Nếu không thể trả lời được những câu hỏi hóc búa của nàng Turandot, chàng hoàng tử xứ Tartary sẽ không còn được thấy ánh bình minh….

3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ ‘Ngàn lẻ một ngày’

(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Câu chuyện về nàng Turandot nằm trong bộ sưu tập truyện Ba Tư cổ “Les Mille et un jours” (“Ngàn lẻ một ngày”) nhưng đó không phải là bộ “Ngàn lẻ một đêm” nổi tiếng. Mặc dù “Ngàn lẻ một ngày” kém phổ biến hơn, nhưng điều đó cũng không thể làm lu mờ sự hấp dẫn của Turandot, nhất là khi nó được thiên tài soạn nhạc Giacomo Puccini chuyển thể thành một vở Opera 3 màn.

Câu chuyện diễn ra như sau:

Màn 1

Một viên quan Trung Quốc bước ra đọc thông cáo mới: “Bất cứ ai muốn cưới nàng Turandot làm vợ phải trả lời được ba câu đố của nàng. Nếu thất bại thì người đó sẽ bị chặt đầu”. Chính vì thế, kẻ cầu hôn thất bại là hoàng tử Ba Tư sẽ bị xử trảm vào thời khắc trăng lên.

Nghe được thông cáo đó, đám đông lập tức trở nên nhốn nháo, và đội cận vệ hoàng gia đã phải duy trì trật tự. Một ông già mù bị đẩy ngã, và người hầu của ông, nàng Liu, phải kêu lên cầu cứu. Một chàng thanh niên trẻ trong đám đông nghe thấy Liu, và cũng nhận ra người cha mất tích của mình: Timur, nhà vua bị phế truất của xứ Tartary.

Mừng rỡ, hoàng tử chạy tới đoàn tụ với cha, nhưng yêu cầu cha đừng gọi tên mình vì sợ sẽ rơi vào tay người Trung Quốc, những kẻ đã xâm chiếm và chinh phục xứ Tartary. Timur kể với con trai rằng, trong số tất cả những người hầu, thì chỉ có Liu là còn trung thành đi theo ông. Khi hoàng tử hỏi Liu nguyên nhân, cô trả lời rằng, đó là vì một lần hoàng tử đã mỉm cười với cô.


(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Khi mặt trăng lên, đám đông đang khóc thương bắt đầu trở nên im lặng. Hoàng tử Ba Tư bị dẫn ra pháp trường. Vị hoàng tử đẹp đến nỗi tất cả đám đông đều thương tiếc chàng, và yêu cầu Turandot miễn tội chết (“O giovinetto!”). Công chúa Turandot hiện ra, với một cử chỉ dứt khoát, yêu cầu buổi hành hình tiếp tục. Lúc này, người chưa từng diện kiến Turandot, hoàng tử xứ Tartary, lập tức cảm thấy yêu người phụ nữ đó, và gọi tên Turandot ba lần, ngay khi tiếng kêu cuối cùng của hoàng tử Ba Tư xấu số vang lên. Đám đông thét lên sợ hãi.

Kinh ngạc trước vẻ đẹp của nàng Turandot, hoàng tử xứ Tartary đã không kiềm nổi mà vọt đến chuẩn bị đánh chiếc cồng ba lần – biểu hiện của việc muốn giải ba câu đố của công chúa để cưới nàng làm vợ. Tuy nhiên chàng bị ngăn cản bởi sự xuất hiện của tam công (ba vị quan đương triều) là Ping, Pang và Pong. Họ khuyên can chàng trở về. Trong khi đó, Timur hết lòng can ngăn con. Còn nàng Liu thì vội vã kêu lên “Thưa ngài, xin hãy lắng nghe!. Những lời nói của Liu đã làm hoàng tử cảm động, nhưng chàng vẫn quyết tâm dấn thân vào thử thách. Tam công cố gắng khuyên can hoàng tử một lần nữa trong vô ích…

Chàng gọi tên nàng Turandot ba lần, và ba lần, Liu, Timur và tam công kêu lên “Cái chết!”. Đám đông thì nhất loạt nói “Chúng tôi đã đào xong mộ chàng!”. Hoàng tử xứ Tartary chạy tới đánh vào chiếc cồng ba tiếng, và từ trên ban công, nàng Turandot hiện ra, chấp nhận thử thách.

Màn 2

Cảnh 1: Hoàng cung, trước khi mặt trời mọc

Ping, Pang và Pong với cương vị là tam công, phải thực hiện tất cả các nghi thức hoàng gia cần thiết. Họ chuẩn bị cho cả một lễ cưới và một lễ tang… Trong thời khắc đó, Ping chợt cảm thấy nhớ quê nhà của mình , nơi những cây tre bao quanh một chiếc hồ nhỏ. Pong thì nhớ lại những khu rừng mà ông đã đi qua, còn Pang hồi tưởng lại vườn cây xưa cũ. Tam công chia sẻ những hồi ức tươi đẹp khác xa với chốn cung đình, nhưng rồi lại giật mình với hiện thực khủng khiếp: họ sẽ phải đưa một chàng trai tới cái chết. Khi những tiếng kèn vang lên, tam công chuẩn bị đón tiếp hoàng đế…

3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ ‘Ngàn lẻ một ngày’

(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Cảnh 2: Hoàng cung, mặt trời mọc

Hoàng đế Altoum xuất hiện và ngồi trên ngai vàng. Mệt mỏi vì sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của con gái, ngài yêu cầu hoàng tử xứ Tartary rút khỏi thử thách nghiệt ngã này, nhưng chàng không dao động. Turandot xuất hiện, và giải thích cho những hành động của mình. Theo đó, tổ mẫu của nàng, công chúa Lo-u-Ling, đã từng cai trị đất nước trong yên bình, chống lại sự độc đoán của đàn ông, cho tới khi bà bị cưỡng bức và giết hại bởi một hoàng tử láng giềng. Turandot nói rằng nàng là hiện thân của công chúa Lo-u-Ling, và thề rằng sẽ không để bất cứ một ai sở hữu nàng.


(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Bản thân Turandot cũng yêu cầu hoàng tử rút lui, nhưng một lần nữa, chàng từ chối. Vậy là, Turandot bắt đầu với câu hỏi thứ nhất: “Cái gì sinh ra hàng đêm và chết mỗi khi bình minh tới?” Hoàng tử trả lời – “Hy vọng. Turandot bình thản hỏi câu thứ hai: “Cái gì lấp lánh ánh đỏ và ấm áp như lửa, nhưng lại không phải là lửa?” Hoàng tử nghĩ rồi trả lời – “Máu”. Lúc này, nàng Turandot bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Đám đông hò reo cổ vũ, khiến nàng càng thêm tức giận. Turandot đưa ra câu hỏi thứ ba: “Điều giá băng gì làm cho ngươi rực cháy, và ngọn lửa rực cháy đó lại làm ngươi băng giá hơn?”. Và trong khi hoàng tử đang suy nghĩ, nàng chế nhạo chàng: “Thứ băng gì làm cho ngươi rực cháy?… Tuy nhiên, chính hành động đó lại vô tình gợi ý cho chàng, hoàng tử trả lời dõng dạc: “Đó là Turandot!”

Toàn bộ đám đông cất tiếng ca ngợi chàng, còn Turandot thì quỳ xuống cầu xin cha đừng gả mình cho hoàng tử. Tuy nhiên, hoàng đế nhấn mạnh rằng lời thề nguyền phải được thực hiện, và trách nhiệm của Turandot là phải cưới chàng trai. Tuyệt vọng, Turandot kêu lên với hoàng tử: “Ngươi sẽ chiếm đoạt ta bằng vũ lực sao?. Hoàng tử nhẹ nhàng dừng Turandot lại, và nói với nàng rằng, chàng cũng sẽ đưa cho nàng một câu đố: “Em không biết tên của ta. Hãy gọi tên của ta trước khi trời sáng, và khi bình minh ló rạng, ta sẽ cam lòng chịu chết.” Turandot chấp nhận, còn hoàng đế nói với chàng trai dũng cảm rằng, ngài rất muốn gọi chàng là “con” khi bình minh tới.

Màn 3

Cảnh 1: Khu vườn hoàng gia

Sứ giả truyền lệnh của công chúa Turandot: “Đêm nay, không ai được ngủ! Nếu không, cái chết sẽ chờ đợi họ vào lúc bình minh, nếu công chúa không thể biết được tên của chàng trai nọ.”

Tam công xuất hiện và nói chuyện với hoàng tử, hứa sẽ cho chàng tiền bạc và gái đẹp nếu chàng từ bỏ Turandot, nhưng hoàng tử từ chối. Một nhóm binh lính tới, dẫn theo Timur và Liu. Có người đã nhìn thấy họ nói chuyện với hoàng tử, nên họ hẳn phải biết tên chàng. Turandot xuất hiện, yêu cầu Timur và Liu phải nói, trong khi hoàng tử giả vờ không hề quen biết họ.

3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ ‘Ngàn lẻ một ngày’

(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Sau khi binh lính đánh đập quốc vương già bị phế truất Timur, Liu đã tự nhận thay ngài rằng chỉ cô mới biết được tên hoàng tử, nhưng cô sẽ không bao giờ tiết lộ nó. Liu bị tra tấn tàn nhẫn, nhưng cô nhất quyết không hé răng. Turandot rất ngạc nhiên và hỏi Liu rằng, từ đâu mà cô có được sức mạnh đó. Liu trả lời: “Công chúa à, tình yêu!”

Turandot yêu cầu Ping tiếp tục tra tấn Liu, trong khi Liu nói với công chúa rằng: “Nàng, người bị băng giá bao phủ”, rồi nàng cũng sẽ biết được tình yêu. Nói rồi, Liu giật lấy một con dao và tự tử. Trong khi cô ngã về phía hoàng tử, đám đông kêu khóc Liu. Ông lão Timur đau đớn thống khổ cảnh báo rằng chư Thần sẽ không tha thứ cho việc này. Mọi người tản đi, chìm vào nỗi sợ hãi và xấu hổ…


(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Khi chỉ còn lại hoàng tử và Turandot, chàng nhẹ nhàng tới gần nàng, than trách nàng đã quá tàn nhẫn. Hoàng tử kéo Turandot vào lòng và hôn nàng, mặc cho sự kháng cự của công chúa. Hoàng tử thuyết phục Turandot yêu mình… Lúc đầu, công chúa rất phẫn nộ, nhưng rồi nàng thừa nhận rằng mình vừa yêu, vừa ghét chàng. Nàng nói rằng chàng đừng nên yêu cầu gì nữa và hãy ra đi, mang theo bí mật về thân thế của mình. Tuy nhiên, hoàng tử lại cho nàng biết được tên chàng: “Calaf, con trai của Timur”. Chàng đặt mạng sống của mình vào tay Turandot…

Cảnh 2: Hoàng cung, bình minh

Turandot và Calaf tới ra mắt hoàng đế. Nàng nói với vua cha rằng nàng đã biết tên của chàng: “Đó là… tình yêu!” Đám đông òa lên sung sướng, và chúc mừng hạnh phúc của họ (“O sole! Vita! Eternità)

3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ ‘Ngàn lẻ một ngày’

(Ảnh: Franco Zeffirelli)

Nhà soạn nhạc người Italia Giacomo Puccini mất vào năm 1924 ở tuổi 65, trong khi còn đang viết dở vở Opera Turandot. Gần một thế kỷ sau khi ông qua đời, những tác phẩm của Puccini vẫn còn nguyên sức hút trên sân khấu. Khúc Nessun Dorma trong vở Turandot còn được một số nhà nghiên cứu coi là khúc nhạc nổi tiếng nhất và hình mẫu của âm nhạc thế kỷ XX.

Khúc Nessun Dorma trong vở Turandot: