Nét văn hóa vẽ một chấm màu đỏ trên trán của nhiều phụ nữ Ấn Độ bắt nguồn từ truyền thống của người theo đạo Hindu. Tuy nhiên, hình thức này đã dần thay đổi theo thời gian. Hiện nay, các chấm tròn được vẽ với nhiều màu sắc khác nhau hoặc sử dụng đồ trang sức để thay thế.

Ý nghĩa của chấm đỏ trên trán

Một dấu chấm nhỏ nằm ở trung tâm của trán gần với lông mày là hình trang trí phổ biến của phụ nữ tại khu vực Nam Á – đặc biệt ở Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Mauritius. Dấu chấm được gọi là bindi với ý nghĩa “một giọt, hạt nhỏ, dấu chấm”. Có nguồn gốc từ tiếng Phạn ‘bindu’, từ ‘bindi’ được liên tưởng đến con mắt thứ ba huyền bí của con người.

Theo truyền thống của người theo đạo Hindu cổ xưa, màu đỏ của bindi tượng trưng cho danh dự, tình yêu và sự thịnh vượng.Dấu chấm đỏ cũng biểu thị lòng mộ đạo, nhắc nhở mọi người luôn giữ hình ảnh của các vị thần tối cao trong suy nghĩ. Tuy nhiên, bindi cũng có thể mang màu sắc khác hoặc dùng đồ trang sức để thay thế. Nhiều người liên tưởng bindi màu đỏ với một thực hành cổ xưa, đó là hiến tế máu nhằm xoa dịu các vị thần.

Một điều thú vị là trong xã hội Aryan cổ đại, chú rể sẽ vẽ một tilaka [một nét dài và thẳng] trên trán của cô dâu để biểu thị người phụ nữ đã kết hôn. Nghi thức vẽ bindi trên trán của phụ nữ Ấn Độ hiện nay có thể là sự mở rộng của truyền thống này.

Khi một cô dâu Ấn Độ bước qua ngưỡng cửa nhà chồng trong bộ trang phục lấp lánh, đồ trang trí cũng như chấm đỏ trên trán, cô được xem là người bảo hộ cho sự thịnh vượng và nòi giống của gia đình nhà chồng. Ngoài ra, nếu một phụ nữ Ấn Độ gặp điều bất hạnh khi trở thành góa phụ, cô sẽ ngừng vẽ bindi hoặc ngừng đeo các đồ trang trí trên trán.

Sau khi kết hôn, người phụ nữ nào quên vẽ bindi thì ngay lập tức sẽ bị các thành viên trong gia đình và họ hàng quở trách, bởi vì họ cho rằng đây là hành động cố ý lừa dối chồng. Thậm chí những người khác còn có thể hoài nghi không biết chồng của người đàn bà này còn sống hay không.

Ảnh: Wikimedia

Nhiều người cho rằng, khu vực giữa lông mày là vị trí của luân xa thứ sáu (ajna), hoặc con mắt thứ ba – nơi ẩn giấu trí thông minh và sự sáng suốt của con người. Theo giáo phái Mật Tông, năng lượng tiềm ẩn sẽ vận động đi lên từ đáy cột sống hướng về phía đầu trong quá trình thiền định, và luân xa thứ sáu là lối thoát cho nguồn năng lượng mạnh mẽ này. Dấu chấm màu đỏ giữa hai lông mày được cho là giúp giữ lại năng lượng trong cơ thể và kiểm soát các mức độ tập trung khác nhau. Nó cũng tượng trưng cho sự tốt lành và may mắn.

Những người theo đạo Hindu tin tất cả mọi người đều có một con mắt thứ ba ẩn giấu bên trong. Hai con mắt vật lý giúp chúng ta nhìn thấy thế giới bên ngoài, trong khi con mắt thứ ba là con mắt trí tuệ (thần nhãn, huệ nhãn…) sở hữu những siêu năng lực mà người thường không có được.

Sự thay đổi trong thời hiện đại

Trong thời hiện đại, biểu tượng bindi đôi khi không còn mang ý nghĩa tôn nghiêm và nó được sử dụng rộng rãi như một phụ kiện làm đẹp hoặc thời trang cho phụ nữ. Theo truyền thống, dấu chấm đỏ được vẽ từ bột chu sa, nhưng giờ đây ngay cả điều này cũng đã thay đổi. Hiện nay, đa số phụ nữ theo đạo Hindu thích đeo một viên đá quý giữa trán thay vì vẽ một chấm tròn.

Theo xu hướng phát triển của xã hội, các đối tượng sử dụng biểu tượng bindi cũng được mở rộng bao gồm cả trẻ em, những cô gái chưa chồng và nam giới. Phụ nữ độc thân thường vẽ bindi màu đen, trong khi phụ nữ có chồng vẽ màu đỏ. Đôi khi phụ nữ sử dụng các màu sắc khác nhau để phù hợp với trang phục họ đang mặc. Một số đàn ông Ấn Độ hiện đại tự vẽ chấm tròn trên trán vào những dịp quan trọng, chẳng hạn như tiến hành nghi lễ thờ phụng, đám cưới, lễ hội.

Nhiều bậc cha mẹ tại Ấn Độ vẽ thêm cho con mình một dấu chấm đen trên trán. Họ lo ngại rằng nếu con cái của họ trông khỏe mạnh và thông minh thì dễ dàng bị ma quỷ để ý, có thể gặp phải những điều bất hạnh hoặc thậm chí bị chết yểu. Vết chấm đen ở giữa hai mắt sẽ khiến chúng bớt vẻ đáng yêu, do đó tránh khỏi các bệnh tật, tai họa.

Phụ nữ cần luyện tập rất nhiều lần để vẽ được một chấm tròn hoàn hảo trên trán bằng tay. Nhưng hiện nay phụ nữ đang cố gắng thử nghiệm nhiều thiết kế và hình dạng bindi khác nhau. Đôi khi, bindi không còn là một chấm đỏ mà thay vào đó có hình bầu dục, hình tam giác hoặc một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ. Nó được rắc bột vàng, bạc, đính hạt và nạm đá lấp lánh.

Bindi cũng trở nên phổ biến bên ngoài khu vực Nam Á trong những năm gần đây. Nó được sử dụng như một xu hướng thời trang hoặc phong cách trang điểmcủa nhiều cô gái trẻ ở Mỹ, châu Âu. Một số đàn ông và phụ nữ theo đạo Hindu chỉ trích hành động này như một sự chiếm đoạt văn hóa [hoặc xâm hại văn hóa] của họ.

Miếng dán trên trán cung cấp iốt cho phụ nữ

Có hàng triệu người phụ nữ Ấn Độ sống ở vùng nông thôn có nguy cơ bị thiếu iốt. Nguyên nhân là do các loại cây lương thực sinh trưởng trên những mảnh đất thiếu iốt, và khoảng 1/3 số hộ gia đình không được tiếp cận với nguồn muối iốt bên ngoài. Thiếu iốt gây ra một loạt vấn đề đối với sức khỏe của phụ nữ như ung thu vú, u xơ tuyến vú và biến chứng khi mang thai.

Hầu hết phụ nữ Ấn Độ đều có mang một chấm bindi trên trán. Bắt nguồn từ thực tế này, Grey for Good – tổ chức từ thiện mới được thành lập củacông ty Grey Group(Singapore) – đã hợp tác với một tổ chức phi chính phủ Ấn Độ nhằm sản xuất một loại miếng dán bindi màu đỏ mang tên “Life Saving Dot”, tạm dịch là “Chấm đỏ cứu mạng”. Mặt sau của miếng dán bindi được phủ một lớp iốt, và nó sẽ cung cấp từ 150 đến 220 microgram iốt hấp thụ qua da mỗi ngày. Hy vọng trong thời gian tới, ý tưởng trên sẽ phát huy tác dụng như mong đợi.