Một công ty thương mại nắm quyền chỉ huy toàn bộ vùng Tiểu Ấn và những gì mà nó để lại vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống ngày nay.

Bạn nghĩ Google hay Apple là những tập đoàn quyền lực? Chắc hẳn bạn chưa bao giờ nghe đến Công ty Đông Ấn, một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận khổng lồ, từng thống trị gần như toàn bộ Nam Á hay tiểu lục địa Ấn Độ.

Từ năm 1600 đến năm 1874, Công ty Đông Ấn trở thành tập đoàn hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến, họ củng cố sức mạnh bằng quân đội riêng, lãnh thổ riêng và gần như nắm giữ toàn bộ con đường thông thương của một sản phẩm hiện được coi là tinh túy của Anh: Trà.

Vào buổi bình minh của thế kỷ 17, tiểu lục địa Ấn Độ được biết đến với cái tên “Đông Ấn”, và là xứ sở của các loại gia vị, vải vóc và các xa xỉ phẩm được đánh giá cao bởi những người châu Âu giàu có, nơi đây được coi như một vùng đất có tiềm năng vô hạn. Nhờ vào năng lực đi biển của mình, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã có được độc quyền về thương mại ở Viễn Đông. Nhưng Anh muốn nhảy vào, và khi họ đánh bại hạm đội Armada của Tây Ban Nha vào năm 1588, điều này đã mở đường cho một nhà nước quân chủ trở thành một cường quốc hải quân đáng gờm.

Vào năm 1600, một nhóm doanh nhân người Anh đã thỉnh cầu Nữ hoàng Elizabeth I ban cho họ đặc quyền được thay mặt cho Hoàng gia đi đến Đông Ấn để giao dịch độc quyền về thương mại. Các thương nhân đã bỏ ra gần 70.000 bảng để tài trợ dự án kinh doanh này, và thế là Công ty Đông Ấn đã ra đời.

Trụ sở Công ty Đông Ấn tại Luân Đôn. Ảnh: Wikipedia

Vào thời điểm khi Nữ hoàng Elizabeth I ký sắc lệnh cho phép thành lập Công ty Đông Ấn thì ở Ấn Độ, hoàng đế Akbar đang trị vì đế quốc Mughal, diện tích 750.000 dặm vuông, trải dài từ phía bắc Afghanistan ở phía tây bắc, đến cao nguyên Deccan miền trung Ấn Độ ở phía nam và cao nguyên Assam ở phía đông bắc.

Triều đình Mughal giàu có và tráng lệ đến mức làm lu mờ bất cứ thứ gì mà châu Âu có thể sản xuất vào thời điểm đó, trong khi các mặt hàng thiên nhiên và sản phẩm của các nghệ nhân nước này được yêu thích trên toàn thế giới

Khi Công ty Đông Ấn lần đầu tiên đến thăm triều đình Mughal vào đầu thế kỷ 17, họ đã cố gắng đàm phán quan hệ thương mại thuận lợi với người kế vị của Akbar, Hoàng đế Jehangir. Ban đầu, Công ty lên kế hoạch thử tiến vào thị trường gia vị có khả năng sinh lợi ở Đông Nam Á, nhưng họ nhận thấy thị trường này đã bị Hà Lan chi phối. Sau khi các thương nhân của Công ty Đông Ấn chịu sự thất bại tại Amboyna (Indonesia ngày nay) vào năm 1623, công ty ngày càng rời sự chú ý của mình sang Ấn Độ.

Nhờ một hiệp ước vào năm 1613 với hoàng đế Mughal Jahangir, tập đoàn này đã thành lập nhà máy đầu tiên của mình ở Surat, nơi hiện là miền tây Ấn Độ.

Những năm sau đó, Công ty đã chuyển sự chú ý của mình từ hồ tiêu và các loại gia vị khác sang vải trúc bâu và vải lụa, rồi cuối cùng là trà, và mở rộng sang Vịnh Ba Tư, Trung Quốc cũng như các vùng đất khác thuộc Châu Á.

Ban đầu, Công ty hoạt động như một đối tác nhỏ trong mạng lưới thương mại đầy phức tạp của đế quốc Mughal, đến thế kỷ 18, Công ty ngày càng thâm nhập sâu vào nền chính trị của tiểu lục địa này. Đặc quyền hoàng gia cho phép Công ty Đông Ấn được “khơi mào chiến tranh”, và thoạt đầu, họ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ chính mình, đồng thời chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh. Vào năm 1757, họ đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ chính quyền Mughal của Bengal. Robert Clive, người lãnh đạo quân đội gồm 3.000 người của công ty, trở thành thống đốc Bengal và bắt đầu tiến hành thu thuế hàng hóa và thuế hải quan, số tiền này sau đó được sử dụng để mua hàng hóa của Ấn Độ và xuất khẩu sang Anh. Công ty này đã gây dựng một đế chế riêng từ trên chiến thắng của mình, và rồi đẩy Pháp lẫn Hà Lan ra khỏi tiểu lục địa Ấn Độ.

Trong những năm sau đó, công ty Đông Ấn tiếp tục dùng vũ lực để sáp nhập các khu vực khác của tiểu lục địa và củng cố liên minh với những người cai trị các vùng đất mà họ không thể chinh phạt được. Tại các khu vực mà họ chiếm được, Công ty Đông Ấn đã được trao quyền kiểm soát chính quyền của nơi đó và quyền thu thuế thu nhập. Đồng thời, công ty đã mở rộng tầm ảnh hưởng đến những người đứng đầu khu vực ở phía nam, cho đến những năm 1770, cán cân quyền lực về cơ bản đã thay đổi. Họ vẫn tiếp tục bành trướng quyền lực và rồi các đối thủ như người Maratha ở miền tây Ấn Độ và người cai trị vương quốc Mysore – Tipu Sultan – đều bị đánh bại.

Không chỉ có lợi thế về mặt quân sự, mà còn nhờ sự hỗ trợ tài chính của một số thương nhân và chủ ngân hàng Ấn Độ, những người nhìn thấy tầm ảnh hưởng đang gia tăng cùng những tiềm năng về mặt thương mại không thể bỏ lỡ của công ty, Công ty Đông Ấn đã trở thành một thế lực mạnh mẽ trong các cuộc xung đột và tranh chấp trong khu vực. Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, công ty này sở hữu một đội quân lên tới 260.000 người (gấp đôi số lượng quân đội thường trực của Anh) và chịu trách nhiệm về gần một nửa nền thương mại nước Anh. Tiểu lục địa giờ nằm dưới sự cai trị của các cổ đông thuộc Công ty Đông Ấn.

Người đứng đầu Công ty Đông Ấn trong một đám rước ở Ấn Độ.
Ảnh: Britannica

Với dân số đông đảo và các thể chế xã hội, chính trị và kinh tế phức tạp như Ấn Độ, kế hoạch “terra nullius” (lãnh thổ vô chủ) theo kiểu đế quốc không thể áp dụng được ở Ấn Độ, và kết quả là Công ty Đông Ấn đã không đạt được mức độ kiểm soát tài nguyên đất đai và lao động như ở các cộng đồng định cư Anh tại Canada, Úc, New Zealand, Cape và Caribbean.

Ấn Độ là một “thuộc địa khai thác”, chứ không phải là một khu định cư; giá trị của nó đối với Công ty Đông Ấn chủ yếu nằm ở lợi nhuận có thể kiếm được bằng cách kiểm soát thị trường nội địa và thương mại quốc tế, chiếm đoạt sản phẩm do nông dân làm ra và trên hết là thu thuế. Những khoản thuế này là để chi trả cho cả một đội quân thường trực lớn, và một đội ngũ nhân viên Công ty Đông Ấn, cũng như các công chức có cam kết làm việc ở Ấn Độ, nhưng cuối cùng không định cư ở đó.

Những rắc rối về mặt tài chính cùng những tai tiếng về việc lạm dụng quyền lực cuối cùng đã khiến Anh phải tìm cách kiểm soát trực tiếp Công ty Đông Ấn.

Năm 1773, chính phủ Anh đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh nhằm kiểm soát công ty. Tài sản của công ty ở Ấn Độ sau đó được quản lý bởi một thống đốc người Anh, và dần dần nó mất đi quyền tự chủ về chính trị lẫn kinh tế. Những đạo luật của Quốc hội vào năm 1813 đã chấm dứt độc quyền thương mại của Công ty Đông Ấn, và vào năm 1834, nó được chuyển đổi thành một cơ quan quản lý thuộc địa của Anh ở Nam Á.

Năm 1857, một cuộc nổi dậy của binh lính Ấn Độ trong quân đội Bengal của công ty đã lan rộng và phát triển thành một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ ách thống trị của Anh ở Ấn Độ. Cuộc khởi nghĩa này còn được biết đến với tên gọi Cuộc Khởi nghĩa Xipay, sau khi nó bị đàn áp vào năm 1858, chính phủ Anh nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với Ấn Độ.

Đến năm 1874, công ty chỉ còn là cái bóng của một thời đã qua và đã bị giải thể.

Đến lúc đó, Công ty Đông Ấn đã nhúng tay vào mọi thứ từ việc khiến Trung Quốc sa vào thuốc phiện (Công ty trồng thuốc phiện ở Ấn Độ, sau đó xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc để đổi lấy hàng hóa mà họ muốn có được từ nước này) đến việc buôn bán nô lệ quốc tế (họ đã tiến hành các cuộc săn tìm nô lệ, vận chuyển nô lệ và sử dụng lao động nô lệ trong suốt thế kỷ 17 và 18).

Công ty Đông Ấn có thể đã bị lu mờ bởi chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhưng tàn dư mà nó để lại vẫn còn hiện hữu trên khắp thế giới.

Nguồn:

https://www.nationalgeographic.com/culture/topics/reference/british-east-india-trading-company-most-powerful-business/