Hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới Intel vừa quyết định mua công ty khởi nghiệp chuyên về trí tuệ nhân tạo Nervana. Đây là động thái nhằm tăng cường các dự án máy tính học sâu (deep learning), trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là sản xuất chip.

Phó Chủ tịch Intel Diane Bryant (trái) cùng Naveen Rao - Giám đốc điều hành Nervana. Ảnh: Intel
Phó Chủ tịch Intel Diane Bryant (trái) cùng Naveen Rao - Giám đốc điều hành Nervana. Ảnh: Intel

Theo các chuyên gia, máy tính tự học có thể sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn hơn cả cách mạng điện toán đám mây. Phó Chủ tịch Intel Jason Waxman dự đoán, con người sẽ sớm chuyển từ các thiết bị chỉ cần nối mạng sang các thiết bị có thể kết nối và nói chuyện được với nhau.

Một trong những thách thức lớn của Intel hiện tại là đưa được trí tuệ nhân tạo vào con chip của mình, vào trung tâm dữ liệu và thị trường đại chúng. Với việc thâu tóm Nervana, Intel sẽ sớm đẩy mạnh việc tạo ra bộ xử lý ổn định, mạnh mẽ hơn. Được biết, 97% các máy chủ đang hỗ trợ máy tính tự học được trang bị bộ vi xử lý Intel.

“Sau sáp nhập, Nervana vẫn sẽ nỗ lực phát triển các sản phẩm hiện có gồm khung học sâu Nervana Neon, nền tảng học sâu Nervana và phần cứng học sâu Nervana Engine” - ông Naveen Rao, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Nervana - tiết lộ. Nervana sẽ tiếp tục hoạt động với trụ sở chính ở San Diego (Mỹ) và các thành viên công ty hy vọng cơ cấu nhân sự sẽ không bị thay đổi.

Nervana được thành lập năm 2014, chuyên về phần cứng và phần mềm cho máy tính tự học nhờ kết hợp tốt các tiến bộ trong khoa học thần kinh, kỹ thuật máy tính và máy tính tự học. Các sản phẩm của công ty giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc quản lý dữ liệu, lập trình…

Thương vụ này chưa được Intel công bố chính thức. Theo tờ Recode, thỏa thuận có giá trị lên tới 400 triệu USD.