phát triển hơn nhiều với sự phổ biến của xe cơ giới và một loại đèn mới chạy điện (năm 1925 là đèn do cảnh sát điều khiển, còn năm 1926 thì hoàn toàn tự động).