Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Dương Châu ở tỉnh Giang Tô đã phát triển một phương pháp mới để loại bỏ vi khuẩn ra khỏi nước vừa đạt hiệu quả cao, vừa có lợi cho môi trường.
Bằng cách chiếu ánh sáng cực tím lên tấm vật liệu hai chiều của một hợp chất gọi là graphit carbon nitride (g-C3N4), nhóm nghiên cứu có thể làm sạch 10 lít nước chỉ trong một giờ.
Thử nghiệm ban đầu cho thấy vật liệu mới tiêu diệt 99,99% vi khuẩn Escherichia coli trong một mẫu nước 50 ml với thời gian 30 phút.
Loại kỹ thuật làm sạch nước này được gọi là khử trùng quang xúc tác. Nó thường được nhắc đến như một giải pháp thay thế hấp dẫn cho các hệ thống lọc nước hiện tại, chẳng hạn như khử trùng bằng clo hoặc khử trùng ozone – cả hai đều không thân thiện với môi trường.
Cách thức hoạt động của vật liệu mới rất đơn giản. Nó hấp thụ ánh sáng ở bước sóng nhất định, làm tăng tốc các phản ứng hóa học với oxy trong nước để tạo ra những phân tử chứa oxy có khả năng phản ứng mạnh (ROS), chẳng hạn như hydro peroxide, giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Quốc Hùng (Theo Sciencealert)