Nữ hoàng độc dược hay bả sói là những biệt danh dùng để chỉ loài hoa Ô đầu chứa chất kịch độc làm liệt cơ xương, loạn nhịp tim, gây tử vong cho người.
Cây hoa Ô đầu có nhiều loại, phổ biến như Aconitum napellus,
Aconitum fortunei. Trong đó, Aconitum napellus thường mọc ở vùng sườn núi
châu Âu, còn Aconitum fortunei được tìm thấy ở vùng núi Hà Giang, Lào Cai (Sa
Pa) của Việt Nam và nhiều nơi khác.
Cây trưởng thành cao khoảng 1 mét, lá cây có đường kính 5-10 cm xẻ
thành 5-7 phần, hoa có màu tím đậm hoặc hơi xanh, mũ hoa hẹp dài hình cái mũ.
Vì có hình hài hoa như vậy nên Ô đầu còn được gọi là “khăn đội đầu của thầy
tu”.
Cây hoa Ô đầu chứa một loạt hóa chất có độc tố cao như aconitine,
mesaconitine, hypaconitine và jesaconitine. Nếu hái lá cây mà không dùng găng
tay, chất aconitine có thể xâm nhập vào cơ thể người một cách dễ dàng qua da.
Chất độc trên cây Ô đầu tập trung đậm đặc nhất ở phần quả của cây,
ngay cả cánh và mật hoa cũng chứa chất độc. Khi trúng độc tố của cây Ô đầu có
thể làm tứ chi bị tê bì, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, nếu đủ
liều có thể gây tử vong.
Tương truyền thời kỳ Hy Lạp cổ đại, những người chăn cừu đã biết lấy
chất độc từ cây Ô đầu để tẩm vào mũi tên bắn chết chó sói. Cho nên cây hoa này
còn được biết đến với cái tên là cây bả sói.
Thời kỳ đế quốc Roma cổ đại, người ta còn dùng chất độc của cây Ô
đầu để chống lại tội phạm và kẻ địch. Ở châu Âu, đây có lẽ là một trong những
loài hoa đẹp nhưng độc nhất nên còn được tôn phong là “nữ hoàng độc dược”.
Với một lượng 20 – 40 ml chất độc từ cây Ô đầu có thể gây ngộ độc
dẫn đến tử vong trong vòng 2 – 6 tiếng trúng độc. Còn nếu liều lượng lớn hơn thì có
thể gây tử vong ngay. Chất độc của Ô đầu cũng từng được người Eskimos sử dụng
để săn cá voi. Thậm chí phát xít Đức từng dùng chất độc của cây Ô đầu để làm
đạn độc.
Tuy chứa chất kịch độc nhưng cây Ô đầu lại được sử dụng làm dược
liệu trong việc bào chế thuốc trong chữa tim, chống viêm, xoa bóp khi nhức mỏi
chân tay, khớp.
Văn Biên (tổng hợp)