Trào lưu sáng tạo xã hội
Tôi gặp phó giáo sư Trương Thị Nam Thắng, Trung tâm Khởi nghiệp vàSáng tạoxã hội của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trưởng ban tổ chức cuộc thi “Thử thách Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo xã hội” lúc chị vào Đà Nẵng để giới thiệu cuộc thi. Điều bất ngờ đầu tiên, là hầu hết những sinh viên, dự án khởi nghiệp… quan tâm đến tham dự lễ phát động, đều là nữ. Trong số hơn 100 người ngồi tại hội trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hôm đấy, chỉ có vỏn vẹn… 5 gương mặt nam giới. Chị Thắng cười: “Đặc thù của lĩnh vực sáng tạo xã hội là sự tham gia đông đảo của các bạn nữ. Có lẽ, vì tinh thần chung của sáng tạo xã hội có tính chăm sóc, chia sẻ và đồng hành, nên gần gũi hơn với các bạn nữ. Nhưng đây chỉ mới là giai đoạn đầu mà thôi…”.
Chị Thắng đứng giữa hội trường, giới thiệu cuộc thi thì ít, mà bị các bạn vặn hỏi về cuộc sống của mình thì nhiều hơn. Đó là câu chuyện của một nữ tiến sĩ khoa học, đi làm việc cho các công ty quốc tế, đến một thời điểm “khủng hoảng tuổi trung niên”, thì tự hoài nghi về mục tiêu sống của mình. Chị chuyển sang công tác đào tạo, và bắt tay thử nghiệm việc hỗ trợ cho một dự án cộng đồng của các phụ nữ yếu thế. Chị “cày” liên tục với công việc của một dự án không lương, không thưởng, không cổ phần, chỉ để đủ trải nghiệm cá nhân về sự sáng tạo xã hội, đẩy tới cùng thì sẽ tạo ra những tác động gì.
PGS. Trương Thị Nam Thắng. Ảnh: TN
Ba năm sau, trước khi nhận danh hiệu phó giáo sư kinh tế, chị nộp đề xuất thành lập trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, quyết tâm dành phần đời còn lại của mình thể theo đuổi câu chuyện tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng thông qua việc sáng tạo khởi nghiệp vì cộng đồng.
Và ngay tại chỗ, đã có những nhóm sinh viên nộp đề xuất dự thi, nhằm được lọt vào “vòng gửi xe”, thì sẽ đồng hành cùng các mentor (cố vấn) của chương trình để phát triển dự án. Đó là ý tưởng xây dựng chuỗi cửa hàng bánh ngọt do các học viên đang trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các trung tâm xã hội, đó là dự án đưa du khách đi bộ vòng quanh Đà Nẵng để tìm hiểu văn hóa, ẩm thực một cách dân dã và tạo cơ hội cho sinh viên phát triển ngoại ngữ. Đó còn là dự án của các bạn khiếm thị muốn dùng tin học để hỗ trợ các bạn khác cùng cảnh ngộ.
Làm thí sinh thật là vui
Tôi gửi thông tin cuộc thi một vài người quen. Trong đó, có dự án “Cộng đồng chia sẻ và kết nối của phụ nữ làm trong lĩnh vực sáng tạo” của công ty Trà Quế đăng ký tham dự. Vô tình, đây lại là công ty mà tôi có tham gia sáng lập từ những ngày đầu. Thế là cả hội tham gia các buổi huấn luyện, và tham dự vòng thi bán kết tại TP.HCM.
Có tổng cộng 17 đội phía Nam lọt vào vòng bán kết. Và chuyện cũ lặp lại: gần như toàn bộ thí sinh là… phụ nữ. Chỉ có 4 dự án người lên trình bày là nam giới, nhưng sáng lập dự án thì vẫn là phụ nữ. Giám khảo cuộc thi, là bà Hoàng Vân Anh, giám đốc các chương trình giáo dục và xã hội của Hội đồng Anh tại Việt Nam và bà Nguyễn Quỳnh Anh, giám đốc chương trình Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp của Chính phủ Thụy Sĩ SWISS EP, tất nhiên đều là… nữ.
Nhóm dự thi dự án “Cà phê dành cho người điếc” tại TP.HCM. Ảnh: TN
Mở đầu buổi thi là các cô gái đến từ nhiều trường đại học khác nhau, “âm mưu” mở một chuỗi các tiệm kinh doanh quần áo cũ, vừa không tạo ra rác thải công nghiệp mới, vừa tạo việc làm cho người nhập cư. Kế đến là nhóm sinh viên trường đại học Kinh tế với kế hoạch thu gom 8 tấn giấy đã qua sử dụng của giảng viên và sinh viên trường mình, biến chúng thành các sản phẩm thủ công khá đẹp mắt và phân phối lại cho các cửa hàng lưu niệm, đồ trang trí. Lại có dự án của một nhóm các chuyên gia nông nghiệp và bác sĩ y học cổ truyền tự trồng, tuyển dụng lao động khuyết tật để sản xuất những món hàng chăm sóc sức khỏe từ thảo dược như khẩu trang thảo dược, gối ôm thảo dược.
Một nhóm có ý tưởng rất thú vị, bắt nguồn từ đề tài tốt nghiệp đại học của sinh viên là “tạo kênh việc làm đúng ngành cho sinh viên y dược của đại học Nguyễn Tất Thành”. Đề tài tốt nghiệp này, lại được hiện thực hóa sau quá trình theo đuổi, thuyết phục và mời được không chỉ giảng viên bộ môn y dược, mà còn cả các giảng viên, chuyên viên của các trung tâm khác nhau trong trường. Cả cô và trò đều chứng minh với ban giám khảo về tiêu chí “phát triển các ý tưởng đổi mới - sáng tạo theo hướng tạo tác động tích cực cho xã hội” của dự án mình…
Đến ngày 17.6, vòng chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội, nhưng những tín hiệu mà cuộc thi gửi đi, cộng với hàng loạt các chương trình đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp xã hội, các hội thảo quốc tế đã được tổ chức, làm thấy rõ một trào lưu đang lên rất nhanh trong cộng đồng: khởi nghiệp vì những điều tốt đẹp.
Cuộc thi Thử thách Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo Xã hội thuộc chuỗi Chương trình Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo Xã hội, tổ chức bởi Hội đồng Anh Việt Nam, Đại học Northampton và các trường đại học, trung tâm ươm tạo trên toàn quốc. Là sân chơi dành cho thanh niên Việt Nam nhằm phát triển các ý tưởng đổi mới – sáng tạo theo hướng tạo tác động tích cực cho xã hội, trong ba tháng diễn ra chương trình, các thanh niên tham gia thử thách sẽ được đào tạo về các kỹ năng kinh doanh, phát triển mô hình kinh doanh dưới sự cố vấn của các chuyên gia.
Với quy mô rộng khắp toàn quốc, cuộc thi sẽ bao gồm ba vòng: sơ loại trong tháng 4; bán kết trong tháng 5 tại cả ba miền Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; vòng chung kết sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 6 tại Hà Nội. Các thí sinh tham gia vòng chung kết sẽ được tham gia vào lớp đào tạo về kỹ năng thuyết trình, ngày hội giới thiệu sản phẩm/mô hình kinh doanh, chung kết toàn quốc và hoạt động dã ngoại, thăm quan doanh nghiệp tạo tác động xã hội. |