Nhiều nước đang chi hàng tỷ USD để xây dựng đội quân mạng và một khi căng thẳng giữa họ gia tăng có thể dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng trên phạm vi toàn cầu.

Bộ Chỉ huy phòng thủ mạng của hải quân Mỹ. Ảnh: Defense
Bộ Chỉ huy phòng thủ mạng của Hải quân Mỹ. Ảnh: Defense

Các nước tăng cường xây dựng đội quân mạng

Chiến tranh mạng được xem là hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng.

“Nấc thang cao nhất trong xung đột mạng là chiến tranh mạng… Về mặt khái niệm, chiến tranh mạng phản ánh tình trạng gia tăng công nghệ hóa của chiến tranh trong thời đại thông tin dựa trên các trạm máy tính, điện tử, các mạng kết nối của hầu như tất cả các lĩnh vực và khía cạnh của quân đội” - Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Zurich (Thụy Sĩ) cho biết trong một công bố về chính sách an ninh năm 2010.

Loại hình chiến tranh này thường rẻ hơn, sạch hơn các hình thức xung đột vũ trang khác, nhưng vẫn gây ra sự phá hủy lớn, đặc biệt đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia.

“Một cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn có thể dẫn tới thiệt hại về người và của cùng vô số mục tiêu với tất cả những gì được kết nối với máy tính” - Tara Maller - nguyên là chuyên gia phân tích quân sự của CIA (Mỹ) nói.

Chính điều đó đã thúc đẩy nhiều nước tích cực chủ động theo đuổi các chiến lược chiến tranh mạng để phòng thủ và sẵn sàng phản công đối phương khi thấy cần thiết. Trong đó, bao gồm cả các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Anh và nhiều quốc gia ở các khu vực khác.

Năm 2013, Bộ Chỉ huy tác chiến mạng của Mỹ đã chính thức thiết lập 13 đội, gồm các chuyên gia về máy tính và lập trình để thực hiện các cuộc tấn công mạng đối với các nước đối phương nếu Mỹ bị tấn công lớn vào hệ thống mạng của mình. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ tuyên bố công khai về việc phát triển vũ khí mạng để tác chiến.

“Tôi muốn nói rõ rằng, đây là các đội phòng vệ của quốc gia. Đội tấn công mạng này sẽ được Bộ Quốc phòng sử dụng để bảo vệ quốc gia và đáp trả lại một khi Mỹ bị tấn công mạng nghiêm trọng” - tướng Keith Alexander - người điều hành Bộ Chỉ huy tác chiến mạng của Mỹ nói.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, Bộ Chỉ huy tác chiến mạng của Mỹ đã được tài trợ tới 546 triệu USD. Đến năm 2015, con số này ước tính lên đến 609 triệu USD. Số tiến này được dùng cho việc diễn tập phòng vệ mạng và thực hiện các cuộc tấn công vào đối phương. Dự tính trong 5 năm nữa, tổng số chi phí sẽ là khoảng 2 tỷ USD.

Cùng thời điểm với Mỹ, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Philip Hammond cũng công khai sự quan tâm của Anh đối với việc xây dựng đội quân mạng vào năm 2013 và dự kiến chi tới 760 triệu USD cho lực lượng này trong 5 năm tới .

“Chúng tôi sẽ xây dựng khả năng tấn công mạng cho phép đáp trả kẻ địch, đưa không gian mạng cùng với đất liền, biển, không phận và vũ trụ trở thành những khu vực hoạt động chính yếu của quân đội” - ông Philip Hammond nói.

Cùng với Mỹ, Anh, nhiều quốc gia khác cũng được cho là đã và đang theo đuổi các kế hoạch xây dựng đội quân mạng. Theo thống kê của báo chí Mỹ, đến nay đã có ít nhất 29 nước chính thức hình thành các đơn vị tình báo hoặc quân đội đảm nhiệm vai trò tấn công mạng. Khoảng 50 nước đã tiến hành phát triển hoặc mua các phần mềm để sử dụng vào việc do thám ở trong và ngoài nước.

Còn theo Peter W.Singer - Giám đốc Trung tâm An ninh và Tình báo thế kỷ 21 thuộc Viện Brooking dự đoán, đã có khoảng 100 nước đang xây dựng các bộ chỉ huy đội quân mạng.

Bối cảnh trên cho thấy rằng, việc xây dựng một đội quân mạng với loại vũ khí mới đang trở thành một xu hướng đáng lưu ý hiện nay trên toàn cầu. Thậm chí, nó còn được nhận định chẳng khác nào một cuộc chạy đua vũ trang như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Chiến tranh thế giới thứ ba?

Sự liên tưởng giữa gia tăng xung đột trên lĩnh vực thông tin của mạng Internet với một cuộc đại chiến thế giới vốn đã được Marshall McLuhan - nhà nghiên cứu lý luận truyền thông Canada - tiên đoán từ năm 1970.

“Một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là một cuộc chiến về thông tin mà không có sự phân biệt ranh giới giữa quân sự hay dân sự” - McLuhan nói.

Trong những năm gần đây, khi đội quân mạng đang được phát triển thì khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới tiếp tục được các chuyên gia nhận định là một nguy cơ khó tránh khỏi.

“Chiến tranh là một sự phản ánh về thế giới và công nghệ xung quanh chúng ta. Vì thế, một cuộc chiến tranh lớn nếu có xảy ra vào những năm 2020 hoặc ngay hôm nay cũng sẽ là một cuộc xung đột trên khía cạnh mạng Internet” - Peter W. Singer nhận định.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này sẽ khác với các cuộc thế chiến trước đây cả về không gian tác chiến và vũ khí. Đó không phải là súng, pháo, xe tăng mà là loại vũ khí điện tử mới đã được phát triển cho chiến tranh trên môi trường Internet - một cuộc chiến không khói súng với những đội quân vô hình.

“Người ta nghĩ rằng, tác chiến của quân đội là ở đất liền, biển và không trung, cũng như khu vực thứ tư là không gian. Nhưng ngày nay, còn có một khu vực thứ năm là không gian mạng. Không giống như các binh sĩ hành quân trên đường, đội quân mạng vô hình nhưng tác chiến không hề kém hiệu quả” - cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Philip Hammond cho biết.

Điều lưu ý ở chỗ, một cuộc chiến tranh mạng sẽ khác rất nhiều với hoạt động tin tặc của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Vì chiến tranh mạng sẽ là sự đối đầu giữa các chính phủ, giữa quốc gia này với quốc gia khác, nó vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc tấn công tin tặc và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Bởi vì chiến tranh mạng sẽ nhằm tới không chỉ hệ thống máy tính, các dữ liệu bảo mật mà cả các mục tiêu là các công ty lớn, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước như mạng lưới điện, hàng không, ngân hàng, hệ thống cấp nước hay tất cả những cơ sở nào được đặt dưới sự giám sát điện tử.

Năm 2007, một cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ Estonia khiến Bộ Quốc phòng nước này phải lên tiếng rằng: “Nếu các dịch vụ Internet bị chậm hơn nữa, nền kinh tế của chúng tôi sẽ bị hủy diệt”. Năm 2012, Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ cũng cảnh báo, nếu một cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính điều khiển mạng lưới điện của quốc gia này xảy ra gây mất điện vài tuần hoặc vài tháng cũng có thể khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chết nếu gặp phải điều kiện thời tiết xấu như nắng nóng hay lạnh giá.

Đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu và những viễn cảnh được dự đoán về một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhưng nếu với đà phát triển của Internet trong mọi lĩnh vực như hiện nay, cùng với một loạt động thái xây dựng đội quân tác chiến mạng của không ít các quốc gia, thì việc cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng chắc chắn có những cơ sở thực tế.

Một số vụ tấn công mạng nổi bật:

- Tháng 4/2007: Một loạt cuộc tấn công mạng vào Estonia khiến mạng lưới website của các cơ quan chính phủ, ngân hàng nước này bị tê liệt, thậm chí còn gián tiếp châm ngòi cho các cuộc bạo loạn làm 150 người bị thương.
- Tháng 9/2010: Sâu độc Stuxnet tấn công, buộc Nhà máy hạt nhân Natanz của Iran phải đưa hàng nghìn máy ly tâm ra khỏi dây chuyền, chương trình hạt nhân cũng bị chậm lại 2 năm so với tiến độ.
- Tháng 11/2014: Tin tặc đánh cắp dữ liệu Công ty Sony Pictures Entertainment gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.