Vài năm trở lại đây, máy tính để bàn, laptop đã trở nên phổ biến và quá quen thuộc với mọi người nhưng không phải ai cũng biết cách kiểm tra thông tin cấu hình của máy. Bài viết này sẽ chia sẻ một số mẹo giúp bạn thực hiện thao tác này một cách dễ dàng.

Trước khi quyết định mua một chiếc máy tính để học tập, làm việc hay giải trí, phần lớn mọi người đều quan tâm đến việc cấu hình của nó có phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hay không.

Để biết điều đó, chúng ta phải kiểm tra thông số phần cứng của máy. Bài viết này sẽ hướng dẫn người dùng cách kiểm tra cấu hình máy tính để bàn, laptop trong vài thao tác.

Thông qua Computer Properties

Đây là phương pháp được nhiều người dùng thực hiện. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bạn có thể kiểm tra các thông số CPU, RAM, hệ điều hành, Windows đã Active chưa…


Đầu tiên, bạn nhấn chuột phải vào biểu tượng My Computer (This PC) rồi chọn Properties. Sau đó, bảng cấu hình cơ bản của thiết bị sẽ hiện lên.


Sử dụng lệnh “dxdiag”

Cách này cho chúng ta biết nhiều thông tin về cấu hình máy hơn phương pháp được trình bày ở trên.

Đầu tiên, bạn cần mở hộp thoại RUN bằng tổ hợp phím tắt Windows + R. Tiếp theo, cửa sổ RUN hiện ra, bạn gõ tiếp vào “dxdiag”. Sau đó, nhấn Enter.


Cửa sổ DirectX Diagnostic Tool sẽ mở ra và cung cấp cho bạn các thông tin phần cứng, hệ điều hành của máy tính.

Tab System hiện ra đầu tiên, bạn sẽ đọc được cấu hình gồm CPU, xung nhịp, dung lượng RAM, hệ điều hành, hãng sản xuất máy, tên máy…


Tại tab Display bạn sẽ xem được cấu hình card màn hình của máy. Đây là thông số rất được chú ý, vì card màn hình rất cần khi chạy các ứng dụng đồ họa cao, game nặng. Bạn sẽ kiểm tra được máy đang dùng card màn hình rời hay Onboard.

Tại tab Sound bạn sẽ thấy thông tin card âm thanh của máy.

Tab Input là các thông tin về thiết bị như chuột, bàn phím.

Sử dụng phần mềm CPU-Z

Chúng ta có thể cài đặt phần mềm CPU-Z trên máy tính để kiểm tra thông số, thông tin phần cứng. Ưu điểm của CPU-Z là cực kỳ gọn nhẹ, nhưng lại cung cấp các thông tin cấu hình rất chi tiết.

Sau khi cài đặt, giao diện cơ bản của phần mềm sẽ hiện ra với nhiều tab, mỗi tab lại cho chúng ta biết những thông số nhất định:


Tab CPU cho chúng ta biết thông tin về bộ vi xử lý của thiết bị bao gồm loại chip, thế hệ bao nhiêu, tốc độ xử lý, số nhân, số luồng xử lý…

Tab Caches cung cấp thông tin bộ nhớ đệm của CPU.

Tab Mainboard cho biết những thông tin về bo mạch chủ trên máy tính như tên hãng (Manufacturer), mẫu (Model), phiên bản BIOS (Version)…

Tab Memory hiển thị dung lượng RAM, loại RAM, tốc độ RAM…

Tab SPD cho biết thông số cụ thể từng khe RAM trên máy tính.

Tab Graphics cung cấp thông tin chính xác về card màn hình.

Tab About sẽ cho bạn biết về thông tin phiên bản CPU-Z mà chúng ta đang sử dụng, tác giả, trang chủ của phần mềm CPU-Z, hệ điều hành Windows đang sử dụng, DirectX.