Hơn 1.950 vệ tinh đang hoạt động quanh Trái đất và sẽ còn nhiều vệ tinh hơn nữa sớm ra nhập quỹ đạo.

Các nước có vệ tinh thời điểm năm 2016 | Nguồn: UCS
Các nước có vệ tinh thời điểm năm 2016 | Nguồn: UCS

Giá thành hạ và sự cạnh tranh ngày càng tăng đã dẫn đến số vệ tinh thương mại trên quỹ đạo Trái đất ngày càng nhiều. Không như các chương trình không gian quốc gia, những vệ tinh này không bị giới hạn bởi lãnh thổ.

Trong khi một số nước vẫn tiếp tục quan sát không gian qua lăng kính quân sự thì những chương trình cộng tác kiểu Trạm Vũ trụ Quốc tế đã đưa các quốc gia gần nhau hơn để mở rộng hiểu biết về không gian. Tinh thần hợp tác này cũng đang tạo ra một loại hình kinh doanh mới nhằm khai thác tiềm năng chưa được khám phá của ngành vũ trụ.

Cuộc đua không gian mới

Những nỗ lực đầy tham vọng của tư nhân đang tập trung vào phát triển các hoạt động khai thác nguyên liệu từ không gian hay du lịch trả phí để trải nghiệm cảm giác ngoài khí quyển Trái đất.

Kinh doanh cũng bùng nổ khi ngày càng nhiều công ty tư nhân chào hàng khả năng phóng vệ tinh cho các khách hàng tư nhân cũng như các chính phủ. Điều đó giúp lan rộng công nghệ vệ tinh đến những quốc gia nghèo hơn và không có chương trình không gian của riêng mình.

Cơ sở dữ liệu vệ tinh UCS của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Các nhà khoa học liên quan (Union of concerned scientists) chỉ ra rằng tính đến tháng 11/2018, Mỹ đã có 830 vệ tinh được đăng ký nằm trên quỹ đạo. Con số này vượt quá tổng số vệ tinh của các nước còn lại trong Top 10. Trung Quốc đứng thứ hai với 280 vệ tinh, theo sau là Nga với 147 vệ tinh.

Các quốc gia có nhiều vệ tinh nhất trong không gian | Nguồn: UCS
Các quốc gia có nhiều vệ tinh nhất trong không gian | Nguồn: UCS

Đáng ngạc nhiên, Luxembourg có nhiều vệ tinh vận hành hơn cả những nước lớn khác ở Châu Âu như Đức, Tây Ban Nha và Ý. Quốc gia này gần đây đã ra mắt Cơ quan Vũ trụ Luxembourg (LSA) - một tổ chức không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu hoặc triển khai, mà đóng vai trò thúc đẩy hợp tác giữa các thành phần chủ chốt trong ngành vũ trụ nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mục tiêu không gian thương mại của họ.

Hiện nay, số lượng vệ tinh thuộc sở hữu của các công ty đã vượt xa quân đội. Điều này phản ánh xu hướng khu vực tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào công nghệ vũ trụ.

Quản lý đến biên giới cuối cùng

Các hoạt động không gian mang tính thương mại nổi lên đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ vệ tinh cho tất cả mọi người, đồng thời thúc đẩy cuộc đua khởi nghiệp cho những kẻ muốn gia nhập thị trường.

Nhưng việc vội vàng đưa thêm những thiết bị cứng vào quỹ đạo cũng có nhược điểm. Các mảnh vỡ quỹ đạo, hay còn gọi là rác vũ trụ, có thể trôi dạt nhiều năm và là mối nguy hiểm tiềm tàng cho các vệ tinh khác. Chúng ta đã có một số vụ va chạm vô cùng hao tốn, hậu quả là có nhiều mảnh vụn hơn lan đi khắp không gian.

Các mảnh vỡ quỹ đạo là mối nguy hiểm lớn quanh Trái Đất | Minh họa: iStock
Các mảnh vỡ quỹ đạo là mối nguy hiểm lớn quanh Trái Đất | Minh họa: iStock

Một vấn đề tiềm tàng khác là nhiễu tần số vô tuyến. Khi các vệ tinh quá gần nhau và truyền trên cùng một tần số, tín hiệu liên lạc có thể bị méo hoặc thậm chí bị cố tình chèn nghẽn. Nếu việc gián đoạn tín hiệu TV có thể chỉ gây ra bất tiện, thì việc mất dữ liệu khoa học hoặc can thiệp vào vệ tinh quân sự có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Để đảm bảo tính bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài vũ trụ, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Sử dụng Hòa bình Không gian Vũ trụ (COPUOS) đang soạn thảo lại bộ hướng dẫn về tính bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài vũ trụ. Các công ty, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có nhiệm vụ cải thiện hoạt động quản trị không gian, bao gồm cả việc giúp ngành công nghiệp này nhận ra tiềm năng to lớn của mình một cách có trách nhiệm.

Nguồn:

WEF