Các chuyên gia cảnh báo rằng, chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống bị tin tặc (hacker) tấn công não, gây ra những cơn đau cho nạn nhân. Thậm chí, những kẻ tấn công tinh vi còn có thể điều khiển, kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, làm thay đổi hành vi của nạn nhân.

Não thành mục tiêu của hacker

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và y học, các chuyên gia đang lo lắng về một hiểm họa có thể xảy ra trong tương lai gần, đó là hacker có khả năng “cấy ghép não” các nạn nhân mà họ không hề hay biết.

Nói cách khác, hacker có thể tấn công não, “đánh cắp” suy nghĩ lẫn cảm xúc và điều khiển hành vi của nạn nhân bằng cách nhập những thông tin mà chúng muốn.

Hacker tấn công não người không còn là chuyện viễn tưởng.Ảnh: Towntalk

Trong y học, phương pháp cấy ghép các thiết bị chữa bệnh vào não đang dần phổ biến. Trong tương lai, khi phương pháp này rẻ và có ứng dụng rộng hơn, số bệnh nhân được cấy ghép sẽ rất lớn. Rủi ro an ninh mạng cũng theo đó tăng lên. Theo Dailymail, các cuộc cấy ghép này có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho bọn tội phạm.

Hậu quả sẽ không thể đo lường nếu kẻ khủng bố giành được quyền kiểm soát tâm trí một chính khách, một nguyên thủ quốc gia hay người có tầm ảnh hưởng lớn; hoặc đơn giản, chúng có thể tống tiền hoặc biến nạn nhân thành công cụ gây tội ác.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, hacker còn có thể xâm nhập các máy trợ tim hoặc máy bơm insulin, dẫn đến những hậu quả chết người.

Phương pháp tấn công tiềm năng

Trong một bài viết trên tạp chí The Conversation, Laurie Pycroft - nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Oxford (Anh) - đã mô tả cách hacker có thể điều khiển một người từ xa bằng cách tấn công não. Ông Pycroft và các cộng sự tin rằng, để tấn công kiểm soát bộ não của nạn nhân, điều dễ nhất cho hacker là lợi dụng kỹ thuật kích thích não sâu (DBS) và tấn công hệ thống DBS.

DBS là phương pháp mới điều trị Parkinson nặng, rối loạn vận động gây run, co cứng cơ, hiện tượng đau mạn tính nghiêm trọng... Phương pháp kích thích não sâu này cũng đang được thử nghiệm để điều trị bệnh trầm cảm, béo phì, hội chứng Tourette…

Một hệ thống DBS bao gồm: Các điện cực hoặc dây cách điện - gọi là đầu dẫn - được cấy sâu vào não bệnh nhân; máy kích thích - tương tự máy tạo nhịp tim - thường được cấy dưới da tại bất cứ bộ phận nào; dây cách điện kết nối với máy kích thích não được cấy ghép với các điện cực.

Máy kích thích não cho phép các bác sỹ cài đặt trước chương trình. Cấu tạo máy bao gồm một cục pin, một bộ xử lý vi mô và một ăngten liên lạc không dây. Về cơ bản, nó có cấu tạo giống máy tạo nhịp tim. Điều khác biệt là thay vì kết nối với trái tim, nó lại tác động trực tiếp lên vùng não.

Theo hình dung của các chuyên gia về các cuộc tấn công “chiếm não” tiềm năng của hacker, chúng sẽ tấn công các máy kích thích não kiểm soát không dây trong hệ thống DBS để có thể điều khiển não người từ xa. Chúng có thể thay đổi thiết lập của máy kích thích não, gây ra những cơn đau lớn hơn cho nạn nhân, hoặc ức chế khả năng vận động của bệnh nhân Parkinson.

Khi nhằm vào các vùng não khác nhau và thiết lập các thông số kích thích khác nhau, hacker có thể kiểm soát hành vi của nạn nhân để phục vụ các mục đích của chúng.

Việc tấn công não được ông Laurie Pycroft cho là dễ thực hiện và ít rủi ro hơn so với việc tấn công kiểm soát các máy bơm insulin hay máy trợ tim. Đó là chưa kể hacker có thể kiểm soát chính xác suy nghĩ, tình cảm và hành vi của nạn nhân.

Các chuyên gia cũng đã thảo luận về các giải pháp để ngăn hacker tấn công não. Theo họ, một trong những điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất thiết bị y tế phục vụ cấy ghép vào não phải bắt đầu quan tâm đến việc nâng cao tính bảo mật của thiết bị.

Các tính năng mới đột phá - chẳng hạn khả năng thực hiện và kiểm soát các cuộc cấy ghép vào não bằng điện thoại thông minh hoặc qua Internet – đều phải được tính trước về những nguy cơ mà các tính năng đó tạo ra, bao gồm khả năng bị tấn công mạng.

Ông Zoltan Istvan - lãnh đạo đảng Transhumanist, có tham vọng tranh cử ghế tổng thống Mỹ - từng tuyên bố, trong vài thập niên nữa, mọi người có thể kết nối với nhau trong một ma trận trí thông minh nhân tạo và giao tiếp bằng ý nghĩ nhờ cấy ghép các thiết bị vào não.

“Công nghệ này sẽ cho phép chúng ta kết nối 24/7 với Internet và mạng xã hội. Đây là sự khởi đầu của trí tuệ đám đông - nơi tất cả mọi người được kết nối” - ông Istvan nói. Nếu điều đó xảy ra, nguy cơ tất cả chúng ta đều trở thành mục tiêu của hacker vô cùng lớn.