Theo một báo cáo được gửi đi vào thứ Hai (27/2), mạng xã hội YouTube đã chính thức vượt qua kỷ lục 1 tỷ giờ xem mỗi ngày.
Tờ WSJ cho biết sở dĩ YouTube đạt được thời lượng xem cao đến như vậy là do tối ưu hóa và nắm bắt được xu thế xem video trên các thiết bị di động. Dữ liệu từ Google từng tiết lộ rằng hiện có khoảng 60% người xem YouTube trên các thiết bị di động.
Từ năm 2012, YouTube đã thay đổi cách tính chỉ số hiệu quả từ "số lần click vào video" sang "số giờ xem video". Kể từ đó tới nay, số giờ xem mỗi ngày đã cao hơn gấp 10 lần. Trên trang blog cá nhân, đại diện của YouTube cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng thống kê lượng thời gian của một người dùng dành cho đoạn video là cách tốt hơn để tìm hiểu xem họ có thích chúng hay không."
Cũng kể từ sau khi YouTube thay đổi cách tính mức độ "hiệu quả" như trên, các video trên website này được cải thiện đáng kể về chất lượng, thay vì chỉ tìm cách "câu kéo" người xem click vào như trước đây. "Những ai muốn kiếm tiền từ YouTube phải tạo ra những video thực sự hữu ích, và thu hút cho đến giây cuối cùng", một đại diện của YouTube cho biết.
Tính năng YouTube Go cho phép lưu, chia sẻ video không cần mạng Internet đang được áp dụng tại thị trường Ấn Độ.
Với con số 1 tỷ giờ xem mỗi ngày, YouTube tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cùng lĩnh vực chia sẻ video khác, điển hình là Facebook và Netflix. Mạng xã hội Facebook theo một báo cáo vào năm 2016 chỉ đạt khoảng 100 triệu giờ xem/ngày, còn Netflix thì ở ngưỡng 116 triệu giờ xem/ngày.
WSJ cũng chỉ ra rằng YouTube gần như đang chiếm trọn "miếng bánh" thị phần xem video online tại Mỹ. Tại đây người dân xem trung bình mỗi ngày 1,25 tỷ giờ gồm các chương trình truyền hình và nội dung trực tuyến, thì riêng YouTube đã chiếm phân nửa con số này.
YouTube cũng đang đẩy mạnh phát triển tại các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ thông qua thử nghiệm dịch vụ YouTube Go, cho phép người dùng lưu và chia sẻ video mà không cần mạng Internet.
"Trong bối cảnh tập trung vào nền tảng mobile hiện nay, thị trường Ấn Độ đã giúp chúng tôi nhìn thấy tương lai của Internet. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy việc khó khăn trong hệ thống mạng của Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới", CEO Google, ông Sundar Pichai, cho biết.