Nhờ bàn tay và khối óc tài tình của nhà thiết kế Latz cùng các cộng sự, khu công nghiệp bị bỏ hoang tại thành phố Duisburg-Meideric, miền Tây nước Đức đã trở thành công viên Landschaftspark nên thơ.
Nhóm của Latz đã rất cố gắng nhằm giữ lại nhiều nhất có thể những nét bản sắc, lịch sử của khu di tích. Ngày nay, bóng dáng sừng sững của lò luyện kim khổng lồ cùng cầu trục tại nhà máy luyện thép và than cũ vẫn đang lờ mờ hiện ra bên trên những tấm tôn rỉ sét – vốn được dùng để phủ lên khuôn trong xưởng đúc gang. Nước thải ở dòng kênh lộ thiên cũng đã được làm sạch, ngoài ra người ta còn cho xây thêm những cây cầu và lối đi bộ. Vì thế, mầm sống đang đơm chồi nảy nở ở nơi đã từng bị ô nhiễm nặng, với đồng cỏ xanh rờn cùng cây xanh rợp bóng mát. Toàn bộ công viên giờ đây là một chốn lý tưởng để tổ chức lễ hội, có lúc thu hút tới hơn 50 ngàn người.
Việc thổi hồn cho những khu di tích công nghiệp cũ kỹ, lụi tàn thực ra không phải là điều quá mới lạ. Ngay từ những năm 1860 dưới thời Napoleon III, người Pháp đã thực hiện một dự án như vậy, tạo nên công viên Parc des Buttes-Chaumont ở Đông Bắc Paris. Khu vực này trước kia vốn nằm bên ngoài địa giới Paris, là nơi hành quyết tử tù. Sau Cách mạng 1789, nó dần bị lãng quên, tràn ngập rác và nước thải, chỉ thi thoảng được lựa chọn để giết ngựa. Ngoài ra, một phần của khu vực này còn là mỏ đá vôi và thạch cao. Bằng rất nhiều tâm huyết, kiến trúc sư Jean-Charles Alphand đã tìm ra phương án biến đổi hoàn toàn khu di tích, bao gồm cho đào hồ, trồng, tạo hình bãi cỏ và các sườn đồi, … Tuy nhiên, những nỗ lực này không phải nhằm để che đậy quá khứ, mà đúng hơn là để trân trọng nó.
Trước Landschaftspark, thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc cải tạo và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các di tích công nghiệp cũ. Một trong số đó là công viên Gas Works Park ở Seatle, bang Washington (Mỹ). Khu đất rộng 19 mẫu Anh (7,6 ha) này đã từng là nhà máy khí hóa, sản xuất loại khí từ than đá sử dụng để thắp sáng, nấu nướng và làm lạnh. Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất cả nhựa, muội đèn, bánh than củi, lưu huỳnh và toluen (dùng làm thuốc nổ). Sau khi bị đóng cửa (năm 1956), nhà máy được chính quyền tiếp quản, cải tạo thành công viên và mở cửa cho công chúng từ năm 1975. Nhà thiết kế đã cố gắng giữ lại và tích hợp nhiều cấu phần của công xưởng bị bỏ hoang vào công viên mới. Chẳng hạn, khu vực nồi hơi cũ nay đã biến thành địa điểm picnic lý tưởng với những chiếc bàn và vỉ nướng BBQ; trong khi tòa nhà chứa máy nén khí chân không thì trở thành nơi vui chơi thu hút trẻ em, với một mê cung sắc màu, chứa đầy dụng cụ vẽ cho trẻ em mặc sức sáng tạo.
Một công trình khác nằm ở thành phố Gräfenhainichen, bang Saxony-Anhalt (cũng thuộc nước Đức), nơi đã từng là khu mỏ lộ thiên, còn sót lại 5 hệ thống khai thác khổng lồ – bao gồm máy xúc gàu quay, tàu cuối nhiều gàu, máy xếp chồng, … có chiếc dài tới 130 m và cao 30 m. Khi đóng cửa khu mỏ hồi đầu thập niên 1990, người ta đã tu sửa và biến nó thành một bảo tàng lộ thiên mang tên Ferropolis. Nhờ không gian khác lạ mang dấu ấn đặc trưng của thời đại công nghiệp, trong khi được bao quanh bởi những hầm mỏ ngập nước, nơi này hiện đang trở thành một địa điểm nổi tiếng cho các buổi hòa nhạc, opera và lễ hội âm nhạc ngoài trời.
Một dự án khác với quy mô cực kỳ lớn là Khu phức hợp Zollverein Coal Mine Industrial Complex (khai thác than) ở thành phố Essen, bang North Rhine-Westphalia. Đó chính là một trong những cơ sở khai thác than đá lớn nhất châu Âu, và biểu tượng của nền công nghiệp nặng Đức. Vào thời đỉnh cao, giữa hai cuộc Thế chiến, Zollverein đã từng có đến 8000 nhân công làm việc và đạt sản lượng hằng năm 3,6 triệu tấn. Nhưng sau Thế chiến II, xu hướng chuyển dịch nhu cầu năng lượng từ than đá sang dầu mỏ đã khiến sản lượng khai thác ở đây sụt giảm, cuối cùng đóng cửa vào năm 1986. Chính quyền đã tiếp quản và tìm cách bảo tồn khu mỏ, biến nó thành viện bảo tàng lịch sử, lưu giữ những dấu ấn của một trong những vùng công nghiệp lớn nhất trên thế giới.
Đây đó trên khắp thế giới, từ Tây (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, …) sang Đông (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, …), người ta vẫn đang tìm cách cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng của những di tích công nghiệp cũ, không chỉ biến chúng thành công viên, mà còn là nơi trưng bày nghệ thuật, triển lãm, nhà hàng, thậm chí cả hồ bơi hay sân băng nghệ thuật. Chẳng hạn, một tháp khí gas ở Oberhausen (Áo) ngày nay đang hoạt động như một khu triển lãm, trong khi một vài tháp khác ở thành Vienna lại được cải tạo thành khu căn hộ cho người sinh sống. Hay Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Tate Modern Art Gallery ở phía Nam sông Thames (London) trên nền của một nhà máy phát điện cũ cũng là một ví dụ nổi tiếng.
Đó thực sự là những nỗ lực đặc biệt, khiến tổ chức UNESCO đã không thể không đưa chúng vào danh sách World Heritage Sites (di sản thế giới) năm 2001. Trong thông báo vinh danh, UNESCO viết: “Những công trình chuyển đổi mang đậm tính thích nghi, giàu cảm quan và trí tưởng tượng, đã cố gắng giữ lại và duy trì sức sống của nhiều hạng mục quan trọng, khiến các mối liên hệ tương quan vẫn hiện ra một cách rõ ràng và logic.”
Có thể thấy các quốc gia công nghiệp phát triển lâu đời như Âu – Mỹ, Nhật Bản, và cả những thế lực công nghiệp mới (Hàn Quốc, Đài Loan, …) thường rất có ý thức trân trọng các di sản của thời công nghiệp hóa. Vì lý do đó, họ hay tìm cách bảo tồn, cải tạo và chuyển đổi mục đích sử dụng của những nhà máy bỏ hoang, biến chúng thành công viên, bảo tàng nghệ thuật, … thay vì “dễ dãi” để cho các tập đoàn bất động sản thôn tính vì mục tiêu lợi nhuận. |