Những gò đất có tuổi đời hàng nghìn năm xuất hiện tại vùng thảo nguyên nước Mỹ trở thành bí ẩn hấp dẫn các nhà khoa học.

Theo Amusing Planet, trên vùng thảo nguyên gần Olympia, Washington, Mỹ, hàng nghìn gò đất nhô lên giống như lớp vỏ bọc bong bóng khổng lồ. Charles Wilkes, nhà thám hiểm đồng thời là sĩ quan hải quân Mỹ, phát hiện những gò đất này vào năm 1841. Chúng được gọi là gò Mima. Ảnh: Flickr.

Mỗi gò Mima có lớp cỏ bao phủ phía trên với kích thước từ rất thấp cho đến cao hơn hai mét. Ban đầu, Wilkes nghĩ rằng các gò đất là mộ của người da đỏ Bắc Mỹ thời cổ đại, nhưng khi đào lên thì không tìm thấy xương. Ảnh: Wikimedia.

Các gò Mima có tuổi đời hàng nghìn năm. Đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chúng hình thành. Trong những năm qua, hàng chục giả thuyết được đưa ra liên quan đến việc hình thành gò Mima chẳng hạn như động đất, sông băng, chuột, thậm chí là người ngoài hành tinh. Ảnh: Flickr.

Gò Mima không chỉ xuất hiện ở Washington, chúng cũng được tìm thấy ở nhiều bang khác của nước Mỹ và khắp nơi trên thế giới, ngoài trừ châu Nam Cực. Hình dạng, kích thước và cấu tạo của gò đất khác nhau tùy từng khu vực. Chúng thường có hình tròn, hình bầu dục, bao gồm đất sẫm màu trộn lẫn với chất hữu cơ, than, sỏi và đá cuội nhỏ. Ảnh: Flickr.

Giả thuyết phổ biến nhất về sự hình thành của gò Mima liên quan đến gopher (chuột túi má), loài động vật gặm nhấm chuyên đào các đường hầm dưới lòng đất. Mỗi gò Mima được tạo ra thông qua nỗ lực của nhiều thế hệ gopher. Điều khó lý giải nằm ở chỗ nhiều khối đá lớn xuất hiện ở bên trong và đỉnh gò đất. Những tảng đá này quá lớn và nằm ngoài khả năng di chuyển của gopher. Ngoài ra, một số gò Mima tồn tại ở nơi loài gopher chưa từng sinh sống trong quá khứ. Ảnh: Flickr.

Một lý thuyết khác cho rằng, gò đất Mima là kết quả từ sự tích tụ vật chất bay theo gió ở xung quanh các bụi cây. Đây là điều thường thấy tại nhiều vùng đất khô cằn như sa mạc Arab, và New Mexico, Mỹ. Ảnh: Flickr.

Các gò Mima ở Washington ban đầu bao phủ diện tích khoảng 120 km2, với số lượng khoảng 900.000 cái. Nhưng việc phát triển nhà ở, xây dựng đường giao thông, canh tác nông nghiệp gần như phá hủy chúng. Số gò đất Mima còn tồn tại đang được bảo tồn. Ảnh: Flickr.