Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh mối quan hệ giữa đào tạo âm nhạc và xử lý âm thanh, nhưng không làm rõ liệu sự phát triển vượt trội về âm thanh là kết quả của việc đào tạo âm nhạc hay khả năng thính giác tự nhiên khiến họ cảm thụ âm nhạc tốt hơn.

Âm nhạc có tác dụng lớn đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc tăng kỹ năng ngôn ngữ. Ảnh: Woombie
Âm nhạc có tác dụng lớn đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc tăng kỹ năng ngôn ngữ. Ảnh: Woombie

Trong nghiên cứu mới của Đại học Washington (Mỹ), các nhà khoa học quan sát 39 trẻ sơ sinh và cha mẹ 12 buổi mỗi tháng, mỗi buổi 15 phút. 20 trẻ được nghe nhạc khi ngồi cùng cha mẹ và nghe giai điệu trống khi chơi bóng; 19 bé khác chơi đồ chơi nhưng không nghe nhạc.

Kết quả, não các bé nghe nhạc hoạt động nhiều hơn ở các khu vực liên quan tới mô hình phát hiện. Đây là một kỹ năng quan trọng khi học ngôn ngữ.

Christina Zhao - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Nghiên cứu trên trẻ sơ sinh cho thấy việc nghe một nhịp điệu âm nhạc có thể cải thiện khả năng phát hiện và đưa ra dự đoán về nhịp điệu trong lời nói. Điều này có nghĩa, ngay từ đầu, cảm thụ âm nhạc có thể tác động tới kỹ năng nhận thức. Với cả hai nhóm trẻ, chúng tôi đều tạo những trải nghiệm đòi hỏi sự tập trung và chuyển động cơ thể. Đây là những yếu tố giúp con người nhận thức”.

Khi chụp quét não các em bé vào cuối tháng, các nhà nghiên cứu muốn xem sự khác nhau giữa chúng nên đã cho các bé nghe lời nói và âm nhạc có sự gián đoạn. Kết quả là não của trẻ nhóm nghe nhạc có sự phản ứng mạnh mẽ hơn ở khu vực thính giác và vỏ não trước trán - vốn liên quan tới việc kiểm soát sự chú ý và phát hiện các mô hình.

“Việc cải thiện khả năng nhận thức mô hình có thể ảnh hưởng lâu dài tới học tập. Nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta rằng tác động của âm nhạc rất to lớn. Cảm thụ âm nhạc có thể tăng cường kỹ năng nhận thức, giúp trẻ tăng khả năng phát hiện, dự đoán và phản ứng nhanh với các mô hình. Những điều này rất quan trọng trong việc giúp trẻ hiểu biết về thế giới phức tạp ngày nay” - TS Patricia Kuhl - đồng tác giả nói.