Khái niệm và đặc trưng của dịch vụ truyền hình UHD
Ông Park Hee-jun, giáo sư Khoa Kỹ thuật công nghiệp và thông tin của trường Đại học Yonsei, vừa có phân tích ý nghĩa của sự ra mắt loại hình dịch vụ này tại Hàn Quốc. UHD là gì, và nó khác với loại hình dịch vụ truyền hình độ nét cao (HD) hiện nay như thế nào?
Phát sóng UHD mặt đất là dịch vụ phát sóng truyền hình được giới thiệu sau 16 năm kể từ khi loại hình phát sóng kỹ thuật số được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2001. Sự khác biệt lớn nhất là dịch vụ này cung cấp độ phân giải cao gấp bốn lần truyền hình HD hiện tại, thể hiện được tới 1 tỷ màu khác nhau thay vì 17 triệu màu như dịch vụ thông thường.
Ngoài ra, chất lượng âm thanh của hai dịch vụ cũng có sự khác biệt đáng kể. Trong khi kỹ thuật HD hiện tại chỉ sử dụng âm thanh vòm 5.1, kỹ thuật mới UHD có thể hỗ trợ âm thanh vòm 10.2, mang đến âm thanh ba chiều trung thực hơn. Thêm nữa, người xem còn có thể trải nghiệm đa dạng các dịch vụ truyền hình giao thức qua internet (IPTV) cùng các dịch vụ cảnh báo khẩn cấp bằng cách kết nối ti-vi với internet.
Kế hoạch phủ sóng truyền hình UHD tại Hàn Quốc
Truyền hình định dạng siêu rõ nét (UHD) mang đến cho người xem truyền hình cảm giác chân thực như đang có mặt tại hiện trường diễn ra sự kiện. Khi kết nối với internet, truyền hình UHD cung cấp các dịch vụ mới hỗ trợ người xem tìm kiếm những hình ảnh nhất định từ sê-ri chương trình được yêu thích, hay thưởng thức trên màn hình ti-vi đoạn clip đang xem trên điện thoại.
Đặc biệt, vào kỳ Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, khán giả sẽ có thể xem các môn thể thao hay sự kiện ưa thích vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần theo lịch phát sóng của nhà đài. Thêm nữa, ti-vi UHD còn có chức năng tự động bật để cảnh báo người dân khi có thiên tai hay tình huống khẩn cấp. Truyền hình UHD được dự báo sẽ mang tới những thay đổi sâu sắc trong hạ tầng truyền hình Hàn Quốc, hơn là những cải tiến đơn thuần về độ nét màn hình hay chất lượng âm thanh. Ông Park Hee-jun phân tích.
Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới bắt đầu phát sóng truyền hình mặt đất định dạng siêu rõ nét UHD. Điều này cho phép Hàn Quốc kiểm tra khả năng công nghệ của mình trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông, và cũng có thể đi tiên phong dẫn dắt thị trường truyền hình UHD toàn cầu. Cùng với độ phủ sóng mở rộng theo từng giai đoạn của truyền hình UHD mặt đất, công nghệ phát sóng UHD, thiết bị và bí quyết quản lý của Hàn Quốc trong lĩnh vực này có khả năng trở thành tiêu chuẩn của toàn cầu.
Từ đó, Seoul cũng có thể thu được nhiều lợi ích từ hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành công nghiệp liên quan đến truyền hình UHD. Hiện tại, Chính phủ và ba đài truyền hình lớn đã phát sóng truyền hình UHD giai đoạn I ở khu vực thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi. Trong tháng 12, tức giai đoạn II, truyền hình UHD sẽ phủ sóng tới cả những khu vực thành phố trực thuộc trung ương như Busan và tỉnh Gangwon, nơi tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Trong giai đoạn cuối cùng, truyền hình UHD sẽ phủ sóng toàn quốc từ năm 2020 đến năm 2021.
Vai trò quyết định của các công ty và viện nghiên cứu Hàn Quốc
Truyền hình UHD là một dịch vụ phát sóng tiên tiến, tích hợp công nghệ truyền hình với viễn thông để cung cấp các dịch vụ tương tác qua ti-vi như một chiếc điện thoại di động hay máy tính. Dịch vụ này mở ra một kỷ nguyên mới nơi ti-vi trở thành một phương tiện dành cho “trải nghiệm” hơn là chỉ để “nghe, nhìn”. Đồng thời, dịch vụ này cũng mang lại vô vàn cơ hội không chỉ cho các nhà đài mà còn cho các trang web, cổng thông tin, các công ty truyền hình trực tuyến IPTV, các nhà sản xuất điện tử, các nhà sản xuất viễn thông. Là quốc gia đầu tiên khai thác các dịch vụ này, Hàn Quốc đã và đang nắm bắt cơ hội dẫn đầu thị trường toàn cầu, đồng thời sở hữu nền tảng công nghệ để trở thành người đứng đầu trong kỷ nguyên truyền hình UHD. Giáo sư Park Hee-jun nhận định.
Các công ty và các viện nghiên cứu Hàn Quốc đã dẫn đường cho những nỗ lực thương mại hóa việc phát sóng truyền hình UHD. Công nghệ liên quan tới dịch vụ này có thể chia thành mảng nén hình ảnh và truyền hình ảnh, hai lĩnh vực mà những nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu trên thế giới. Nhìn vào số đơn đăng ký sáng chế về các phát minh liên quan đến phát sóng UHD trong 10 năm qua, số đơn thuộc về Hàn Quốc chiếm tới 88%, và 80% trong số này là các doanh nghiệp, viện nghiên cứu Hàn Quốc. Do vậy, chúng ta có thể nhận định Hàn Quốc đang thống trị trong lĩnh vực công nghệ truyền hình UHD.
Những thách thức đối với dịch vụ truyền hình UHD
Công nghệ UHD hiện đang thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên toàn cầu. Bra-xin đang chuẩn bị phát sóng UHD và đã đề nghị Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS hỗ trợ, trong khi nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh viễn thông Eutelsat của châu Âu hiện cũng rất quan tâm đến việc mua nội dung UHD. Bên cạnh những lợi thế vượt trội, con đường phía trước của truyền hình UHD không chỉ trải toàn hoa hồng. Ông Park Hee-jun cho biết.
Để tận hưởng nội dung UHD một cách đầy đủ nhất, bạn cần được thu tín hiệu trực tiếp từ đài truyền hình mặt đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu tín hiệu từ đài truyền hình mặt đất ở Hàn Quốc lại rất thấp. Theo một báo cáo của Viện Phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc về xu hướng sử dụng truyền hình, chỉ 5% trên tổng số 4.388 hộ gia đình được hỏi có sử dụng truyền hình mặt đất thay vì trả tiền thuê bao cho cáp, vệ tinh, dịch vụ trực tuyến IPTV hoặc các dịch vụ thu phí khác.
Ngay cả khi các hộ gia đình thu tín hiệu trực tiếp từ đài truyền hình mặt đất, họ cũng phải sở hữu một chiếc ti-vi UHD, trong khi chỉ 2,5% số hộ gia đình Hàn Quốc hiện đang sở hữu một chiếc ti-vi như vậy. Thêm vào đó, theo quy định hiện nay, các nhà đài phải sản xuất nội dung UHD bằng ngân quỹ riêng của mình. Nói cách khác, những hạn chế về ngân sách có thể khiến các nhà đài khó tập trung đầu tư sản xuất những nội dung UHD hấp dẫn.
Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là rất cần thiếtHỗ trợ chính sách từ Chính phủ dường như sẽ là chìa khóa để giải quyết tận gốc những vấn đề này. Ông Park Hee-jun nhận định.
Ti-vi UHD sẽ trở thành xu hướng chính trong tương lai. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi được thương mại hóa hoàn toàn. Đầu tiên, các nội dung UHD phong phú phải được sản xuất nhiều hơn, và Chính phủ cần đưa ra nhiều chính sách đa dạng để hỗ trợ các ngành liên quan phát triển. Cụ thể, giá một chiếc ti-vi UHD là khá đắt đỏ, và chỉ các hộ gia đình khá giả mới có thể mua. Do đó, đến khi thị trường được chín muồi, Chính phủ cần phải trợ cấp hoặc đưa ra các hình thức hỗ trợ và chính sách khuyến khích các ngành liên quan, tạo điều kiện tối ưu để đại bộ phận người xem có thể thưởng thức nội dung truyền hình có độ phân giải cực cao với ti-vi UHD.
Hàn Quốc đã mở ra một chương mới trong lịch sử ngành truyền hình với việc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ra mắt truyền hình UHD. Nếu dịch vụ này được Chính phủ hỗ trợ kịp thời và cụ thể bằng các chính sách hợp lý, song song với sự đón nhận nhiệt tình của các tập đoàn cũng như người xem, kỷ nguyên của dịch vụ truyền hình định dạng siêu rõ nét UHD sẽ đến nhanh hơn.