Quản lý hơn 1 tỷ video và có khoảng 300.000 clip đăng tải mỗi ngày, nhưng YouTube vẫn xử lý tốt vấn đề bản quyền. Đó là nhờ chính sách, hành động về bản quyền rõ ràng, dứt khoát và đặc biệt là bộ lọc video bằng các công nghệ siêu cấp.


Phản ứng nhanh của YouTube

Tối 28/2/2016, kênh YouTube của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bị dừng hoạt động với lý do vi phạm bản quyền. Ngay sau đó, VTV đã chính thức thừa nhận cáo buộc này: “Trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung”.

Bạn sẽ phải trả giá đắt nếu cố tình vi phạm bản quyền trên YouTube. Ảnh: YouTube
Bạn sẽ phải trả giá đắt nếu cố tình vi phạm bản quyền trên YouTube. Ảnh: YouTube

Người khiếu nại khiến kênh YouTube của VTV bị đóng cửa là Bùi Minh Tuấn - giám đốc một công ty tư nhân chuyên kinh doanh xe máy ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Là người đam mê thiết bị bay mô hình có gắn camera để quay phim, chụp hình từ trên cao, ông Tuấn đã đầu tư thiết bị và công sức để có được rất nhiều hình ảnh đẹp về đất nước. Những hình ảnh này được ông đăng tải trên kênh YouTube của mình là Yamaha Trung Tá và được cộng đồng đón nhận.

Trên website cá nhân, Bùi Minh Tuấn cho biết nhiều sản phẩm của VTV sử dụng hình ảnh trong video clip của ông mà không có sự cho phép. Trong hơn 1 năm, ông đã nhiều lần gửi đơn đến VTV và nhiều cơ quan chức năng khác nhưng không được giải quyết. Ngày 2/9/2015, ông Tuấn quyết định gửi báo cáo tới YouTube. Theo quy định của trang này, sau khi nhận được phản hồi của bên thứ ba, họ sẽ gửi thư điện tử tới kênh YouTube của VTV để kênh rút các video vi phạm bản quyền.

Tháng 11/2015, ông Tuấn gửi báo cáo thứ hai và 3 tháng sau lại gửi một báo cáo nữa đến YouTube về vụ việc. Ngay sau đó, kênh YouTube của VTV bị khóa. Sau khi sự việc diễn ra, nhiều độc giả ấn tượng với việc YouTube xử lý rất nhanh gọn và dứt khoát vi phạm về bản quyền của kênh YouTube VTV, vấn đề mà các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa thể giải quyết sớm.

Công nghệ bản quyền siêu cấp

Chính YouTube cũng từng lao đao vì vấn đề bản quyền. Theo Luật Bảo vệ quyền tác giả của Mỹ, YouTube không phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm bản quyền của người dùng, miễn là công ty xóa bỏ phần nội dung vi phạm. Tuy nhiên, sau vụ bị Viacom - công ty sở hữu kênh MTV và Nickelodeon - kiện đòi bồi thường 1 tỷ USD cho “những vi phạm bản quyền có tính chủ đích” với hơn 160.000 clip từ Viacom được đăng tải trên trang này, YouTube đã phải thay đổi.

Theo chính sách mới, chỉ cần hình ảnh, âm thanh của các tác phẩm có bản quyền xuất hiện 0,5 giây trong video đăng tải trên YouTube, video đó sẽ bị chặn và phạt nặng. Vấn đề là YouTube hiện có hơn 1 tỷ video và mỗi ngày có đến 300.000 video mới được đăng tải. Làm cách nào để phát hiện, xử lý các vi phạm bản quyền vốn rất nhiều nhưng đôi khi lại rất nhỏ và tinh vi? Công nghệ “lọc” vi phạm bản quyền có tên Content ID chinh là câu trả lời.

Bộ lọc này hoạt động như sau: Tất cả video tải lên YouTube đều được quét dữ liệu và mã hóa rồi đưa vào hệ thống dữ liệu chứa thông tin về những hình ảnh, âm thanh… độc quyền mà chủ sở hữu đã đăng ký để đối chiếu. Content ID sẽ chỉ ra những đoạn hình ảnh, âm thanh… bị trùng, thậm chí là chất lượng của video nào tệ hơn video nào.

YouTube sẽ làm theo nguyện vọng của chủ sở hữu khi phát hiện hình ảnh, âm thanh của họ bị xâm phạm bản quyền: Chặn, để nguyên hay kiếm tiền từ đây.

Một số người cho rằng có thể “ăn cắp” video của người khác và tải lên YouTube nếu để chế độ ẩn, chỉ họ biết và không kiếm tiền từ video đó. Nhưng theo nhà phát triển web Nick Dynice, Content ID vẫn có thể phát hiện vi phạm và video sẽ nhanh chóng bị khóa, thậm chí tài khoản cũng bị cấm hoạt động trên Youtube.

Còn theo Durgaswaroop Perla - chuyên gia làm video trên YouTube, YouTube sẽ định kỳ kiểm tra lại các video và dù có thoát được lần kiểm tra đầu thì những lần sau, video vi phạm khó tránh việc bị phát hiện. Thêm vào đó, Content ID còn thường xuyên được nâng cấp tính hiệu quả.

Ngoài Content ID, dưới mỗi video YouTube còn để chế độ báo cáo vi phạm bản quyền. Để báo cáo, bạn nhấn report với biểu tượng lá cờ, chọn “Infringes my rights”, sau đó chọn “Infringes my copyright” và nhấn “Submit”. Chế độ này được sử dụng khi chủ sở hữu bản quyền bắt gặp những hình ảnh, đoạn nhạc của mình bị “cầm nhầm” trên YouTube. Những video bị nhấn nút báo cáo vi phạm bản quyền lặp đi lặp lại trong 6 tháng sẽ bị hạ xuống. “Bị đơn” có thể kháng cáo nếu có đủ bằng chứng video mình đăng tải là của mình.

Nếu phát hiện vi phạm bản quyền nhưng là của người khác, bạn chỉ có cách gửi thông báo cho chủ sở hữu hợp pháp để họ phản ánh lên YouTube.

Với một loạt cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả như trên, YouTube đang được lòng của rất nhiều người dùng - những người muốn bảo vệ thành quả lao động và thậm chí là kiếm tiền từ YouTube trên những thành quả đó.

Ngày 1/3/2016, YouTube thông báo đã thành lập một đội chuyên gia nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Content ID trong vấn đề chặn video vì lý do bản quyền hoặc lý do khác, cũng như trong quá trình chủ sở hữu video kháng cáo khi nội dung hoặc quyền kiếm tiền của họ trên YouTube bị lấy đi.