Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2017, có 285 ô tô nhập từ Đức. Trung bình mỗi chiếc có giá nhập khẩu là 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế). Mức giá này tăng gần gấp đôi so với giá trung bình năm ngoái, chỉ khoảng 35.517 USD (gần 800 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm thuế).
Đắt, xe sang vẫn về dồn dập
Một trong những lý do khiến giá xe nhập khẩu từ Đức về Việt Nam tăng gấp đôi, theo lý giải của các DN, chủ yếu là do lượng xe siêu sang có giá trị cao.
Đại diện của Mecerdes-Benz Việt Nam cho biết, trong hơn hai tháng đầu năm, họ đã nhập khẩu về gần 100 chiếc Maybach S400, S500 và S600. Giá của 3 mẫu xe này hiện đang được bán ra từ 7-14 tỷ đồng. Chưa kể, một số DN nhập khẩu không chính hãng cũng đưa về một lượng xe Maybach S400, S500 nữa.
Từ đầu năm, xe sang dồn dập về Việt Nam
Ngoài ra, các thương hiệu hạng sang khác của Đức cũng đưa về một loạt siêu xe có giá trị lớn. Đây có lẽ là thời điểm xe siêu sang đổ về Việt Nam nhiều nhất.
Tại Việt Nam đang có nhu cầu mạnh về xe siêu sang. Kể từ khi ra mắt (năm 2015) đến nay đã bán được hơn 100 xe Maybach S600. Lượng cầu vẫn còn nhưng hãng không đủ để cung cấp. Nhận thấy thị trường tiềm năng, hãng này tiếp tục đưa về 2 mẫu Maybach S400 và S500 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được công ty Knight Frank công bố, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 32 người so với năm trước đó. Số người siêu giàu là người sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Cũng theo Knight Frank, Việt Nam hiện có 14.300 triệu phú.
Với tăng trưởng GDP bình quân được dự báo vào khoảng 6% mỗi năm cho đến 2020, số triệu phú Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới. Hiện tại tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 170%, thuộc top nhanh nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Cạnh tranh chiều lòng nhà giàu
Đây chính là thị trường tiềm năng cho xe sang và siêu sang. Điều tra của các DN ô tô cho thấy, các triệu phú Việt Nam thường chi khoảng 3-5% giá trị tài sản của mình cho ô tô và không ngừng mua thêm xe, lên đời xe mới để thể hiện đẳng cấp.
Trong năm 2016, giới nhà giàu Việt Nam đã chi ra hơn 15.000 tỷ đồng để mua xe sang, siêu sang và siêu xe các loại.
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, có khoảng 160 "xế khủng", đủ các dòng như siêu xe, siêu sang nhập khẩu, có giá sau thuế từ 10 tỷ đến 80 tỷ đồng, đã được cấp đăng kiểm. Bên cạnh đó, gần 1.000 xe có giá bán từ 5-10 tỷ đồng cũng được người giàu xuống tiền mua.
Các DN dự báo, phân khúc xe sang và siêu sang trong năm 2017 vẫn giữ mức tăng trưởng khoảng 20% và không phải chịu tác động bởi giá xe nhập khẩu giảm về 0% vào 2018, cũng như thuế tiệu thụ đặc biệt tăng mạnh từ 1/7/2016. Số lượng khách hàng có nhu cầu về xe dung tích lớn, hạng sang và siêu sang vẫn đang tăng đều đặn.
Theo giới kinh doanh xe nhập khẩu, tốc độ mua sắm "xế khủng" của đại gia Việt tiếp tục dẫn đầu khu vực. Tốc độ tăng trưởng và độ chịu chơi của Việt Nam đang vượt Singapore, Thái Lan,...
Tại Triển lãm ô tô Quốc tế 2016 diễn ra ở TP.HCM, những mẫu xe Bentley, Mecerdes, BMW, Porsche, có giá bán từ 7 tỷ đồng trở lên đến gần 30 tỷ đồng khá đắt hàng. Chẳng hạn chiếc Maybach S600, sau thời điểm 1/7/2016, đã tăng giá từ 10 tỷ đồng lên 14 tỷ đồng do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, nhưng số lượng khách đặt mua vẫn không giảm.
Đại diện của các hãng xe như Audi, BMW, Mercerdes-Benz tại Việt Nam cho biết đang phải đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý bán lẻ và dịch vụ về các địa phương để đáp ứng nhu cầu tăng của khách hàng.
Theo cam kết với WTO, đến 2019, Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho ô tô dung tích xi lanh lớn xuống còn 52-55%. Cùng các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do khác như Nhật Bản, EU,... thuế suất thuế nhập khẩu với ô tô dung tích xi lanh lớn cũng giảm dần về mức 0% vào thời điểm 2026-2029. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại xe sang, siêu sang có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên giảm giá và thời gian tới, thị trường xe sang, siêu sang còn tăng trưởng.