Từ 1/1/2017, Viettel sẽ bỏ cước roaming khi khách hàng của Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào) và mạng Viettel ở Việt Nam. Điều này có nghĩa khi khách hàng của ba mạng này gọi cho nhau sẽ chỉ là cước di động trong nước bình thường.

Chưa có khối kinh tế nào bỏ cước roaming

Năm 2013, Bộ trưởng CNTT và Truyền thông các nước ASEAN bắt đầu thảo luận về chính sách miễn cước chuyển vùng (roaming). Chính sách này có thể mở rộng áp dụng cho các dịch vụ kết nối khác trong khu vực. Lúc đó, Bộ trưởng CNTT và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring nói rằng: “Mục tiêu là công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng, khi thực hiện cuộc gọi trong phạm vi các nước ASEAN nữa”. Theo Bộ trưởng Sembiring, chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn.

Tháo gỡ rào cản về phí chuyển vùng là vấn đề được đặt ra từ khá lâu và cũng được ông Sembiring nhắc tới, trong một sự kiện hồi năm 2012. Vào thời điểm đó, ông hi vọng phí chuyển vùng có thể bị xóa bỏ trong “hai năm tới”, tức là năm 2014. Tuy nhiên, đại diện nhà mạng StarHub (Singapore) cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề nghị này và “chưa có tiền lệ về việc miễn phí cước chuyển vùng trên thế giới”. Đồng tình với quan điểm của StarHub, Markus Steingrover – Giám đốc hãng nghiên cứu Detecon Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, mục tiêu như vậy là “quá tham vọng”, ngay cả những nước châu Âu cũng chưa đưa ra yêu cầu nào như vậy.


Còn theo Nicole McCormick, nhà phân tích cao cấp tại hãng nghiên cứu Ovum, dù lý thuyết về khu vực ASEAN miễn cước roaming đáng hoan nghênh, thực tế phải mất nhiều năm mới có thể hiện thực hóa. Australia và New Zealand đã nhiều năm thảo luận về vấn đề tương tự song tới giờ vẫn chưa thành công.

Năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn thực thi nhiều chính sách nhằm đạt được mục tiêu hạ thấp mức cước chuyển vùng khu vực, ngang bằng phí chuyển vùng nội địa kể từ năm 2005. Theo tính toán, việc chấm dứt các loại phí roaming sẽ khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm 2%. Châu Âu đã trải qua nhiều năm liền thắt chặt các chính sách quản lý nhằm chấm dứt tình trạng người tiêu dùng, đặc biệt là những người thường xuyên đi công tác nước ngoài hoặc những người đi du lịch “hoảng hốt” với mức phí viễn thông sử dụng tại châu Âu.

Tuy vậy, các quan chức cho rằng về lâu dài các nhà mạng sẽ hưởng lợi với chính sách hủy bỏ phí roaming này vì người tiêu dùng sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn khi ở nước ngoài, đặc biệt là truy cập Internet. Những cải tổ này được đưa ra nhằm khuyến khích hợp nhất các nhà mạng viễn thông châu Âu.

Thông tin cho đến thời điểm này thì EU mới dừng lại ở mức tiến hành bỏ phiếu thông qua bỏ cước roaming từ sau tháng 6/2017. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa thống nhất về mức trần giá bán buôn giữa các nhà mạng để cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp - người dân.

Viettel bỏ cước roaming 3 nước Đông Dương từ 1/1/2017

Trong cam kết mới đây của Chính phủ Việt Nam với nguyên thủ các nước Lào, Campuchia để tạo điều kiện giao thương kinh tế văn hóa giữa 3 nước Đông Dương thì sẽ tiến hành bỏ cước roaming giữa 3 nước này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, tính đến thời điểm này, chưa có khối kinh tế nào tiến hành bỏ cước roaming. Thế nhưng, từ 1/1/2017, Viettel sẽ bỏ cước roaming khi khách hàng của Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào) và mạng Viettel ở Việt Nam gọi cho nhau sẽ chỉ là cước di động trong nước bình thường.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

“Thực sự trên thế giới chưa có vùng kinh tế nào thực hiện bỏ cước roaming. Ngay cả EU cũng đã bàn đến vấn đề này từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Nhiều quốc gia trong liên minh châu Âu không có biên giới cứng, nhưng khi ra khỏi biên giới thì cuộc gọi sẽ bị tính cước roaming quốc tế với mức 2 USD/phút và cước roaming data thì đắt hơn 500 lần cước data ở Việt Nam. Việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming giữa các mạng di động của mình ở Lào và Campuchia là sự kiện đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi Viettel thực hiện chính sách bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương, cái được lớn nhất là thể hiện tình cảm thiết thực, thân thiện gần gũi của 3 nước láng giềng và thúc đẩy tam giác kinh tế. Khi đó, cuộc gọi giữa 3 quốc gia này cũng giống như cuộc gọi tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp người dân liên lạc với nhau nhiều, thúc đẩy việc giao thương của người dân và doanh nghiệp giữa các nước Đông Dương.

Tổng giám đốc Viettel còn cho rằng, việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương chắc chắn sẽ tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này.