Sự thiếu rõ ràng giữa hai khái niệm “tác phẩm kiến trúc” và “công trình xây dựng” trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là một phần nguyên nhân của nạn ăn cắp bản vẽ thiết kế trong kiến trúc.

Ngoài ra, theo các luật sư, một phần lỗi thuộc về chính các kiến trúc sư khi không có thỏa thuận ràng buộc trước lúc gửi bản mềm thiết kế cho đối tác.

Ngang nhiên ăn cắp thiết kế

Ngày 5/10/2017, tờ Architecturaldigest đưa tin cặp vợ chồng Jason và Jadi Chapnik - sống tại Forest Hill, Toronto, Canada - đã kiện cặp đôi hàng xóm là Eric và Barbara Ann Kirshenblatt vì ăn cắp một vài điểm trong mẫu thiết kế ngôi nhà trị giá nhiều triệu đôla của họ khi sửa nhà, làm giảm giá trị ngôi nhà. Họ đòi bồi thường 2,5 triệu USD tiền thiệt hại. Vụ kiện kéo dài 3 năm đã kết thúc bằng một thỏa thuận bí mật.

Jasson và Jodi Chapnick cho biết: “Rất nhiều tài năng, nỗ lực, thời gian, sự quan tâm và cả tiền bạc đã được đổ vào việc thiết kế, xây dựng ngôi nhà độc và đẹp trong suốt 7 năm. Thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp chúng tôi tạm yên lòng khi biết rằng điều này sẽ không xảy ra lần nữa trong tương lai”.

Ở Việt Nam, những chuyện tương tự không phải không có. Ngày 19/8/2017, trên trang Facebook cá nhân, kiến trúc sư Đào Hưng - người nổi tiếng với biệt danh “Kiến trúc sư cứu nhà ống” - bày tỏ sự bức xúc vì ảnh thiết kế công trình thuộc Công ty CP kiến trúc AHL của ông - đã bị Công ty CP kiến trúc Kopa lấy và “đóng dấu đàng hoàng trên ảnh - điều mà ngay cả AHL còn không làm” - rồi giới thiệu trên website của họ.

Giới kiến trúc sư Việt Nam đều chung nhận định, những sự việc như thế này không hiếm. Theo ông Đào Hưng, các đơn vị vi phạm thường “úp mở”, "đánh lận con đen".

Ảnh công trình kiến trúc của ông Đào Hưng bị Công ty Kopa đóng dấu -theo phản ánh của ông. Ảnh: FB
Ảnh công trình kiến trúc của ông Đào Hưng bị Công ty Kopa đóng dấu -theo phản ánh của ông. Ảnh: FB

Đồng tình với nhận định này, bà Đậu Thị Quyên - người sáng lập và là Tổng Giám đốc của Trung tâm Tư vấn quản trị tài sản trí tuệ Việt Nam (VIPMAC) - cho biết: “Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp liên quan đến tranh chấp bản quyền trong lĩnh vực thiết kế, chủ yếu là đối với “tác phẩm kiến trúc” như bản vẽ, tài liệu thiết kế, chứ không phải liên quan đến công trình xây dựng đã được hoàn thành. Bản quyền trong lĩnh vực kiến trúc khá phức tạp do hành lang pháp lý chưa rõ. Luật Sở hữu trí tuệ hiện còn mập mờ khái niệm giữa “tác phẩm kiến trúc” và “công trình xây dựng”. Công trình xây dựng trên thực tế không còn là tác phẩm kiến trúc trên bản vẽ đơn thuần nữa, mà có sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân như kiến trúc sư, nhà đầu tư, chính quyền... và chứa rất nhiều chi tiết đòi hỏi sáng tạo gồm nội thất, ngoại thất, bố trí không gian, ánh sáng, các chi tiết kỹ thuật, hoa văn, trang trí...Do vậy mà tình trạng vi phạm bản quyền trong giới kiến trúc hiện rất phổ biến”.

Theo ông Hưng, thực tế trong công việc và giao dịch vẫn còn rất nhiều lỗ hổng khiến tâm huyết của các kiến trúc sư dễ bị xâm phạm. “Tôi nhận thấy một vài bất cập ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tác giả của thiết kế. Thứ nhất là ăn cắp thông tin thiết kế qua các trang mạng nhằm lừa đảo khách hàng. Thứ hai, các ban quản lý dự án thường yêu cầu đơn vị thiết kế gửi bản CAD để tiện việc phê duyệt thiết kế điều chỉnh, và đương nhiên không có thỏa thuận nào về việc bảo vệ tác quyền của đơn vị thiết kế. Bản mềm có gần như đầy đủ phương án thiết kế và rất dễ bị ban quản lý dự án bán cho nhiều khách hàng. Thứ ba là việc gửi bản vẽ cho nhà thầu chào giá, nhưng không ký hợp đồng bảo mật thông tin”.


Cần có điều kiện ràng buộc

Phần lớn các kiến trúc sư ở tình cảnh như ông Hưng không áp dụng biện pháp mạnh nên tại Việt Nam, số vụ kiện liên quan tới bản quyền thiết kế còn khá ít. Với trường hợp của ông Hưng, luật sư Quyên gợi ý: “Kiến trúc sư cần chứng minh những bức ảnh thiết kế đó thuộc sở hữu của mình, chính anh là người sáng tạo ra nó chứ không phải công ty nội thất kia. Việc này khá đơn giản vì anh thường có bản thảo cũng như bản gốc thiết kế, nếu còn lưu chứng. Khi chứng minh được quyền sở hữu, anh có thể yêu cầu công ty kia tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ về bản quyền, xin phép, trả nhuận bút, thù lao, chấm dứt việc sử dụng và bồi thường thiệt hại nếu có”.

Còn với các tình huống dễ vi phạm do gửi bản mềm thiết kế mà ông Hưng nêu ra, luật sư Quyên cho rằng: “Chính các tác giả, chủ sở hữu phải hành động ngay từ đầu bằng cách thiết lập các thỏa thuận bảo mật, biên bản giao nhận, cam kết không sử dụng tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả hoặc khi hai bên chưa thống nhất phương án hợp tác. Khi gửi đi một sản phẩm chứa hàm lượng thông tin và óc sáng tạo của mình, đừng quên gửi đi các biện pháp bảo vệ nó, yêu cầu bên nhận thông tin phải thực thi. Nếu không có bất kỳ thỏa thuận bảo vệ tác quyền nào thì hoàn toàn không có cơ sở vững chắc để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, đồng thời còn tạo điều kiện cho sự vi phạm của bên nhận thông tin”.

Luật sư Trần Thị Tám thuộc Công ty luật Ipcom gợi ý thêm: “Kiến trúc sư cần thỏa thuận được với đơn vị thầu về bảo mật và sử dụng bản thiết kế kiến trúc (nếu có) trong trường hợp bên thiết kế không được lựa chọn”.