Những năm gần đây, iPhone luôn được người dùng khắp nơi trên thế giới săn đón. Thế nhưng, do kinh phí hạn hẹp nên nhiều người phải tìm mua máy cũ với độ rủi ro cao. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một số phương pháp chọn mua iPhone cũ.

Kể từ khi Apple giới thiệu iPhone thế hệ thứ nhất vào năm 2007, đã có 11 dòng iPhone khác nhau được tung ra thị trường. Dù mới hay cũ, smartphone của “Táo khuyết” vẫn luôn được các khách hàng khắp nơi trên thế giới săn đón. Người tiêu dùng tại Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, vì điều kiện tài chính hạn hẹp nên nhiều người buộc phải tìm đến những chiếc iPhone đã qua sử dụng với giá rẻ hơn. Nhưng người dùng rất dễ mua phải hàng dựng, hàng kém chất lượng. Bài viết này sẽ giúp bạn trang bị kiến thức trước khi chọn mua iPhone cũ.

Kiểm tra ngoại hình


Khi kiểm tra ngoại hình iPhone cũ, bạn cần chú ý đến độ trầy xước, cấn móp của máy. Thông thường, khi mua máy nên chọn những máy có ngoại hình ở mức độ chấp nhận được. Nếu là một chiếc máy thuộc model đã quá cũ mà bên ngoài máy không hề có một chút trầy xước, có khả năng chiếc máy này đã bị thay vỏ.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến phần ốc vít ở cạnh dưới của máy. Nếu thấy có dấu hiệu bị toét đầu, khác màu hay bị bung, bạn cần cân nhắc lại việc mua máy vì chiếc iPhone này vì nó đã bị cạy mở, tháo lắp, can thiệp kỹ thuật.

Tiếp theo, bạn cần kiểm tra các phím bấm xem độ nảy, độ nhạy ra sao, sử dụng có dễ dàng không để chắc chắn rằng chúng không bị liệt hoặc gây ảnh hưởng trong quá trình sử dụng sau này.

Màn hình


Để kiểm tra chất lượng cảm ứng trên màn hình, bạn chỉ cần nhấn vào một biểu tượng bất kỳ, sau đó di chuyển biểu tượng đó khắp màn hình (nhất là 4 góc máy ít khi sử dụng đến). Nếu biểu tượng di chuyển mượt mà, không có dấu hiệu trượt khỏi tay thì đây là màn hình cảm ứng còn sử dụng tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên kiểm tra xem màn hình iPhone có điểm chết hay không. Cách đơn giản nhất là mở camera lên và lấy tay che camera. Khi đó, màn hình sẽ hiện ra màu đen giúp chúng ta dễ dàng phát hiện các điểm vàng, điểm đỏ, điểm tím...

Camera


Camera được xem là một trong những yếu tố mà người dùng chú trọng nhất khi chọn mua smartphone nói chung và iPhone nói riêng trong những năm gần đây. Vì vậy, trước khi chọn mua một chiếc iPhone cũ, người dùng cần kiểm tra máy ảnh trước, sau, đèn flash, quay video, cảm biến xoay.

Pin

Cách tốt nhất để kiểm tra pin trên 1 chiếc iPhone cũ là kết nối Wi-Fi rồi xem 1 clip và để âm lượng ở mức cao nhất trong thời gian tối thiểu 10 phút. Nếu pin của máy tụt quá nhanh thì chúng ta nên lựa một chiếc máy khác.

Cảm biến tiệm cận

Cảm quang (cảm biến tiệm cận) là yếu tố mà người dùng cũng nên kiểm tra. Để biết được cảm quang còn tốt hay không, cách dễ nhất là thực hiện cuộc gọi, sau đó dùng tay che vào cảm biến tiệm cận. Nếu màn hình tắt chứng tỏ cảm quang vẫn còn hoạt động tốt.

Kiểm tra thông qua chế độ Field Test


Muốn kích hoạt chế độ Field Test, người dùng hãy truy cập vào “Điện thoại”. Kế đến, nhập vào dòng lệnh *3001#12345#* và bấm nút gọi để truy cập vào chế độ.

Tại chế độ Field Test, người dùng sẽ có các tùy chọn SIM info, PDP Context Info, GSM Cell Environment, UMTS Cell Environment, MM Info.

Nếu muốn hiển thị tín hiệu điện thoại trên thanh trạng thái, người dùng hãy bấm và giữ nút nguồn cho đến khi xuất hiện thông báo Trượt để tắt nguồn, sau đó nhấn phím Home để trở lại màn hình chính.

Nếu con số này dao động trong khoảng -40 đến -80 thì máy vẫn còn rất tốt.

Kiểm tra toàn diện máy

Để kiểm tra toàn diện thiết bị, bạn vào Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu.


Tại giao diện chính của Giới thiệu, người dùng sẽ được cung cấp khá nhiều thông tin liên quan đến iPhone như dung lượng, nhà cung cấp, kiểu máy…


Để biết được xuất xứ của thiết bị bạn có thể để ý ở mục Kiểu máy. Dưới đây là một số mã model:

- VN: Việt Nam.

- ZA: Singapore (Phiên bản quốc tế).

- ZP: Hồng Kông (Phiên bản quốc tế).

- LL: Mỹ (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

- HK: Hàn Quốc (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

- C: Canada (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

- B: Anh (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

- F: Pháp (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

- XA: Úc (Bao gồm phiên bản quốc tế và khoá mạng).

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kiểm tra thông tin của máy bằng cách truy cập vào website: https://selfsolve.apple.com/agreementWarrantyDynamic.do? rồi nhập số serial.