Con người có thể sản xuất nhiên liệu của tương lai từ một nguồn nguyên liệu vô tận: Nước tiểu và phân.
Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Pacific Northwest (PNNL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tìm ra cách biến phân, nước tiểu thành dầu thô sinh học (có đặc tính giống dầu dưới lòng đất) nhờ kỹ thuật hóa lỏng thủy nhiệt.
Nhóm nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này mô phỏng quá trình tạo ra dầu thô tự nhiên trong hàng triệu năm. Song quá trình sản xuất diễn ra trong môi trường nhiệt độ và áp suất cao nên chất thải có thể biến thành dầu thô trong thời gian rất ngắn. Sau đó chúng ta có thể lọc dầu thô sinh học bằng công nghệ lọc dầu truyền thống.
Nhóm nghiên cứu khẳng định công nghệ của họ có thể tạo ra quy trình xử lý chất thải bền vững, không tạo mùi, không hao phí năng lượng, không để lại phụ phẩm.
Phương pháp của PNNL có thể giải quyết rất nhiều vấn đề. Với nó, chúng ta sẽ không cần phải sấy khô nhiên liệu – công đoạn khiến quy trình chuyển đổi năng lượng trở nên phức tạp và tốn kém.
Theo nhóm nghiên cứu, kỹ thuật hóa lỏng thủy nhiệt sẽ giúp chúng ta phân rã chất thải của người và thậm chí những sản phẩm hữu cơ ướt khác – như chất thải nông nghiệp – thành những hợp chất đơn giản hơn. Họước tính phân, nước tiểu của một người trong một năm có thể tạo ra 9 tới 13 lít dầu thô.
Quy trình như sau: Chất thải sẽ chịu sức nén lên tới 210 kg/cm2 trước khi di chuyển sang một lò phản ứng hạt nhân – nơi nhiệt độ lên tới gần 350 độ C.Sự kết hợp của áp suất lớn và nhiệt độ cao khiến chất thải chuyển hóa thành dầu thô sinh học cùng một hỗn hợp lỏng và hỗn hợp rắn.
“Một chất xúc tác có thể biến hỗn hợp lỏng thành một số dạng nhiên liệu khác và sản phẩm hóa học”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.
“Hàm lượng carbon trong phân, nước tiểu khá cao và điều thú vị là chúng chứa mỡ. Dường như các chất béo thúc đẩy sự chuyển đổi những nguyên liệu khác trong chất thải, như giấy toilet, và góp phần tạo nên dầu thô chất lượng cao. Khi lọc loại dầu thô ấy, chúng ta sẽ thu được xăng, dầu diesel và nhiên liệu dành cho động cơ máy bay”, Corinne Drennan, chuyên gia về công nghệ năng lượng sinh học, phát biểu.
Corinne Drennan và các đồng nghiệp khẳng định kỹ thuật của họ có thể giúp các chính quyền địa phương tiết kiệm tiền bằng cách loại bỏ nhu cầu xử lý, vận chuyển và tiêu hủy rác.
“Điểm hữu ích nhất về quá trình này là nó cực kỳ đơn giản. Lò phản ứng hạt nhân là môi trường vừa nóng, vừa có áp suất cao”, Corinne Drennan bình luận.