Hơn ba tấn lươn nhớt đổ từ một xe tải xuống đường cao tốc ở bang Oregon, Mỹ, nhớt do chúng tiết ra phủ đầy những chiếc xe đi qua.
Những con lươn nhớt rơi xuống từ một chiếc xe tải trên đường cao tốc 101 ở Oregon hôm 13/7, gây ra tai nạn liên hoàn cho 5 chiếc xe và phủ đầy nhớt lên những xe khác, theo Live Science. Trên thực tế, sinh vật không phải thuộc loài lươn mà thuộc loài cá mù (hagfish). Loài cá thời tiền sử sống ở đáy biển này sử dụng chất nhờn để xua đuổi động vật săn mồi.
Lươn nhớt được thu thập từ thành phố Newport Bayfront ở vùng ven biển Oregon và chất trong các container xếp trên chiếc xe tải bị lật nhào, theo Cari Boyd, trung úy ở sở cảnh sát Oregon. Điểm đến cuối cùng của số lươn nhớt trên là Hàn Quốc, nơi chúng được xem như một món đặc sản.
|
Chất nhầy của lươn nhớt phủ kín một chiếc xe hơi. Ảnh: RT. |
Tuy nhiên, khi lái xe tới gần công trường thi công trên đường, tài xế không kịp phanh khiến xe bị lật và toàn bộ 3.400 kg lươn nhớt văng khỏi xe. Sau tai nạn, các công nhân buộc phải phong tỏa đoạn đường để làm sạch nhớt dính.
Lươn nhớt là loài cá không răng tồn tại từ thời khủng long và trải qua rất ít thay đổi trong 300 triệu năm qua, theo William O'Connor, nhà sinh vật học làm việc cho công ty tư vấn môi trường Ecofact Environmental Consultants Ltd. ở Ireland, một chuyên gia về loài lươn. Sinh vật hình dáng kỳ lạ thuộc họ Agnatha, có nhiều điểm giống cá mút đá.
Lươn nhớt đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp tái tạo chất dinh dưỡng và cung cấp thức ăn cho nhiều động vật. Chúng không phải loài nguy cấp nhưng số lượng đang giảm dần do tình trạng khai thác quá mức làm thức ăn và lấy da, Douglas Fudge, nhà sinh vật học và chuyên gia lươn nhớt ở Đại học Chapman, California, Mỹ, cho biết.
Khi gặp nguy hiểm, lươn nhớt phun nhớt nghẽn mang của cá ăn thịt. "Chúng được tìm thấy ở vùng biển sâu có phần đất nền mềm và thường vùi mình dưới đáy biển để trốn các loài săn mồi, nhờ đó chúng không cần phải sản sinh nhớt. Trường hợp xảy ra trên đường cao tốc là vấn đề khác", O'Connor nói.
Việc bị văng ra đột ngột khỏi xe tải chắc chắn đã kích hoạt cơ chế phun nhớt. Chúng thường tiết ra nhớt để tự vệ trước loài săn mồi, nhưng chúng cũng làm vậy khi căng thẳng. Và đổ chồng chất trên đường cao tốc có thể xem như một mối căng thẳng với lươn nhớt, Fudge cho biết.
Chất nhớt sinh ra từ các tuyến chạy dọc chiều dài cơ thể lươn nhớt. Chất nhớt này là hỗn hợp của dịch nhầy và sợi protein đóng vai trò như những sợi chỉ nhỏ. Các sợi chỉ duỗi ra, trong khi dịch nhầy hấp thụ nước, tạo ra một mạng lưới 3D lớn hơn gấp 10.000 lần thể tích ban đầu, theo Ryan Kincer, kỹ sư vật liệu thuộc Hải quân Mỹ.
Tại Oregon, các nhà chức trách dọn chất nhớt trên đường bằng nước và vòi phun áp suất cao. Chất nhớt không tan rã trong nước nhưng nhờ cấu tạo dạng sợi, áp suất từ vòi phun có thể đẩy nhớt chảy xuống một rãnh cống.