“Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp không chỉ vì lợi ích của mình mà cần phải có trách nhiệm chung với xã hội, để tất cả các doanh nghiệp CNTT đều có điều kiện phát triển; đồng thời giúp người dân yếu thế, những người dân ở vùng khó khăn có điều kiện phát triển”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đặc biệt nhấn mạnh điều này tại lễ công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 của Ngân hàng Thế giới - với chủ đề “Lợi ích số” - chiều 14/3.
Bức tranh truyền thông đẹp nhờ công nghệ số
Thừa nhận những lợi ích to lớn của công nghệ số trong nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người cũng như tăng cường chất lượng quản lý sản xuất, dịch vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là công nghệ số giúp cho từng người, từng nhóm người, từng dân tộc - nhất là những nhóm người nghèo hay bị thua thiệt, yếu thế, những dân tộc, quốc gia - đang phát triển được chia sẻ, thụ hưởng và thậm chí còn đóng góp vào những thành tựu chung của nhân loại”.
“Nhờ quan điểm rất mạnh dạn, đi thẳng vào kỹ thuật số và tận dụng tất cả thế mạnh của công nghệ mới đem lại, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam mới có được như ngày hôm nay, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” - Phó Thủ tướng nói.
Điều này có thể minh chứng qua nhiều chương trình, dự án; một trong số đó có thể kể đến chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010.
Trong đó, mục tiêu cụ thể hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử; phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả.
Theo đó giai đoạn 2011-2015, trong nội bộ cơ quan nhà nước 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể được thực hiện trên môi trường mạng. 100% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, sở, ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử…
Định hướng đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Để phát triển công nghệ số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng việc tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để tạo dựng môi trường cho công nghệ số phát triển.
Trước hết, cần có môi trường pháp lý thuận lợi, cổ vũ công nghệ số phát triển, hướng tới hạn chế tiêu cực và giúp được những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa và những người nghèo có cơ hội khẳng định mình; giúp cho mỗi người dân có đầy đủ hơn phương tiện để thực hiện quyền làm chủ thực sự, nhất là với yêu cầu ngày càng cao của người dân đối với Chính phủ về việc phải sử dụng CNTT nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện tính minh bạch và mang đầy đủ trách nhiệm giải trình đối với tất cả các vấn đề của xã hội; đồng thời cung cấp tốt hơn các dịch vụ công thiết yếu.
“Các doanh nghiệp CNTT lớn ở Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, trong quá trình hoạt động không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mình mà cần phải có trách nhiệm chung với xã hội, để tất cả các doanh nghiệp CNTT đều có điều kiện phát triển; đồng thời giúp người dân yếu thế, những người dân ở vùng khó khăn có điều kiện phát triển” - Phó Thủ tướng nói về trách nhiệm của doanh nghiệp.