Trong cuốn sách mới xuất bản “Chúa Jesus trông như thế nào?” (What did Jesus look like?), học giả Joan Taylor - Giáo sư chuyên về nguồn gốc Kitô và Do Thái giáo, cho rằng ngoại hình của Ngài có thể rất khác so với những mô tả trong tranh ảnh hiện đại.
Các Phúc Âm trong Kinh Thánh phát biểu rằng Chúa Jesus là người Do Thái, sinh vào khoảng năm 4 TCN tại Bethlehem, sống một thời gian ngắn lúc nhỏ tại Ai Cập, trước khi chuyển đến Nazareth. Tuy nhiên, các ghi chép này hoàn toàn không hề đề cập đến ngoại hình của Chúa, ngoại trừ một vài chi tiết tham khảo về trang phục của Ngài và các môn đồ.
Trong khi đó, cả Moses (nhà tiên tri dẫn dắt dân tộc Do Thái) và David - người hùng giết chết gã khổng lồ Goliah, đều được mô tả như những người đàn ông rất đẹp trong Kinh Hebrew của Do Thái giáo. Ngoài ra, các mô tả nghệ thuật sớm nhất về Chúa Jesus chỉ xuất hiện khoảng 2 thế kỷ sau khi Ngài mất, và cũng có rất ít thông tin khả tín về ngoại hình chính xác của Ngài - Taylor viết trong cuốn sách.
Giáo sư Joan Taylor, chuyên nghiên cứu về nguồn gốc Kitô và Do Thái giáo tại King's College London.
Để có một vài ý tưởng về khuôn mặt Chúa Jesus, Taylor đã tìm tới ngành khảo cổ học và đọc những văn bản cung cấp manh mối về sự cư trú của người Do Thái tại Judea và Ai Cập trong thời đại của Ngài. Bà cũng nghiên cứu những hình ảnh được khắc trên các đồng xu và hình vẽ trên những xác ướp Ai Cập.
Một người đàn ông tóc ngắn, tầm thước
Theo Taylor, Chúa Jesus không hẳn đã cao lớn vượt trội so với những người dân vùng Judea. Dựa trên kết quả đo đạc từ nhiều bộ xương người cổ sinh sống trong khu vực, bà ước tính chiều cao của Ngài vào khoảng 1,7m - mức trung bình của đàn ông thời kỳ đó.
Taylor cũng phát hiện ra người Judea và Ai Cập thường có mắt nâu, tóc đen và da màu ôliu (nâu), dựa trên những di tích khảo cổ và văn bản lịch sử còn sót lại, cùng những hình vẽ miêu tả trên các xác ướp Ai Cập. Đã có những sự giao thoa nhất định giữa người Judea và người châu Âu (có làn da sáng hơn), cũng như với người Sudan và Ethiopia (da sẫm màu hơn). Tuy nhiên, do người Do Thái ở Judea và Ai Cập thường có xu hướng kết hôn trong nội bộ, cho nên màu da, mắt và tóc của Chúa Jesus có thể cũng giống như phần đông dân Do Thái trong khu vực.
Một số văn bản khác cũng phát biểu rằng rất khó để phân biệt về mặt thể xác giữa người Do Thái ở Ai Cập với các sắc dân khác vào thời của Chúa Jesus.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng chỉ ra người Judea thường hay để tóc ngắn, chải kỹ và cạo râu, một phần là để tránh chấy rận - một vấn đề phổ biến vào thời kỳ đó. Vì vậy, Taylor suy luận: Chúa rất có thể cũng duy trì thói quen đó khi tự dùng dao để cắt tóc và cạo râu - kỹ năng mà người cổ xưa thường khéo léo hơn bây giờ.
Theo nghiên cứu của Joan Taylor, Chúa Jesus có thể là một người tầm thước, tóc ngắn, mắt nâu và da màu ô liu. Ảnh: Cathy Fisher
Phúc Âm miêu tả Chúa Jesus như một người làm nghề thợ mộc, thường xuyên đi bộ nhưng có rất ít thức ăn. Một đời sống như vậy có thể khiến cho thân hình của Ngài trở nên gầy gò, nhưng khá rắn rỏi và cơ bắp. Taylor nói: “Chúa Jesus có lẽ là một người khỏe mạnh do xuất thân lao động. Vì thế, chúng ta không nên mô tả Ngài bằng hình ảnh đặc trưng của cuộc sống nhẹ nhàng.”
Một số đặc điểm khác trên gương mặt của Chúa Jesus như miệng và má, hầu hết đều chỉ dựa trên phỏng đoán. Taylor cho rằng trên cơ thể Ngài có thể mang một vài vết sẹo hay bị tổn thương da, do đặc thù của công việc thợ mộc, tuy nhiên không có bằng chứng nào để chứng minh cho điều đó.
Taylor vẫn luôn hoài nghi về sự miêu tả ngoại hình Chúa Jesus như một người đàn ông cực kỳ đẹp trai. Tuy nhiên, nếu điều đó là thật thì những câu trong Phúc Âm và các tác giả Cơ Đốc giáo đã phải đề cập đến từ sớm, như họ đã làm với Moise và David.
Trang phục của Chúa Jesus
Cùng với những di tích khảo cổ còn sót lại, trong Phúc Âm cũng có một vài gợi ý về trang phục của Chúa Jesus. Cụ thể, Ngài hay mặc một chiếc áo len màu nâu, đeo thắt lưng và khoác thêm một chiếc áo ngoài để giữ ấm, chỉ để hở phần chân dưới đầu gối.
Đôi giày Chúa Jesus mang trông cũng giống với dép thời hiện đại. Bởi vì mua quần áo mới rất đắt, cho nên có thể Ngài đã sửa và vá trang phục rất nhiều. Trừ khi có người mang đến cho Chúa quần áo mới, còn lại những gì Ngài mặc sẽ dần cũ rách theo thời gian. “Từ trang phục của Chúa, có thể kết luận Ngài thực sự rất nghèo”, Taylor nói.
Trong số các học giả đã đọc sách của Taylor, Helen Bond - Giáo sư thần học tại Đại học Edinburgh (Scotland) và Jim West - Giáo sư chuyên nghiên cứu Kinh Thánh tại Trường Thần học Minh Hòa (Hồng Kông), đã đưa ra những bình luận khá tích cực về nghiên cứu trên.
Taylor cho biết bà mong đợi sẽ có thêm nhiều nghiên cứu khác, đánh giá chi tiết hơn về cuốn sách. Bà cũng mong sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ cố gắng tái hiện hình ảnh Đức Chúa Jesus dựa trên các phát hiện của mình, giống như nghệ sĩ Cathy Fisher đã làm.