Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viettel cho hay Viettel đã lường trước được vấn đề khi nhiều ứng dụng thoại, tin nhắn miễn phí trên nền Internet xuất hiện và chuẩn bị lộ trình đưa giá dịch vụ thoại, SMS về bằng không để cạnh tranh trực diện ở sân chơi OTT.

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng (ngồi giữa). Ảnh: Việt Hải.

Trao đổi tại tọa đàm “Xu hướng ICT năm 2016” do câu lạc bộ nhà báo CNTT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 28/12 về vấn đề cuộc chiến giữa dịch vụ thoại, SMS truyền thống và OTT, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khuyến cáo: “Dịch vụ tin nhắn, thoại truyền thống giống như dùng gươm, các doanh nghiệp nước ngoài như Viber cung cấp dịch vụ OTT thì như dùng súng. Nếu cứ lấy gươm đấu với súng thì không thể nào thắng được, vì OTT là miễn phí, chất lượng ngày càng tốt. Trong khi đó dịch vụ SMS, thoại truyền thống thì chất lượng cũng chỉ xấp xỉ”.

Chính vì thế, đặt trong xu thế phát triển, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng đã đến lúc phải “dùng súng đấu với súng”. Tại nhiều nước hiện đang bỏ và chuyển dần các dịch vụ truyền thống, cho miễn phí và chỉ thu cước kết nối data. Do đó, doanh nghiệp viễn thông trong nước trước hết nên giảm dần cước thoại và tin nhắn để có thể cạnh tranh, điều chỉnh giá cước data, trở thành nhà cung cấp dịch vụ kết nối.

“Đến lúc đó mới cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài: tức là tất cả đều phải trả tiền data như nhau, trong khi đó doanh nghiệp trong nước có lợi thế gần hơn, thiết bị trên hệ thống gần với thị trường hơn nên chắc chắn chất lượng sẽ có lợi thế hơn. Còn nếu cứ bám theo dịch vụ truyền thống, không có sự chuẩn bị thì 4 - 5 năm nữa sẽ thất bại, tương tự như câu chuyện telex đấu với dịch vụ điện thoại”, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp viễn thông phải bắt kịp xu hướng đó.

Ông Hồ Chí Dũng. Ảnh: Việt Hải.

Về vấn đề này, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel Telecom cho hay: ngay từ cách đây 3 năm, Viettel đã tính sẽ dần không dựa vào thoại, SMS truyền thống nữa mà chuyển sang Digital Service – các dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục… Ông Dũng nói, trong xu thế phát triển, nếu như chiếc điện thoại trước đây người dân sử dụng chỉ có phím send cố định (để gọi điện, nhắn tin), thì hiện nay sự phát triển của smartphone đã có thêm nhiều phím ảo như like, buy hay share… để sử dụng các dịch vụ số.

“Viettel đã chuẩn bị cho lộ trình đưa giá dịch vụ thoại, SMS về bằng không”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, trao đổi tại tọa đàm, ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc VNPT cũng cho rằng đặt trong bối cảnh hiện nay, đây là xu thế chung của thế giới, do đó không thể tránh được. “Vấn đề này phải có lộ trình để chuyển dần từ thoại, SMS sang data ”, ông Cường nói.

Năm 2015 được xem là năm các nhà mạng tại Việt Nam bắt đầu trực tiếp triển khai ứng dụng thoại và nhắn tin hoạt động dựa trên nền kết nối Internet (OTT), trước những lo ngại người dùng đang có làn sóng chuyển dịch nhu cầu sử dụng thoại, tin nhắn... sang các ứng dụng miễn phí phổ biến như Zalo, Viber...

Đầu năm 2015, VinaPhone âm thầm truyền thông về dịch vụ OTT của mình với thương hiệu VietTalk. Trước đó, VinaPhone đã thử nghiệm dịch vụ này. Khi sử dụng VietTalk người dùng được miễn phí cước 3G của mạng VinaPhone. Tháng 4/2015, Viettel giới thiệu ứng dụng Mocha. Đến cuối năm 2015, Viettel tuyên bố có 2 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ này. Mocha đang được đẩy mạnh phát triển ở các thị trường nước ngoài của Viettel đầu tư, hiện tại Mocha đã có mặt tại Haiti, Mozambique Lào và Đông Timor.

Tháng 8/2015, MobiFone công bố thử nghiệm ứng dụng OTT mang tên Halo. Nếu khách hàng của MobiFone sử dụng ứng dụng Halo sẽ không phải mất phí 3G. Halo còn cho phép người dùng gọi điện cho các thuê bao không còn trực tuyến trong Halo hoặc bạn bè chưa sử dụng Halo, thuê bao cố định.

Việc nhà mạng nhảy vào kinh doanh dịch vụ OTT được cho là gây sức ép cho các doanh nghiệp đang làm OTT ở Việt Nam cũng như các OTT ngoại hiện nay. Tuy nhiên, ứng dụng OTT cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí cũng làm xói mòn doanh thu của các nhà mạng.