Công nghệ hút chân không (Vacuum Composite) sẽ xử lý được vật liệu composite giúp giảm trọng lượng tàu khoảng 30%, giảm khối lượng nhựa thông trong quá trình sử dụng nguyên liệu để làm thân tàu, do đó giảm thải các chất độc hại ra môi trường.
Ông Goran Resic - Giám đốc, chuyên gia công nghệ tàu thủy công ty Remia Plast, Croatia - đã chia sẻ với Khoa học và Phát triển như vậy tại lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat - doanh nghiệp khoa học và công nghệ - và Công ty TNHH Remia plast chiều 21/8 tại Hà Nội.
Lễ ký kết có sự tham dự của ông Kreso Glavac - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Croatia tại Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Ông Kreso Glavaccho rằng việc ký kết hợp tác giữa 2 công ty là tín hiệu hết sức khả quan. Không chỉ Remia Plast mà các công ty khác của Croatia cũng sẽ thấy được tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam. "Đây là ví dụ sinh động, một bước chuyển lớn trong hợp tác chuyển giao công nghệ giữa hai nước" - Đại sứ Kreso Glavac nhấn mạnh.
Chia sẻ về công nghệ sẽ được chuyển giao vào Việt Nam, ông Goran Resic cho biết Remia Plast sẽ cùng James Boat hợp tác về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, bí mật về chuyên môn để sản xuất ra những sản phẩm tàu thuyền theo đơn đặt hàng của James Boat. Công nghệ hút chân không sử dụng vật liệu tiên tiến, giúp giảm lượng chất độc hại thải ra môi trường và không hại cho sức khỏe công nhân.
Ông Goran Resic cũng cho biết Remia Plast đã có 15 năm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này: "Đây là công nghệ tiên tiến và phức tạp, cho đến nay chúng tôi mới sử dụng chủ yếu ở ngành quốc phòng để sản xuất tàu thuyền cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi khai thác trong lĩnh vực thương mại và chúng tôi muốn chuyển giao đến 99% công nghệ này" - ông Remia Plast nhấn mạnh.
Từng đoạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Giải thưởng WIPO năm 2016, ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Jeam Boat - cho biết, việc ký kết có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp Jeam Boat bắt kịp với công nghệ tiên tiến và đưa vật liệu mới vào đóng tàu thuyền, ca nô.
"Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng chỉ có chất lượng và các giải pháp công nghệ thông minh mới có thể đảm bảo chỗ đứng lâu dài trên thị trường" - ông Sơn nói và cho biết với việc chuyển giao công nghệ này, Jeam Boat trở thành đơn vị đóng tàu đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, tiên tiến để sản xuất những sản phẩm tàu thuyền, ca nô chất lượng cao, kiểu dáng phù hợp cho nhiều mục đích khác nhau.
Bích Ngọc